Mỗi lao động tự do gặp khó khăn do dịch được hỗ trợ 1,5 triệu đồng

Các trường hợp được hỗ trợ gồm: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách...

 Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu việc hỗ trợ trợ lao động tự do gặp khó khăn vì dịch Covid-19 phải đúng đối tượng, đúng quy định

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu việc hỗ trợ trợ lao động tự do gặp khó khăn vì dịch Covid-19 phải đúng đối tượng, đúng quy định

Sáng 12.8. đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy để xem xét nhiều nội dung, trong đó nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo tờ trình thực hiện hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do) gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nêu rõ Thường trực Tỉnh ủy nhất trí thực hiện hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng, gặp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Các trường hợp được hỗ trợ gồm: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách; xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; người lao động tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Điều kiện hưởng hỗ trợ là bị mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo theo quy định trong thời gian từ ngày 27.4.2021 đến 31.12.2021 do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch từ 14 ngày liên tục trở lên (bao gồm cả đối tượng F2 phải cách ly tại nhà); cư trú hợp pháp tại địa phương. Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Nguyên tắc hỗ trợ như sau: Mỗi đối tượng chỉ được hưởng 1 lần trong 1 chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8, mục II, Nghị quyết 68/NQ-CP) chỉ được hưởng 1 chế độ hỗ trợ. Không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu việc triển khai thực hiện hỗ trợ phải đúng tinh thần Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm công bằng, khách quan, dân chủ, đúng đối tượng, đúng quy định, không để xảy ra khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng đến thực hiện chính sách xã hội của tỉnh.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện tờ trình xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh để sớm triển khai thực hiện, bảo đảm hỗ trợ kịp thời những trường hợp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phát huy ý nghĩa của chính sách.

Kết quả rà soát sơ bộ từ ngày 1.5.2021 đến ngày 25.7.2021, trong tỉnh có 10.313 người đủ điều kiện được hỗ trợ với tổng kinh phí hỗ trợ trên 16,1 tỷ đồng.

Khoản 12, mục II, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác có nêu: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

HOÀNG BIÊN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/moi-lao-dong-tu-do-gap-kho-khan-do-dich-duoc-ho-tro-15-trieu-dong-176172