Mối lo từ xe U-oát cũ

Vụ xe U-oát cũ gây tai nạn khiến 7 người thương vong ở Hà Giang làm dấy lên lo ngại về loại xe này đang được sử dụng trong các khu du lịch

Liên quan đến vụ xe UAZ (thường gọi là xe U-oát) gây tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng tại thôn Bản Mồ, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vào trưa 8-11, Cục CSGT (Bộ Công an) đã đưa ra thông tin ban đầu chiếc xe này không bảo đảm điều kiện chở du khách.

Tùy tiện thay đổi kết cấu

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, khoảng 10 giờ 30 phút ngày 8-11, chiếc xe U-oát do tài xế Sùng Mí Quả (SN 1985; trú xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) điều khiển, chở 6 khách du lịch Đà Nẵng từ thị trấn Đồng Văn xuống thôn Bản Mồ đã lao xuống vực sâu khoảng 100 m. Vụ tai nạn khiến 3 người tử vong tại chỗ, 4 người bị thương.

Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc U-oát trên được sản xuất năm 2005. Xe được kiểm định lần gần nhất ngày 27-7-2020 tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2301S - tỉnh Hà Giang; hạn kiểm định đến hết ngày 26-1-2021. Qua điều tra ban đầu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Giang xác định nguyên nhân gây tai nạn là do tài xế không làm chủ được tay lái. Còn theo báo cáo của Cục CSGT (Bộ Công an), tài xế Sùng Mí Quả có giấy phép lái xe hạng C do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tuyên Quang cấp, có giá trị đến ngày 14-6-2022. Còn chiếc xe bị nạn không bảo đảm điều kiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Xe Jeep, U-oát sử dụng nhiều ở Khu Du lịch LangBiang Ảnh: ĐÌNH THI

Xe Jeep, U-oát sử dụng nhiều ở Khu Du lịch LangBiang Ảnh: ĐÌNH THI

Từ vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng này, dấy lên lo ngại sự an toàn của xe U-oát, kể cả loại Jeep đời cũ đang được sử dụng nhiều trong các khu du lịch.

Tại Bình Thuận, các dịch vụ cho thuê xe tự lái và các loại xe cải tiến để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách xuất phát từ đầu những năm 2000 và nở rộ trong gần chục năm qua. Qua rà soát, Công an TP Phan Thiết cho biết hiện ở TP này có trên 100 xe Jeep và U-oát đang hoạt động chở khách du lịch, chủ yếu ở 2 phường Mũi Né và Hàm Tiến. Điều đáng nói là phần lớn xe này đều hết hạn kiểm định; chủ xe tùy tiện thay đổi kết cấu, hình dáng xe hoặc không đăng ký kinh doanh vận tải khách.

Hai loại xe này cũng đang sử dụng nhiều ở các khu du lịch của tỉnh Lâm Đồng, nhiều nhất là tại Khu Du lịch LangBiang (huyện Lạc Dương). Tại đây, HTX Vận tải huyện Lạc Dương ký hợp đồng vận chuyển khách trong khu du lịch với 51 xe Jeep, U-oát.

Trước đó, khoảng cuối tháng 2-2016, cũng tại Khu Du lịch LangBiang đã xảy ra sự cố đối với xe Jeep mang BKS 49A - 10.561 chở theo 6 du khách lên đỉnh LangBiang thì tuột dốc. Rất may, sau đó tài xế đã điều khiển cho xe đâm vào giữa hàng thông bên đường nên xe mới dừng lại.

Kiểm tra, xử lý vi phạm

Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn ở Hà Giang, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, chỉ đạo Cục CSGT phối hợp Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô, tập trung vào các điều kiện an toàn của xe chở học sinh, xe chở khách du lịch; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Một đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết xe U-oát chủ yếu sử dụng ở những địa hình đồi núi. Nếu các chủ xe không thực hiện nghiêm túc việc đăng kiểm, kiểm tra xe định kỳ hoặc tài xế bất cẩn, hậu quả sẽ rất khó lường. Vì thế chính quyền địa phương, ngành chức năng phải kiểm soát về chất lượng xe đưa vào lưu thông, bằng lái xe, giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và phương tiện.

Với việc nhiều khu du lịch trong tỉnh sử dụng xe Jeep, U-oát để phục vụ du khách, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Lâm Đồng, thông tin các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc Thông tư 07 của Bộ VH-TT-DL quy định về nội dung tập huấn cho người lái phương tiện và hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người tham gia hoạt động vui chơi giải trí, có hiệu lực từ ngày 1-12-2020 tới. Tại Khu Du lịch LangBiang, Sở VH-TT-DL cũng đang phối hợp với Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng tổ chức các buổi tập huấn và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, sử dụng xe cho tài xế và chủ phương tiện.

Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, cho rằng do địa bàn đồi núi cao, phương tiện vận chuyển ngày càng cũ kỹ nên tại các địa điểm du lịch phải tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của các chủ xe. "Chúng tôi khuyến cáo các đơn vị phục vụ vận tải du lịch không được phép chở vượt quá số người theo quy định, nếu phát hiện sai phạm hoặc xảy ra sự cố sẽ có hình thức xử lý nghiêm" - ông Hiệp nhấn mạnh.

Thời gian qua, lực lượng CSGT Công an TP Phan Thiết cũng tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện giao thông không bảo đảm an toàn, trong đó chủ yếu là xử lý các phương tiện xe Jeep và U-oát hết niên hạn sử dụng. Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch UBND phường Mũi Né, nhấn mạnh: "Chúng tôi đang chỉ đạo lực lượng công an kiểm tra lại các cơ sở cho thuê xe Jeep, U-oát để nắm chắc số lượng, sau đó cùng đoàn kiểm tra của tỉnh, TP ra quân xử lý vi phạm nếu có".

Không nên mua xe U-oát cũ

Theo giới kinh doanh xe ở TP HCM, U-oát là dòng xe được sản xuất từ thời Liên Xô cũ. Trước đây, dòng xe này đưa về Việt Nam tiêu thụ nhưng không được ưa chuộng. Đến năm 2017, nhà phân phối có ý định mở rộng thị phần vì có thông tin là được hưởng chính sách miễn giảm thuế. Thời điểm này, xe cũng được đưa về trưng bày với giá thành từ 460 - 686 triệu đồng/chiếc, tùy phiên bản. Trong khi đó, giá xuất xưởng các dòng xe U-oát mới hiện nay do Nga sản xuất chỉ khoảng 150 triệu đồng.

Ông Trần Thanh Tuấn, chuyên buôn bán xe cũ tại quận Thủ Đức, TP HCM, khuyên người mua xe cân nhắc lựa chọn loại xe U-oát "cổ". Mặc dù có giá rất thấp, như dòng xe đời 1990 chỉ khoảng 60-65 triệu đồng, đời 1985 từ 50-55 triệu đồng nhưng do xe đã quá cũ phải sửa chữa, thay thế linh kiện khá nhiều nên chất lượng không ổn định.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/moi-lo-tu-xe-u-oat-cu-20201109223938512.htm