Mối lo mới trong cuộc chiến chống Covid-19
Biến thể Lambda của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, còn được gọi là C.37, được phát hiện lần đầu tiên ở Peru vào tháng 8-2020 và hiện đã lây lan sang nhiều quốc gia khác, phần lớn ở Mỹ Latin.
Theo báo cáo hồi giữa tháng 6 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Lambda đã có mặt tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Brazil, Colombia, Ecuador, Pháp, Tây Ban Nha, Chile, Argentina…
Với khả năng lây nhiễm nhanh chóng, biến thể được WHO xếp vào nhóm "cần quan tâm" này hiện đã chiếm hơn 90% số ca mắc Covid-19 ở Peru, tăng lên từ 0,5% của tháng 12-2020.
Tốc độ lây lan của Lambda khiến nhiều nhà khoa học lo ngại. Dù vậy, một vài nhà nghiên cứu cho rằng Lambda có thể không thống trị Mỹ như cách biến thể này tàn phá nhiều quốc gia ở Nam Mỹ vì cái được gọi là "cạnh tranh sinh tồn".
Theo chuyên gia Anna Durbin của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ), những biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn sẽ sống sót, khiến những biến thể khác chết dần. "Cả Lambda và Delta đều có lợi thế về khả năng lây nhiễm nhưng tôi không nghĩ Lambda có thể cạnh tranh với Delta" - bà Durbin giải thích.
Hiện chưa rõ liệu Lambda có nguy cơ đột biến thành một biến thể mạnh hơn Delta hay không bởi theo tạp chí News Week, biến thể này vẫn đang lây lan trên toàn thế giới. Trong khi đó, chuyên gia Robert Paine của Trường ĐH Utah (Mỹ) cho rằng chưa có nhiều điều để nói về Lambda vì còn thiếu dữ liệu song điều tích cực là vắc-xin Covid-19 đến giờ vẫn phát huy tác dụng trước các biến thể.
Về phần mình, chuyên gia Preeti Malani của Trường ĐH Michigan (Mỹ) nhấn mạnh với đài CNN rằng việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19 nói chung sẽ giúp kiểm soát Lambda. Cũng theo bà Malani, tiêm phòng quy mô lớn là giải pháp duy nhất để kiểm soát SARS-CoV-2 và ngăn chặn virus này đột biến.