Mối lo ngại từ sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc
Việc tăng trưởng của Trung Quốc giảm tốc đã gửi đi những tín hiệu không mấy lạc quan cho quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Những số liệu việc làm đáng thất vọng của Mỹ có thể cản trở kế hoạch cắt giảm chương trình kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tuy nhiên, theo nhà báo Daniel Moss của Bloomberg, sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng gửi đi các tín hiệu không mấy lạc quan cho quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
"Tăng trưởng việc làm trong tháng 8 của Mỹ tồi tệ hơn cả những ước tính bi quan nhất trước đó. FED có thể khó công bố thắt chặt các chính sách trong tháng này", cây bút của Bloomberg viết.
Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh cũng ít có khả năng rút các chính sách hỗ trợ. Những ngày qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và cam kết sử dụng trái phiếu chính quyền địa phương tốt hơn.
Tăng trưởng giảm tốc
Giới chức trách Trung Quốc cũng báo hiệu cắt giảm thêm yêu cầu dự trữ đối với các ngân hàng nước này sau đợt cắt giảm hồi tháng 7. Những động thái trên phơi bày mối lo ngại về việc tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đang hạ nhiệt quá nhanh.
Nền kinh tế Trung Quốc đã bật dậy ấn tượng từ cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19. Giới quan sát nhận định đất nước tỷ dân sẽ dẫn dắt quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Tuy nhiên, đà phục hồi đang mất dần nhiệt lượng.
Theo Bloomberg, quá trình phục hồi hình chữ V của Trung Quốc đang phát đi những tín hiệu kém tích cực. Các chuyên gia kinh tế đã bắt đầu hạ thấp triển vọng của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu thắt chặt các chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, những thay đổi của PBoC là lý do để thế giới thận trọng hơn.
Trong tháng 7, tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc mở rộng với tốc độ thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Các ca nhiễm mới do biến chủng Delta - nguy hiểm và dễ lây lan hơn - đã ảnh hưởng đến doanh số bán lẻ.
Doanh số bán lẻ trong tháng 7 chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất kể từ đầu năm. Đầu tư tài sản cố định cũng không cao như dự báo của các nhà kinh tế. Các biện pháp hạn chế ô nhiễm và kiểm soát thị trường bất động sản của chính quyền Bắc Kinh cũng đè nặng lên sản xuất công nghiệp.
Sản xuất công nghiệp tăng 6,4% so với một năm trước đó. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất trong vòng 11 tháng qua. Sản xuất ôtô bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu.
Lo ngại toàn cầu
Chỉ số sức khỏe của ngành dịch vụ cũng sụt giảm trong tháng 8. Những con số trên khác xa với mức tăng trưởng kỷ lục ở vài tháng đầu năm. Giá hàng hóa cũng đã tăng mạnh trong những tháng qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của các nhà máy trung và hạ nguồn.
Theo ước tính của giới chuyên gia, GDP trong quý III/2021 có thể tăng chậm hơn 1 năm trước đó và ngang với quý IV/2019, ngay trước khi đại dịch bùng phát. Vào thời điểm đó, kinh tế Trung Quốc đang ở tình trạng giảm tốc kéo dài.
"Dựa trên các yếu tố kinh tế cơ bản, những dấu hiệu suy giảm đáng chú ý đã xuất hiện", ông Nie Wen, nhà kinh tế tại Hwabao Trust, cảnh báo.
Nền kinh tế thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng sẽ chứng kiến mức tăng trưởng khiêm tốn hơn, thay vì tốc độ tăng trưởng 2 chữ số như đầu những năm 2000
Nhà báo Daniel Moss của Bloomberg
Trong báo cáo được công bố hôm 11/8, các nhà kinh tế của HSBC nhận định đợt bùng phát mới tại Trung Quốc diễn ra khi một số động lực tăng trưởng kinh tế đã mất đà, tiêu dùng nội địa cũng chật vật để phục hồi hoàn toàn.
"Bắc Kinh sẽ không để nền kinh tế suy yếu quá nhiều. Các biện pháp mới nhất có lẽ là cách tốt nhất để quản lý rủi ro", nhà báo Moss bình luận.
Không giống Mỹ, Trung Quốc không dùng những biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh tay để tiếp nhiệt cho nền kinh tế. Hồi đầu năm, khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, các quan chức Bắc Kinh đã chuyển mối lo ngại sang bom nợ và tình trạng mất cân bằng tài chính.
Các cơ quan quản lý nước này đã bắt đầu lại kế hoạch giảm nợ sau khi bị gián đoạn bởi dịch Covid-19.
"Điều đó có nghĩa là nền kinh tế thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng sẽ chứng kiến mức tăng trưởng khiêm tốn hơn, thay vì tốc độ tăng trưởng 2 chữ số như đầu những năm 2000", nhà báo Daniel Moss của Bloomberg viết.