Mối họa từ xe 'cào cào bay'

Xe 'cào cào bay' là phương tiện không rõ nguồn gốc, xuất xứ; được nhập lậu hoặc tự lắp ráp, độ chế từ các linh kiện, phụ tùng không nhãn mác

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) - Công an TP HCM cho biết gần đây, trên đường phố xuất hiện một loại phương tiện gọi là xe "cào cào bay", kích thước nhỏ hơn xe máy thông thường nhưng tốc độ tương đương.

Rao bán tràn lan

Trên mạng xã hội, hàng trăm bài viết, clip đang rao bán xe "cào cào bay" (hình dáng như con cào cào) không biển số. Chỉ cần gõ từ khóa "xe cào cào bay" là xuất hiện nhiều trang web rao bán với đủ loại giá khác nhau. Đây là loại xe máy trôi nổi, tự lắp ráp.

Một hội nhóm trên Facebook mang tên "Hội mua bán, thanh lý mô tô mini - cào cào mini 50 cc" với hơn 5.800 thành viên hằng ngày có hàng chục lượt đăng bài mua - bán các loại xe "cào cào bay" tự lắp ráp. Mức giá dao động 3 - 15 triệu đồng/chiếc, tùy loại.

Một số hội nhóm khác cũng thường xuyên đăng các clip quay cảnh trẻ chạy xe "cào cào bay" không đội mũ bảo hiểm, nẹt pô, chạy bát nháo trên đường để quảng cáo sản phẩm. Họ giới thiệu xe "cào cào bay" có thể đạt tốc độ 80-90 km/giờ.

Một chiếc “cào cào bay” được bày bán ở một cửa hàng xe máy tại quận Phú Nhuận, TP HCM. Ảnh: NGỌC QUÝ

Một chiếc “cào cào bay” được bày bán ở một cửa hàng xe máy tại quận Phú Nhuận, TP HCM. Ảnh: NGỌC QUÝ

Nhiều sàn thương mại điện tử như TikTok, Lazada, Sendo… cũng giới thiệu hàng loạt xe "cào cào bay" với mức giá chỉ vài trăm ngàn đồng/chiếc, chạy bằng điện hoặc xăng kèm theo mô tả: "Là một dòng xe trẻ em mới ra, đang được kỳ vọng là một sản phẩm thu hút trẻ em".

Mới đây, lần theo địa chỉ từ bài quảng cáo xe "cào cào bay" trên một hội nhóm Facebook, chúng tôi đến một cửa hàng bán xe máy cũ ở đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP HCM. Một người đàn ông xưng là H., chủ cửa hàng, liên tục giới thiệu về xe "cào cào bay".

Theo ông H., xe "cào cào bay" đang bán ở cửa hàng có vận tốc tối đa lên đến 80 km/giờ, giá 14 triệu đồng. Ông cho biết loại xe này được nhập nguyên kiện từ Trung Quốc về lắp ráp.

"Đây là xe 2 thì, dùng xăng pha nhớt, hơn 80 phân khối, mạnh lắm! Nhưng mà chạy chơi thôi vì xe không có giấy tờ, nếu thích có thể độ thêm đồ chơi" - ông H. mời chào.

Ngoài địa chỉ nêu trên, hiện nay, nhiều cửa hàng xe máy ở TP HCM, Hà Nội… cũng bày bán đủ kiểu xe "cào cào bay".

Vừa sắm một chiếc "cào cào bay" cho con trai 12 tuổi, anh P.H (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết xe có giá 5 triệu đồng, chạy được 40 km/giờ. "Nghe tiếng pô nổ giống xe Suzuki xì-po (sport), tôi thích nên mua cho con chạy xung quanh khu dân cư" - anh giải thích.

"Thú chơi" mới của giới trẻ mê tốc độ

Đại diện PC08 - Công an TP HCM cho biết xe "cào cào bay" là phương tiện không rõ nguồn gốc, xuất xứ; được nhập lậu hoặc tự lắp ráp, độ chế từ các linh kiện, phụ tùng không nhãn mác.

Với hình dáng "độc, lạ", kích thước nhỏ gọn nhưng đạt tốc độ cao, loại xe này đang là "thú chơi" mới, được giới trẻ mê tốc độ săn tìm. Một số phụ huynh còn vô tư mua sắm xe "cào cào bay" cho con em mình, trong đó nhiều trẻ còn ở lứa tuổi học sinh, mà không ý thức được mối nguy hiểm luôn rình rập.

Mô tô, xe máy là phương tiện giao thông vận tải cơ giới, cũng được xem là một nguồn nguy hiểm đối với an toàn giao thông. Xe máy phải được sản xuất, lắp ráp đúng quy chuẩn; được kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi xuất xưởng.

Trong khi đó, xe "cào cào bay" được nhập lậu hoặc tự lắp ráp, độ chế, chắp nối từ các phụ tùng, linh kiện trôi nổi, không bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự cố bất ngờ trong quá trình lưu thông. Không chỉ gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông xung quanh, loại xe này còn gây ô nhiễm môi trường.

Xe "cào cào bay" có kích thước nhỏ, thấp hơn các loại xe máy thông thường nên dễ rơi vào vị trí "điểm mù" của các loại ô tô. Chưa kể, người điều khiển phương tiện này vốn là những trẻ mê tốc độ, khi chạy xe thường có thói quen lạng lách, đánh võng, nẹt pô…, gây ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn giao thông…

PGS-TS Trương Văn Vỹ - chuyên gia xã hội học tội phạm, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM - cho rằng xe "cào cào bay" tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông, kể cả người điều khiển lẫn người xung quanh. Loại xe này thường được mua cho trẻ sử dụng, mà nhiều em lại chưa đủ điều kiện điều khiển xe tốc độ cao.

PGS-TS Trương Văn Vỹ cho rằng cơ quan chức năng cần yêu cầu các sàn thương mại gỡ các bài viết, clip rao bán xe "cào cào bay"; kiểm tra các cơ sở buôn bán, độ chế… Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không nên nuông chiều, mua xe cho con để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Theo luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, hiện nay, mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, lắp ráp phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép là 30 - 35 triệu đồng đối với cá nhân, 60 - 70 triệu đồng với tổ chức.

Ngoài việc phạt tiền, cá nhân và tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu phương tiện sản xuất, lắp ráp trái phép; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

Trong khi đó, người điều khiển phương tiện được sản xuất, lắp ráp trái quy định có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Ngoài ra, luật pháp còn quy định áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, như tịch thu phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng...

NGỌC QUÝ - ĐÔNG HOA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-hoa-tu-xe-cao-cao-bay-196241107204343574.htm