'Mồi lửa' mới tại Trung Đông
Trong những ngày gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc gây căng thẳng giữa Israel với các nhóm phiến quân do phong trào Hamas lãnh đạo tại Dải Gaza. Giới phân tích Palestine nhận định, điều này đang châm ngòi cho sự bùng nổ giao tranh mới giữa hai bên.
Nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột mới
Hôm 21/8, hàng trăm người Palestine đã biểu tình gần khu vực biên giới giữa Israel và phía Đông Dải Gaza theo lời kêu gọi của thủ lĩnh các phe phái Palestine, trong đó có cả Hamas, để phản đối việc Israel phong tỏa vùng đất của Palestine từ năm 2007. Các cuộc đụng độ bạo lực sau đó đã bùng phát giữa những người biểu tình với lực lượng an ninh Israel.
Khói lửa bốc dữ dội tại thành phố Gaza sau một vụ không kích của Israel.
Đây là cuộc xung đột bạo lực nhất giữa hai bên kể từ khi kết thúc cuộc tuần hành chống Israel hồi năm 2019. Các nhân viên y tế Palestine cho biết có 41 người Palestine đã bị bắn và bị thương, trong đó có 22 trẻ em. Còn phía quân đội Israel cho biết một người Palestine cầm súng lục đã bắn trọng thương một lính bắn tỉa Israel khi những người biểu tình cố giằng lấy súng của binh sỹ này.
Từng đóng vai trò trung gian trong thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas hôm 21/5 nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 11 ngày, Ai Cập đã tỏ ra bất bình trước việc Phong trào Hamas tổ chức các cuộc biểu tình lớn, song các phe phái của Palestine vẫn thề sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc biểu tình gần biên giới chống lại Israel cho đến khi Israel dỡ bỏ lệnh phong tỏa đã áp đặt đối với Dải Gaza. Truyền thông Israel cho biết Ai Cập đã đáp trả bằng việc đóng cửa khẩu Rafah với Dải Gaza vì Hamas không giữ cam kết đối với lệnh ngừng bắn khi cho phép người biểu tình tiếp cận hàng rào biên giới và đụng độ với các binh sỹ Israel.
Nhà phân tích chính trị Husam al-Dajjani ở Gaza nhận định thực trạng tình hình nhân đạo và đời sống khó khăn ở Dải Gaza là chỉ dấu về nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột mới bất kỳ lúc nào, “ngay cả khi đây không phải là mong muốn của các phe phái người Palestine hoặc chính phủ Israel”. Ông giải thích: “Tình hình nhân đạo ở Dải Gaza là không thể chấp nhận được và các cuộc đụng độ gần đây diễn ra giữa những thanh niên Palestine quá khích với lực lượng Israel tại khu vực biên giới hôm 21/8 là một thông điệp gửi tới Israel rằng, một đợt giao tranh khác sắp nổ ra”.
Nhà phân tích này cũng cáo buộc Israel không muốn nới lỏng tình trạng phong tỏa áp đặt đối với Dải Gaza, đồng thời lưu ý thêm rằng Israel đang tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài bằng cách đạt được thỏa thuận trao đổi tù binh để thả bốn công dân Israel mất tích từng bị Hamas giam giữ kể từ năm 2014. Trong khi đó, ông Mustafa Ibrahim, nhà phân tích chính trị khác tại Gaza, cho rằng các biện pháp phong tỏa chặt chẽ của Israel đối với Dải Gaza, nơi sinh sống của gần 2 triệu người trong hơn 14 năm qua, đã khiến vùng đất này này kém phát triển xét về lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Ông minh chứng: “Thực trạng ở Dải Gaza thật bi thảm với tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 55% và tỷ lệ nghèo đói đã lên tới 80%”. Nhà phân tích này ghi nhận “khu vực tư nhân ở Gaza đang sụp đổ và tình hình y tế đang ở trong điều kiện tồi tệ nhất. Phụ nữ và thanh niên là những người phải chịu thiệt hại vì các biện pháp phong tỏa của Israel”.
Ông Ibrahim tiếp tục chia sẻ: “Sau đợt giao tranh căng thẳng hồi tháng 5/2021, người dân Gaza kỳ vọng rằng thực tế khó khăn ở Gaza sẽ thay đổi bằng cách Israel dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Các biện pháp phong tỏa là vô đạo đức, bất hợp pháp, vô nhân đạo và là một hình phạt tập thể chống lại 2 triệu người dân ở mảnh đất này”.
Trước bối cảnh đó, phát biểu hôm 1/9 tại một hội nghị quốc tế trực tuyến về Trung Đông, Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye bày tỏ hoan nghênh mọi sáng kiến quốc tế giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế “bảo vệ để nguyên tắc giải pháp hai nhà nước không bị biến mất trong bối cảnh khoảng trống chính trị hiện nay”, đồng thời nhấn mạnh “đây là thời điểm thích hợp để chấm dứt sự chiếm đóng và thực hiện giải pháp hai nhà nước”.
