Mối lo tỷ giá có thực sự đáng ngại đối với thị trường chứng khoán?

Tỷ giá USD/VND liên tục căng thẳng suốt trong năm 2024 là một trong những yếu tố tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán, bên cạnh áp lực từ sự bán ròng miệt mài của các nhà đầu tư nước ngoài. Và khó khăn này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm nay.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang bước vào những ngày đầu năm 2025 với nhiều dấu hiệu bất ổn, đi ngược lại những kỳ vọng của giới phân tích.

Rủi ro tỷ giá tăng cao

Tính từ đầu năm, VN-Index hiện đã giảm khoảng 4%. Cùng với đó, thanh khoản ngày càng “eo hẹp”, xuống đáy 2 năm, phản ánh tâm lý bất ổn của nhà đầu tư.

Từ ngày 3/1/2025, chỉ số DXY vượt trên 109 điểm, đồng USD đạt mức cao nhất trong 2 năm qua khi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ vượt trội và lãi suất được nước này duy trì ở mức cao. Đây là yếu tố khiến TTCK đang ở trạng thái tâm lý trung tính chuyển sang thận trọng.

Tỷ giá tăng cao gây áp lực tới TTCK.

Tỷ giá tăng cao gây áp lực tới TTCK.

Theo giới phân tích, tỷ giá USD/VND liên tục căng thẳng suốt trong năm 2024 là một trong những yếu tố tác động tiêu cực tới TTCK, bên cạnh áp lực từ sự bán ròng miệt mài của các nhà đầu tư nước ngoài. Và khó khăn này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm nay.

Báo cáo thị trường mới nhất của Quỹ SGI Capital cho biết, chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thành công trong năm qua khi giữ được nền lãi suất thấp trong khi tỷ giá biến động ở mức vừa phải so với đồng nội tệ của các quốc gia mới nổi khác. Tuy nhiên, thách thức điều hành đầu 2025 vẫn sẽ lớn với áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và mức thuế có thể áp lên hàng nhập khẩu Việt Nam và tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) yếu đi. Hệ quả của thuế quan luôn là biến động mạnh về tỷ giá và sức ép lên thanh khoản, lãi suất. Trong khi đó, nguồn lực để can thiệp của NHNN không còn dư dả khi dự trữ ngoại hối đã giảm hơn 8 tỷ USD trong 2024 và chỉ còn tương đương khoảng 11 tuần nhập khẩu - thấp hơn mức khuyến nghị tối thiểu 14 tuần của IMF.

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng đã hết dư địa, kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025 của NHNN đòi hỏi hệ thống ngân hàng sẽ phải huy động một lượng vốn rất lớn tương ứng. Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng mạnh hơn kỳ vọng và ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền nội trên TTCK - vốn đã cạn kiệt sau những đợt bán ròng của khối ngoại và phát hành từ các doanh nghiệp niêm yết (chủ yếu là chứng khoán và bất động sản).

“Những giai đoạn nới lỏng tiền tệ luôn chứng kiến dòng tiền nội chảy vào TTCK mạnh mẽ hấp thụ và thậm chí áp đảo nguồn cung khối ngoại để duy trì đà tăng tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, khi giai đoạn nới lỏng đi qua, lãi suất nhích tăng trở lại, dòng tiền nội suy yếu khiến thanh khoản tụt giảm, rủi ro giảm giá sẽ tăng lên nếu khối ngoại vẫn duy trì bán ròng hoặc có những biến cố khiến nguồn cung tăng đột biến”, SGI Capital nhận định.

Trên thị trường quốc tế, nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bắt đầu từ ngày 20/1 có thể mang đến những thay đổi khó lường trong chính sách, chẳng hạn như thuế quan. Không chỉ VN-Index, mà toàn bộ TTCK toàn cầu cũng có nguy cơ đối mặt với các biến động khó đoán định.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất, Chứng khoán MB (MBS) nhận định các bất ổn liên quan đến kịch bản "Trump 2.0" có thể làm gia tăng giá trị đồng USD, tạo thêm áp lực cho tỷ giá trong nước.

