Mối lo HTX chậm bước lên 'chuyến tàu xanh hóa'
Khu vực kinh tế tập thể, HTX có nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển kinh tế xanh, bền vững. Nhưng HTX cũng rất cần được 'dẫn lối, chỉ đường' để giải quyết những khó khăn trong chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang bền vững.
Các mô hình kinh doanh bền vững, xanh hóa hiện nay được các HX áp dụng là sản xuất tuần hoàn, kinh doanh bao trùm, kinh doanh áp dụng ESG (bộ tiêu chuẩn sử dụng để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững) và một số mô hình khác đáp ứng theo quy định tại Quyết định 167/QĐ-TTg.
Còn nhiều "rào cản"
TS Nguyễn Phương Nam, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Dịch vụ đổi mới khí hậu Klinova cho biết, hiện nay, xu hướng kinh doanh bền vững đã được rất nhiều quốc gia áp dụng với tỷ lệ doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính bền vững trên 90%. Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia đã có đến 97% doanh nghiệp công bố báo cáo phát triển bền vững.
Ở Việt Nam, các HTX cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong việc hoàn thiện báo cáo tài chính bền vững. Với các HTX, vấn đề kế toán, kiểm toán chưa hoàn thiện dẫn đến chưa minh bạch được báo cáo tài chính, hoặc chưa thể hiện được việc chịu trách nhiệm trước các bên liên quan về các hoạt động của mình nhằm hướng tới phát triển bền vững
Đó cũng là lý do vì sao ở Việt Nam, báo cáo tài chính bền vững chỉ xuất hiện ở một số công ty đại chúng hoặc công ty quốc gia. Trong khi đây là một trong những điều kiện quan trọng để tiếp cận các nguồn vốn xanh, bền vững.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội) cho rằng sản xuất nông nghiệp, nhất là trong ngành chăn nuôi, các HTX luôn có tỷ lệ rủi ro cao hơn. Trong khi các ngân hàng lại rất lo ngại về tình trạng này và cần các HTX có phương án cụ thể về việc khi nào sẽ hoàn vốn, và nếu phát triển bền vững thì tính khả thi của mô hình sản xuất ra sao. Chỉ khi nào thấy được tính khả thi của các dự án chuyển đổi xanh, HTX mới có thể được vay vốn.
“Điều này là không hề đơn giản với nhiều HTX”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, dù Việt Nam là nước đi sau trong tiến trình xanh hóa nhưng đến nay, trong quá trình sản xuất kinh doanh, việc tiếp cận các công nghệ xanh, giống cây trồng, vật nuôi mới của HTX còn rất khó khăn.
Ông Trần Mạnh Hưng, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Lộc Phát (Gia Lai) cho biết, hiện các giống chanh dây đảm bảo chất lượng, với nguồn gen quý, HTX rất khó tiếp cận vì tình trạng giống cây giả, kém chất lượng tràn lan. Đặc biệt, đầu tư cho nông nghiệp xanh, vốn đầu tư sẽ tăng vì thành viên cần mua thuốc bảo vệ sinh học, phân hữu cơ, đầu tư máy móc để tái chế chất thải.
Ông Hưng cũng cho rằng đầu tư cho sản xuất xanh chắc chắn sẽ bị giảm lợi nhuận trong thời gian đầu, dẫn tới tình trạng nhiều HTX chưa dám đầu tư cho phát triển xanh, bền vững. Có những HTX đã đầu tư cho phát triển xanh nhưng khó duy trì hoặc mở rộng quy mô.
Theo khảo sát của ngành chức năng, mới có khoảng 14% trong tổng số 30.000 HTX đã chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, có liên kết chuỗi. Còn lại, nhiều HTX rất hạn chế về nguồn lực hoặc chỉ sử dụng nguồn lực tự có để có thể đầu tư nhằm chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững hơn. Chính vì vậy, có những HTX mới chỉ dừng lại ở mức “cân nhắc thực hiện” chứ chưa thể triển khai các hoạt động hướng tới phát triển bền vững trong thực tiễn.
Tăng trưởng xanh - "đi nhanh kẻo muộn"
Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu đến cạnh tranh trên thị trường quốc tế, việc các HTX phát triển xanh, bền vững dường như đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, để xanh hóa cần đẩy mạnh phát triển liên kết giữa các HTX, HTX với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, viện nghiên cứu. Điều này sẽ giải quyết vấn đề liên kết rời rạc giữa các tác nhân trong chuỗi, từ đó tăng hiệu quả trong thực hiện sản xuất xanh, bền vững.
Hiện có nhiều chính sách để hỗ trợ HTX phát triển xanh, bền vững, nhưng nhìn tổng thể, các chính sách hỗ trợ vẫn tương đối dàn trải, theo bề rộng. Nếu muốn tăng tỷ lệ HTX tham gia con đường xanh hóa, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, phải có những hỗ trợ mang tính chiều sâu, đặc trưng dựa trên những thế mạnh, cốt lõi của mô hình kinh tế tập thể, HTX.
Ông Marco Della Seta, Đại sứ Italia tại Việt Nam chia sẻ, phát triển sản xuất xanh chắc chắn cần một nguồn vốn lớn, bởi sản xuất bền vững là đồng nghĩa với việc áp dụng các tiêu chuẩn, kỹ thuật trong một thời gian dài, lên đến hàng chục năm. Do đó, các HTX cần có lộ trình phù hợp trong việc tận dụng các nguồn lực kinh tế - xã hội.
Thực tế đang có không ít những cam kết hỗ trợ vốn từ các tổ chức nước ngoài đổ về Việt Nam nhằm giúp Việt Nam thực hiện những cam kết về sản xuất bền vững. Do đó, bên cạnh đào tạo về quy trình sản xuất xanh, cần hướng dẫn một cách chi tiết để các HTX có thể tháo gỡ những vướng mắc và thuận lợi tiếp cận những nguồn hỗ trợ này. Bởi chỉ khi Việt Nam phát triển được các mô hình sản xuất xanh với sự tham gia của các HTX thì hoạt động xuất khẩu hàng hóa mới thuận lợi hơn.