Thủ tướng Palestine cũng nêu rõ mọi tiến trình hòa bình hay sáng kiến cần phải dựa trên sự tham khảo ý kiến rõ ràng, thời gian biểu và hành động thiện chí của tất cả các bên cùng với việc có một nhà trung gian hòa bình công bằng và các biện pháp xây dựng lòng tin.
Thủ tướng Palestine nói rằng bất chấp mọi nỗ lực của chính phủ trước đây ở Israel của cựu Thủ tướng Benjamen Netanyahu nhằm đánh lạc hướng sự chú ý đối với sự nghiệp của Palestine, và đây vẫn là vấn đề trung tâm tại Trung Đông. Tuyên bố của Thủ tướng Palestine được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz tại Bờ Tây hôm 29/8.
Và sự bất ngờ khó chịu đối với Mỹ
Đối mặt với thách thức lớn nhất trong việc khôi phục đất nước kể từ thời cựu Tổng thống Franklin Roosevelt, Tổng thống Joe Biden đã đặt ưu tiên hàng đầu vào việc sửa chữa “ngôi nhà đổ nát” của nước Mỹ. Sau đó, ông đã lựa chọn các ưu tiên chính sách đối ngoại một cách cẩn thận - bao gồm Iran, Trung Quốc và vấn đề khí hậu. Rõ ràng, cuộc xung đột khó có thể hàn gắn giữa Israel và Palestine không phải là ưu tiên hàng đầu của người đứng đầu Nhà Trắng.
Tuy nhiên, Trung Đông vẫn có một thói quen “xấu” là gây bất ngờ cho những ai không chuẩn bị và thiếu thận trọng. Hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc khủng hoảng hiện tại ở Jerusalem có thúc đẩy chính quyền Tổng thống Joe Biden khởi động một nỗ lực toàn lực để giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine hay không. Tuy nhiên, ở mức tối thiểu, nó sẽ buộc chính quyền Mỹ làm mọi thứ có thể để xoa dịu chiều hướng khủng hoảng này.
Những bùng phát trong quá khứ cho thấy việc có được một nỗ lực ngoại giao đáng kể và có sự phối hợp để làm trung gian hòa giải giữa hai bên là cực kỳ quan trọng - có nghĩa rằng sự can thiệp ngoại giao cấp cao hơn của chính quyền ông Joe Biden là rất cần thiết.
Giờ đây, chúng ta không còn trong giai đoạn “hô hào, cổ vũ”. Điều cần thiết là một nỗ lực ngoại giao đa chiều dựa trên sự phân công rõ ràng - Mỹ đối thoại với Israel; các đối tác Arab và châu Âu của Mỹ đàm phán với Hamas ở Gaza và chính quyền Palestine (Fatah) ở Bờ Tây.
Tất nhiên, giữa các bên liên quan phải có sự hợp tác, phối hợp và liên lạc chặt chẽ. Mặc dù một lệnh ngừng bắn khác có thể là cần thiết, nhưng đó chỉ là bước đầu tiên. Bước tiếp theo là xác định cách củng cố hành động xuống thang và ngăn chặn một vòng xoáy leo thang khác. Tiếp đó là ngăn chặn bất kỳ sự cố nào ở Jerusalem bùng phát thành một cuộc xung đột lớn trên toàn quốc.
Thảm kịch thực sự trong cuộc khủng hoảng hiện nay là chúng ta không thể hình dung - ở thời điểm hiện tại hoặc tương lai gần - một con đường để người Palestine và người Israel chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập niên của họ. Chúng ta đã từng xem “bộ phim bi thảm” này trước đây, và mỗi lần nó lại diễn ra theo một kịch bản có thể đoán trước, trong đó dân thường phải chịu đau thương vì thất bại của các nhà lãnh đạo của họ.
Thực tế là hầu hết mọi bước đột phá trong cuộc xung đột này đều diễn ra sau chiến tranh, bạo lực và nổi dậy. Tuy nhiên, chính các nhà lãnh đạo thực sự - như Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin hồi những năm 1970 và Vua Hussein của Jordan và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin vào những năm 1990 - đã thay đổi hướng đi và dẫn dắt đất nước của họ trên con đường hướng tới hòa bình. Hiện nay, chúng ta đang thiếu vắng các nhà lãnh đạo như vậy.
Tất cả mọi người - chính quyền Tổng thống Joe Biden, các nước Arab, châu Âu và trên hết là người Israel và người Palestine - đều phải hành động chứ không phải chỉ đưa ra các tuyên bố. Thật vậy, nếu không có sự tham gia của Israel và Palestine, sẽ không có áp lực hay sự lôi kéo nào từ bên ngoài giúp chấm dứt cái sẽ trở thành một cuộc xung đột bất tận.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/quoc-te/moi-lua-moi-tai-trung-dong-i626972/