Mối lo từ thực phẩm, đồ chơi trước cổng trường
Sử dụng thực phẩm, đồ chơi chất lượng kém, không rõ nguồn gốc được bán trước cổng trường, học sinh có nguy cơ cao bị ngộ độc, dị ứng...
Ngày 16-4, Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) tiếp nhận 35 học sinh (HS) cấp cứu trong tình trạng khó thở, đau bụng, buồn nôn… Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Đà Nẵng cho biết đây là các HS Trường Tiểu học Hòa Khương (huyện Hòa Vang), nguyên nhân ban đầu được xác định là bị ngộ độc do chơi slime nước (món đồ chơi thể lỏng, còn được gọi là "chất nhờn ma quái") mua tại quán trên đường vào trường. Trước đó, ngày 16-3, HS Trường Tiểu học Quang Trung, TP Vinh (tỉnh Nghệ An) bị đau bụng, buồn nôn sau khi uống nước ngọt có nhãn mác mờ, được phát miễn phí trước cổng trường.
Hiểm họa tiềm ẩn
Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, một HS Trường Tiểu học Hòa Khương mua đồ chơi slime dạng nước trước cổng trường, tự chế tạo, phối trộn với các chế phẩm mua từ tạp hóa để bán lại cho các bạn cùng trường. Khi chơi và ngửi mùi từ slime tự chế, nhóm HS có dấu hiệu đau đầu, đau bụng, nôn ói, khó thở... được đưa đi cấp cứu.
Sau sự việc này, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Công an TP và các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, những mặt hàng thường được bán cho HS phải kiểm tra kỹ nguồn gốc, xử lý những trường hợp nhập đồ chơi độc hại cho trẻ em. Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng khuyến cáo phụ huynh nên hạn chế cho con em mang tiền đến trường, khi mua đồ chơi cho con em phải chú ý đến tem nhãn, xuất xứ, không nên mua hàng trôi nổi, thường xuyên nhắc nhở con em về sự nguy hiểm mất vệ sinh an toàn thực phẩm trước cổng trường.
Không chỉ ở trường học này, nhiều trường khác trên cả nước cũng có những đồ chơi, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bao bì, bày bán tràn lan. Đa phần những mặt hàng này thường có nhiều màu sắc bắt mắt, mùi vị kích thích vị giác, thu hút sự tò mò của HS. Mức giá cũng chỉ dao động từ 5.000 đồng đến 15.000 đồng nên nhiều HS mua được.
Chị Hồ Thị Xuân Thủy có con đang học tại Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp, TP HCM), cho biết mỗi ngày, chị cho con 10.000 đồng để mua sữa hoặc đồ ăn vặt khi đói. Có hôm đón con, chị thấy con cầm một loại đồ chơi rất lạ, dẻo như cao su, mềm như thạch rau câu, có nhiều hạt lấp lánh, hỏi ra mới biết đó là đồ chơi mới mang tên slime và nhiều bạn trong lớp cũng mua chơi cùng. Nó có mùi thơm, nhưng khi ngửi kỹ thì có mùi hăng hắc, trên bao bì cũng không có tên nhà sản xuất. Vì lo lắng về chất lượng sản phẩm nên chị Thủy yêu cầu con không được tiếp tục sử dụng.
Chủ động giám sát con
Tương tự, anh Huỳnh Văn Thành có con học tiểu học tại quận Bình Thạnh (TP HCM) cũng thường xuyên cho tiền tiêu vặt để con mua đồ ăn trong căng-tin. Nhiều lần đón con, anh thấy con mua những món ăn được chế biến, bày bán ngoài đường, dầu mỡ đã ngả sang màu đen. "Ngoài đồ ăn nhanh, tôi thấy nhiều quầy tạp hóa trước trường còn bán những loại đồ ăn đóng gói in tiếng nước ngoài như: sườn bò, thịt khô, tăm cay, gà cay… màu sắc rất hấp dẫn. Nhưng không có loại nào ghi rõ xuất xứ, không thể bảo đảm chất lượng, HS đang bị bủa vây bởi hóa chất" - anh Thành cho hay.
Cô Trần Thảo Nguyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận 5, TP HCM), cho rằng nhà trường không thể quản lý những xe bán hàng trước cổng trường, vì vậy phụ huynh phải chủ động giám sát con em mình khi mua thực phẩm, đồ chơi ngoài trường. Giáo viên của trường sẽ quan sát HS của mình, khi các em sử dụng những thực phẩm, đồ chơi lạ sẽ lập tức tìm hiểu nguồn gốc, báo cáo cho ban quản lý thị trường địa phương nếu sản phẩm có dấu hiệu chứa độc tố, nguy hiểm. Mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, ban giám hiệu sẽ nhắc nhở, cảnh báo HS không mua những loại thực phẩm bẩn, đồ chơi lạ.
Đối với hàng hóa trong căng-tin buộc phải rõ nguồn gốc, không cho bán hàng không nhãn mác, xuất xứ không rõ ràng, hằng tháng phải báo cáo cho nhà trường về những mặt hàng buôn bán. Chất lượng căng-tin trường học tốt sẽ hạn chế ngộ độc từ thức ăn, đồ chơi bên ngoài cho HS.
Phó hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Tân Phú (TP HCM) cho biết HS thích mua đồ ăn, đồ chơi ở ngoài trường hơn vì giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng, trong căng-tin trường những mặt hàng đều rõ nguồn gốc nhưng giá thành cao. Nếu muốn HS hạn chế mua thực phẩm, đồ chơi bên ngoài trường thì phải điều tiết lại giá và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Khi sử dụng phải thực phẩm bẩn, đồ chơi có chứa độc tố, học sinh dễ bị ngộ độc, làm giảm sự phát triển của não bộ, gây ung thư, tổn thương gien… và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cẩn thận với slime
Đồ chơi slime được bán nhiều ở cửa hàng tạp hóa, các xe đồ chơi trước cổng trường trong những năm gần đây. Slime là bản nâng cấp hơn của đất nặn, một hỗn hợp vừa mềm vừa dẻo, người chơi có thể dễ dàng nhào nặn, kéo dài thành nhiều hình thù khác nhau. Đồ chơi này nếu làm từ hóa chất và phụ gia không có nguồn gốc rõ ràng, pha trộn không đúng tỉ lệ dễ dẫn đến ngộ độc khi ngửi.