'Mỗi huyện 1 đến 2 sản phẩm, mỗi xã 1 sản phẩm chủ lực': Bắt đầu từ câu chuyện nhãn hiệu
Mỗi xã 1 sản phẩm là chương trình lớn nhằm mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ... có lợi thế của từng địa phương. Để thực hiện thành công, các địa phương bắt đầu từ câu chuyện xây dựng nhãn hiệu. Đây là bước đi quan trọng xác lập tên tuổi hàng hóa trên thị trường.
Hợp tác xã chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) thành lập từ năm 2017, với 16 thành viên. Trung bình mỗi tháng hợp tác xã cung cấp cho thị trường trên 60 nghìn con giống các loại. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, mặc dù mới thành lập, nhưng thị trường sản phẩm của hợp tác xã tương đối rộng, trong đó chủ yếu tập trung vào các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Phúc, vì không có thương hiệu, lại không có người chuyên về xúc tiến thị trường, nên sản phẩm của hợp tác xã chủ yếu theo hình thức truyền miệng, người trước giới thiệu cho người sau. Để sản phẩm có được chỗ đứng, hợp tác xã đặt chữ tín lên hàng đầu. Mục tiêu phát triển của hợp tác xã trong năm tới là xây dựng nhà xưởng và kho cấp đông để tạo thành chuỗi sản phẩm. Trong đó không chỉ cung cấp con giống, hợp tác xã sẽ mở rộng ra sản phẩm gà thịt. Làm được điều này, thì quan trọng nhất là phải xây dựng được nhãn hiệu để người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và yên tâm sử dụng trong bối cảnh an toàn thực phẩm đang là nỗi lo của nhiều người.
Chủ tịch UBND xã Tú Thịnh Trương Ngọc Khởi cho biết, sản phẩm Gà sạch Minh Tâm hiện đã được xã lựa chọn để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm từ nguồn vốn của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Ông Khởi hy vọng, đây sẽ là tiền đề để sản phẩm chinh phục thị trường.
Xã Lực Hành (Yên Sơn) đã triển khai mô hình trồng na VietGAP với 15 ha. Tham gia mô hình, người dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trồng chăm sóc, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, phúc lợi xã hội và chất lượng sản phẩm. Từ 15 ha na theo mô hình VietGAP, người dân trong xã đã ý thức được việc trồng na sạch để bảo vệ sức khỏe người trồng, người tiêu dùng và nâng cao thương hiệu. Đến nay, hầu hết diện tích na ở Lực Hành được trồng theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Hoàng Văn Kế, Chủ tịch UBND xã Lực Hành cho biết, cây na chỉ thích hợp ở những nơi đất mát, vùng núi đá vôi, nhiều nơi tưởng chừng không trồng được cây gì cho hiệu quả thì cây na lại thích hợp. Hiện, toàn xã có 93 ha na. Mỗi năm, cây na cho tổng thu nhập khoảng 6,3 tỷ đồng (tính với giá thấp nhất 10.000 đồng/kg). Riêng thôn Minh Khai có gần 60 ha na. Khách mua na đa phần là các thương lái từ Hà Nội và các tỉnh khác tìm về. Na của Lực Hành được lái thương săn mua vì chất lượng quả hiếm nơi nào sánh bằng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Lực Hành, đây không phải là con đường lâu dài, vì nếu không xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu riêng của xã, sẽ không tránh khỏi tình trạng các thương lái thu mua sản phẩm của Lực Hành và trộn lẫn với sản phẩm cùng loại từ các nơi khác. Chính vì vậy, khi Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được triển khai, Lực Hành đã lựa chọn sản phẩm na dai để xây dựng thành sản phẩm chủ lực của địa phương, đồng thời xây dựng nhãn hiệu “Na dai đặc sản Lực Hành” gắn với chỉ dẫn địa lý để định hình sản phẩm trên bản đồ nông sản cả nước.
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ 800 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho 8 sản phẩm. Trong đó, có Thảo mộc Lâm Bình (Lâm Bình), bún khô Đà Vị (Na Hang), lạc Chiêm Hóa (Chiêm Hóa), gạo Minh Hương (Hàm Yên), na dai đặc sản Lực Hành (Yên Sơn), gà sạch Minh Tâm (Tú Thịnh), gà đỏ Đồng Dầy và cá đặc sản Tràng Đà (TP Tuyên Quang). Mỗi sản phẩm được hỗ trợ 100 triệu đồng. Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản là một trong những hướng đi trọng tâm rất cần thiết và mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung, nhất là trong bối cảnh mỗi địa phương đang xây dựng một sản phẩm đặc thù.