Mồi lửa mới trong căng thẳng Trung – Nhật
Hội đồng thành phố Ishigaki ở tỉnh Okinawa của Nhật Bản ngày 22/6 đã phê chuẩn một dự luật thay đổi tình trạng của một chuỗi đảo mà cả Nhật Bản và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền, một động thái đe dọa làm gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á.
Cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền ở những đảo mà phía Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Tuy nhiên, Nhật Bản đã quản lý những hòn đảo này từ năm 1972. Căng thẳng liên quan đến những đảo không người này đã âm ỉ trong nhiều năm, và với việc mỗi nước tuyên bố có chủ quyền từ hàng trăm năm về trước, cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc có vẻ như sẽ không chịu nhường bước.
Xét trên một phương diện nào đó, vấn đề về những hòn đảo này không giống như tranh chấp tại khu vực Himalaya, nơi căng thẳng trong nhiều thập kỷ trên một vùng biên giới không rõ ràng đã bùng phát thành đụng độ hồi tuần trước, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Cuộc giao tranh dù có thương vong nhưng vẫn tương đối hạn chế, với việc cả Trung Quốc và Ấn Độ đã cùng đàm phán để giảm bớt căng thẳng.
Tuy vậy, một sự bùng nổ bất ngờ liên quan đến Senkaku/Điếu Ngư có thể gây ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ. Nguyên nhân là do Mỹ có một hiệp ước phòng thủ tương trợ với Nhật Bản. Nếu lãnh thổ Nhật Bản bị tấn công bởi một cường quốc nước ngoài, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản.
Nỗi lo về một cuộc đối đầu đã gia tăng vào tuần trước khi lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thông báo rằng, họ đã phát hiện các tàu của Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mỗi ngày kể từ giữa tháng 4, lập kỷ lục mới về số ngày xuất hiện liên tiếp. Đến ngày 19/6, 67 ngày liên tiếp các tàu nói trên bị phát hiện tại khu vực này.
Phản ứng lại sự hiện diện ngày càng tăng của các tàu Trung Quốc, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshi Suga, trong một cuộc họp báo ngày 17/5 đã khẳng định lại quan điểm của Tokyo đối với vấn đề này. “Quần đảo Senkaku nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi và chắc chắn là lãnh thổ của chúng tôi về mặt lịch sử và theo luật pháp quốc tế. Các hoạt động này tiếp diễn là việc cực kỳ nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ phản ứng với phía Trung Quốc một cách kiên quyết và bình tĩnh”, ông Suga nhấn mạnh.
Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 19-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại khẳng định rằng, Điếu Ngư và các đảo có liên quan là một phần vốn có của lãnh thổ Trung Quốc, “Chúng tôi có quyền thực hiện các hoạt động tuần tra và thực thi pháp luật ở các vùng biển này”.
“Chúng tôi yêu cầu Nhật Bản tuân thủ tinh thần đồng thuận bốn nguyên tắc, tránh tạo ra các sự cố mới về vấn đề quần đảo Điếu Ngư và có những hành động thiết thực để duy trì sự ổn định của tình hình Biển Hoa Đông”.
Một trong bốn nguyên tắc đó là Nhật Bản thừa nhận rằng chủ quyền đối với các đảo này vẫn đang tranh chấp. Những bình luận tương tự mới đây cũng đã được đăng trên tờ Global Times của Trung Quốc, cho rằng những động thái bảo thủ đã phá vỡ mối quan hệ Nhật-Trung bằng cách thổi phồng tranh chấp quần đảo Điếu Ngư, chỉ trích những nỗ lực đang diễn ra ở Okinawa nhằm thay đổi chính quyền các đảo, lưu ý rằng nó có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ hai nước.
Theo tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản, Hội đồng thành phố muốn tách các hòn đảo khỏi các khu vực đông dân cư trên đảo Ishigaki để hợp lý hóa các hoạt động hành chính. Nhưng trong nghị quyết trước đó của Hội đồng thành phố Ishigaki đã “khẳng định các đảo này là một phần của lãnh thổ Nhật Bản”. Những ngôn từ này khiến Bắc Kinh nổi giận.
“Thay đổi chỉ định hành chính tại thời điểm này chỉ có thể làm cho tranh chấp trở nên phức tạp hơn và mang lại nhiều rủi ro khủng hoảng hơn”, theo Li Haidong, Giáo sư tại Viện Quan hệ quốc tế của Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cho biết.
Cuộc khủng hoảng gần đây nhất liên quan đến các đảo đã xảy ra vào năm 2012. Năm đó, Nhật Bản đã quốc hữu hóa các hòn đảo thuộc sở hữu tư nhân để tránh việc bán các đảo theo một kế hoạch lúc bấy giờ. Kế hoạch này đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn trên khắp Trung Quốc. Tình hình trở nên phức tạp khi những người biểu tình ném đá vào Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, gây rối tại các cửa hàng và nhà hàng Nhật Bản tại thành phố này.
Bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư là ưu tiên hàng đầu của lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) trong vài năm qua. Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), một tổ chức nghiên cứu độc lập có ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ, lưu ý rằng Tokyo đã thành lập các căn cứ quân sự mới gần đó để bảo vệ các đảo. JSDF cũng đã thành lập thủy quân lục chiến như một biện pháp trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Các đảo này không có người nhưng lại có những lợi ích kinh tế liên quan, có thể kể đến như trữ lượng dầu và khí tự nhiên tiềm năng, gần các tuyến vận chuyển hàng hải lớn và được bao quanh bởi các khu vực đánh cá phong phú, theo CFR.
Trong bối cảnh hiện nay tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Trung Quốc đang cho thấy họ sẵn sàng đẩy mạnh yêu sách của mình. Chẳng hạn, ở Biển Đông, Trung Quốc đã điều máy bay lên các đảo nhân tạo từng xây dựng; đánh chìm chiếc thuyền đánh cá Việt Nam; quấy rối một tàu khảo sát do Malaysia thuê và điều một tàu vào vùng biển mà Indonesia tuyên bố chủ quyền.
Các chuyên gia cho rằng, câu hỏi hiện nay không phải là liệu Trung Quốc có muốn đối đầu với Nhật Bản liên quan đến những hòn đảo này không, mà là khi nào và bằng cách nào. Trong khi Trung Quốc đang rơi vào bế tắc trong căng thẳng biên giới với Ấn Độ tại khu vực nóc nhà thế giới Himalaya, nhóm các đảo đá cách đó cả ngàn cây số có thể sẽ trở thành mồi lửa quân sự tiếp theo chờ thời điểm để bùng nổ.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/moi-lua-moi-trong-cang-thang-trung-nhat-600009/