Mối lo từ những quảng cáo thuốc đông y gia truyền
Tuy đã có nhiều phương tiện truyền thông cảnh báo về nguy cơ lừa đảo, nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn có không ít người dân 'tiền mất tật mang' khi mua và sử dụng các loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc được bán trên các trang mạng xã hội.
Nhan nhản quảng cáo thuốc gia truyền
Hiện nay, hầu hết các video phát trên Youtube đều được chèn các quảng cáo của các “nhà thuốc” tự xưng “nhà tôi ba đời chữa xương khớp”, “chữa khỏi bệnh sau khi bệnh nhân điều trị tại bệnh viện không hiệu quả”, hay “không lấy tiền nếu chữa bệnh không khỏi”. Các "nhà thuốc" này quảng cáo đây là những bài thuốc gia truyền được bào chế từ những “thảo dược quý hiếm”, “không độc hại, không gây tác dụng phụ”...
Thuốc Đông y được quảng cáo dày đặc trên Youtube, nhưng không có kiểm chứng chất lượng từ các cơ quan chức năng.
Những quảng cáo này thường để lại số điện thoại, mời gọi người dân gọi điện để được tư vấn miễn phí. Thậm chí, để tăng niềm tin với khách hàng, nhiều quảng cáo còn thực hiện chiêu trò cắt ghép hình ảnh của biên tập viên, phóng viên đài truyền hình, làm giả bản tin thời sự... Các đối tượng người dùng được hướng đến thường là người cao tuổi, mắc những căn bệnh nan y, khó chữa, tin tưởng vào việc sử dụng thuốc Đông y, nghe hàng xóm, bà con “mách” những mẹo chữa bệnh...
Vì không thích uống thuốc tây trong điều trị bệnh mỡ máu, bà Đỗ Thị H, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) định chuyển sang dùng thuốc Đông y gia truyền, do tình cờ bà nghe quảng cáo trên Youtube bài thuốc “bí truyền” của một dòng họ nhiều đời làm thầy thuốc Đông y ở tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, sau khi gọi điện hỏi địa chỉ để nhờ người thân đến mua giúp, thì các “thầy thuốc” lại vòng vo không cho địa chỉ. “Họ bảo cứ ghi địa chỉ, họ sẽ gửi thuốc đến tận nhà, giờ đang dịch Covid-19, nên có tới nơi, nhà thuốc cũng đóng cửa. Khi tôi nhất quyết xin địa chỉ, thì họ bảo nhà ở nơi hẻo lánh, nên sợ không tìm thấy được”, bà H cho biết.
Thận trọng khi sử dụng
Do sử dụng các loại "thuốc Đông y" không rõ nguồn gốc, không có cơ sở khoa học, được quảng cáo tràn lan, nhiều người đã gặp phải các biến chứng nguy hiểm trong điều trị bệnh. Đơn cử như trường hợp anh Huỳnh Minh T, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi). "Tôi điều trị bệnh sỏi thận đã lâu, nhưng không khỏi. Thấy trên mạng quảng cáo bài thuốc chữa sỏi thận, sỏi mật, nên tôi đã đặt hàng về uống. Tuy nhiên, sau vài ngày uống thuốc, tôi bị mẩn ngứa khắp người. Khi đi khám tại bệnh viện, các bác sĩ đã làm các xét nghiệm và chẩn đoán tôi bị dị ứng thuốc Đông y. Phải mất vài tháng, tôi mới chữa hết bệnh dị ứng, trong khi đó bệnh sỏi thận vẫn không có biến chuyển gì", anh T cho biết.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bùi Tấn Sinh, thuốc Đông y có tác dụng chữa bệnh rất tốt, nhưng phải là thuốc được cấp phép lưu hành và do người có chuyên môn chỉ định sử dụng. Hơn nữa, mỗi người mỗi cơ địa, mỗi bệnh có cách chữa trị khác nhau... không thể có một bài thuốc gia truyền chung nào có thể chữa khỏi nhiều loại bệnh. Đặc biệt, thuốc Đông y không thể chữa được bệnh nan y như ung thư, nên những trường hợp mắc bệnh này phải sớm đến bệnh viện để được điều trị theo phác đồ.
Mối lo từ việc mua, bán thuốc Đông y trên mạng xã hội tồn tại đã lâu và gây nhiều bức xúc cho xã hội. Do đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng phải nâng cao nhận thức, không nên đặt cược sức khỏe, tính mạng của mình vào những bài thuốc gia truyền trôi nổi được quảng cáo, đồn thổi vô căn cứ.