Không nên quá bi quan

Về lý thuyết, tỷ giá luôn là một rủi ro lớn với nền kinh tế và TTCK. Nhưng trên thực tế, với kinh nghiệm điều hành tỷ giá của NHNN các năm qua và điều kiện vĩ mô hiện tại, câu chuyện tỷ giá mỗi lần đến gây áp lực rồi đi qua trên TTCK cho thấy nỗi sợ chủ yếu là do tâm lý nhà đầu tư và ảnh hưởng từ áp lực bán ròng của khối ngoại.

Trong các báo cáo chiến lược năm 2025 gần đây, dù nhìn nhận tỷ giá là một rủi ro nhưng các công ty chứng khoán đều nhận định, lãi suất vẫn duy trì ở mặt bằng ổn định, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo Báo cáo chiến lược của Chứng khoán HSC, việc đồng USD duy trì sức mạnh tiếp tục gây áp lực cho các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam. Dù vậy, tác động tiêu cực được dự đoán sẽ không quá sâu sắc nhờ các điều chỉnh chiến lược phù hợp.

Chứng khoán Kafi lưu ý, việc đồng NDT mất giá mạnh nhất trong nhiều năm qua (vượt mốc 7,33 NDT đổi 1 USD) sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu của Việt Nam. Hàng hóa của Việt Nam như dệt may, thủy sản, điện tử sẽ khó cạnh tranh hơn, vì giá hàng Trung Quốc rẻ hơn trên cùng thị trường quốc tế. Nếu đồng NDT tiếp tục giảm, Việt Nam có thể phải điều chỉnh tỷ giá để bảo vệ xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến ổn định kinh tế trong nước. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, máy móc từ Trung Quốc sẽ được lợi vì giá thành giảm, giúp giảm chi phí sản xuất. Điều này phần nào ảnh hưởng tiêu cực vào giá cổ phiếu của nhóm xuất khẩu như dệt may, thủy sản, thép. Do đó, cần phải theo dõi nhiều hơn đối với đồng NDT.

Điểm tích cực là xu hướng tỷ giá được dự báo trước giúp doanh nghiệp chủ động đối phó với biến động. Từ nhiều năm nay, tỷ giá đã là một trong các yếu tố quản trị rủi ro thường niên của doanh nghiệp và hiện không phải là rủi ro trọng yếu, khó quản trị.

Dựa trên thông tin doanh nghiệp công bố, nhà đầu tư có thể ước tính được tác động của tỷ giá tới chi phí, lợi nhuận của doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định phù hợp.

Khi điểm trũng thông tin qua đi, nỗi lo tỷ giá gây áp lực tâm lý lên thị trường sẽ được trung hòa bởi các thông tin mới mà doanh nghiệp đưa ra khi công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 và lên kế hoạch kinh doanh năm 2025.

Mặt bằng giá thị trường không phải quá rẻ, nhưng không ít mã cổ phiếu đã giảm về vùng hỗ trợ dài hạn, với định giá thấp theo P/E hay P/B và những mã này chịu tác động trực tiếp của tỷ giá ở mức độ thấp.

Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Chứng khoán VPBank, hiện tại, tỷ giá VND/USD đang mạnh lên, đây là xu hướng thường thấy và phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Theo tính chu kỳ, USD có xu hướng mạnh vào 3 tháng đầu năm với xác suất tăng giá cao và tháng 4 trở đi có thể kỳ vọng đà tăng của USD sẽ chững lại.

Tuy nhiên, nếu Tổng thống Donald Trump có những phát biểu bớt cực đoan về chính sách thương mại, thị trường có thể kỳ vọng sự đảo chiều của USD. Số liệu thống kê cho thấy TTCK rất khó đi lên nếu đồng USD không tạo đỉnh.

Do đó, nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn các kịch bản khác nhau để có thể đưa ra những quyết định phù hợp trước những biến số phức tạp của thị trường. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát sao các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế, cũng như xu hướng dòng vốn ngoại để đưa ra các quyết định phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/moi-lo-ty-gia-co-thuc-su-dang-ngai-doi-voi-thi-truong-chung-khoan-1104647.html