Mới là bước đầu
Những ngày cuối tuần qua, lần đầu tiên việc triển khai học tập Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII được tổ chức ở 67 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và đường truyền mở rộng đến hơn 7.300 điểm cầu cơ sở trong cả nước với gần 1 triệu đảng viên tham gia, đông nhất từ trước đến nay. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các văn kiện Đại hội XIII của Đảng trực tiếp truyền đạt.
Các chuyên đề đã tập trung vào những quan điểm, nội dung cốt lõi, những chủ trương mới trong các văn kiện Đại hội XIII (từ tầm bao quát, cách tiếp cận mới, mục tiêu tổng quát, các định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu chủ yếu, các khâu đột phá chiến lược...), cho thấy rõ sự kế thừa, bổ sung, phát triển tư duy, lý luận của Đảng.
Có thể nói, chưa có bao giờ, việc quán triệt, học tập nghị quyết được thực hiện một cách khẩn trương, đồng loạt, chất lượng như lần này. Nhận xét từ cán bộ, đảng viên tham gia học nghị quyết từ tỉnh đến cơ sở cho thấy, việc được trực tiếp nghe các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị quán triệt giúp nhận thức sâu sắc, sinh động vấn đề. Và quan trọng là giúp Nghị quyết Đại hội XIII “đến” được các cơ sở nhanh hơn, đầy đủ hơn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh: Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là công việc thường xuyên, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học trong suốt cả nhiệm kỳ. Sau Hội nghị này, sẽ là các hội nghị dành cho các cán bộ đảng viên còn lại, hoàn thành trong quý II.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII chỉ là bước đầu. Điều quan trọng là phải sớm đưa nội dung Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn cuộc sống, thấm nhuần sâu sắc lời Bác Hồ dạy “kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần” để biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế.
Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung xây dựng chương trình hành động, cụ thể hóa bằng các kế hoạch, dự án, đề án khả thi, sát với điều kiện thực tế, định lượng được kết quả, hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và sự phát triển mạnh mẽ của mỗi địa phương, đơn vị. Có như vậy, mới tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất và văn hóa, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân.