Mối lương duyên giữa Apple và Trung Quốc
Apple đã dành hai thập kỷ và hàng tỷ USD để xây dựng một chuỗi cung ứng có độ tinh vi chưa từng có tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đã đến lúc nhà sản xuất iPhone phải tính toán lại.
Năm 2007, Nokia có 900 triệu người dùng. Sự thống trị của công ty Phần Lan dường như lớn đến mức tờ Forbes đã đăng câu chuyện trên trang nhất với câu hỏi "Liệu ai có thể bắt kịp ông vua điện thoại di động?".
Cùng năm đó, Apple ra mắt iPhone. 16 năm sau đó, Apple có 1,2 tỷ người dùng và câu chuyện về việc vị vua một thời của thị trường điện thoại ngủ quên trên đỉnh cao đã được nhiều người biết đến.
Phần lớn những trang sách đều cho rằng Nokia không có đủ hiểu biết về phần mềm để theo kịp tầm nhìn xa của đồng sáng lập Apple, Steve Jobs và chuyên gia thiết kế Jony Ive.
Hai mặt của câu chuyện phi thường
Tuy nhiên, các tính năng như cảm ứng đa điểm hay màn hình tràn viền (full-screen) không phải là lợi thế duy nhất của Apple.
Táo khuyết đã vượt qua Nokia về phần cứng và dây chuyền sản xuất trước cả khi iPhone được bán ra. Để làm được điều đó, nhà sản xuất iPhone đã đặt cược đáng kể vào Trung Quốc và năng lực sản xuất của quốc gia tỷ dân.
Nhà nghiên cứu về chuỗi cung ứng Kevin O'Marah nhớ rất rõ sự bối rối của mình khi vào giữa năm 2007, Apple đột nhiên nhảy vọt lên vị trí thứ 2 trong một bảng xếp hạng hàng năm dành cho những công ty điều hành chuỗi cung ứng tốt nhất trên thế giới.
“Mọi người đều bị sốc. Điều này rất khó hiểu. Apple đang sở hữu một danh tiếng khủng khiếp", O'Marah kể lại.
Việc lọt vào danh sách những chuỗi cung ứng tốt nhất hóa ra là dấu hiệu sớm cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong hoạt động của Apple. Gã khổng lồ xứ Cupertino giữ vị trí số 1 trong 7 năm tiếp theo.
Vào thời điểm đó, Apple chính thức trở thành công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới, đồng thời đặt mình vào trung tâm của những căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
O’Marah cũng nhận ra Apple không thực sự chỉ đơn giản là “thuê ngoài” khâu sản xuất cho Trung Quốc như cách hiểu thông thường.
Thay vào đó, chuyên gia này sớm nhận ra rằng Apple đang bắt đầu xây dựng một chuỗi các hoạt động cung ứng và sản xuất phức tạp, với độ chuyên sâu, tốn kém đến mức số phận của nhà sản xuất iPhone gắn liền với Trung Quốc mà không thể dễ dàng tháo gỡ.
Trong hơn 15 năm qua, Apple liên tục cử các nhà thiết kế sản phẩm và kỹ sư thiết kế sản xuất hàng đầu của mình đến Trung Quốc, đưa họ vào các cơ sở của đối tác cung cấp trong nhiều tháng liền.
Những nhân viên Apple này đóng vai trò không thể thiếu trong việc đồng thiết kế các quy trình sản xuất mới, giám sát các chi tiết nhỏ nhất của quá trình sản xuất cho đến khi mọi thứ đi vào hoạt động, đồng thời theo dõi chặt chẽ các nhà cung cấp để đảm bảo việc tuân thủ quy định.
Táo khuyết cũng đã chi hàng tỷ USD cho khâu tinh chỉnh máy móc để chế tạo cho riêng những thiết bị của mình. Việc này đã gần như biến đổi cả công ty và đất nước Trung Quốc.
“Năng lực công nghệ mà Trung Quốc đang có hiện nay phần nào đến từ Apple. Đó là sản phẩm của Apple khi thâm nhập vào đó và xây dựng dây chuyền công nghệ”, O’Marah nhận định.
Tuy nhiên, câu chuyện thành công phi thường này cũng đã tạo ra lỗ hổng lớn nhất của Apple cho đến ngày nay, đó là sự phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất.
Hơn 95% iPhone, AirPods, Mac và iPad được sản xuất tại Trung Quốc và sở hữu một vị thế quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Apple khi chiếm hơn 1/5 doanh thu của Táo khuyết.
Năm 2022, quốc gia tỷ dân chiếm vị thế dẫn đầu khi có 121 đối tác cung ứng của Apple, chiếm 44-47% tổng số trên toàn cầu.
Trung Quốc sở hữu 2.360 nhà máy sản xuất trên toàn quốc, chiếm 19,3% tổng số 12.248 nhà máy. Những số liệu trên cho thấy Trung Quốc chính là công xưởng iPhone hàng đầu thế giới.
Điều này trái ngược hoàn toàn với các đối thủ như Samsung, vốn đã cắt giảm mạnh hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.
Ngay cả trong những năm gần đây, khi căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc tăng cao, Apple vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc và củng cố thêm mối quan hệ với nước này. Kết quả, mối quan hệ giữa nhà sản xuất iPhone với Trung Quốc bị giám sát chặt chẽ về mặt chính trị.
Nhiều người cho rằng trách nhiệm nằm ở Tim Cook. Điều này không hoàn toàn vô lý bởi kể từ trước khi kế nhiệm Steve Jobs làm CEO Apple vào năm 2011, chính Tim Cook là người đã chuyển hoạt động sản xuất của Táo khuyết từ Mỹ sang Trung Quốc.
“Tất cả chuỗi cung ứng đều phụ thuộc vào một người là Tim Cook. Mớ hỗn độn này là lỗi của ông ấy", một cựu nhân viên kỳ cựu của Apple nói với Financial Times.
Khi tiền không phải là vấn đề
Apple không phải là công ty máy tính đầu tiên thuê sản xuất ở Trung Quốc. Vào những năm 1998, những công ty hàng đầu trong lĩnh vực như HP và Compaq đã chọn đất nước tỷ dân là nơi sản xuất.
Tuy nhiên, cách mà Táo khuyết lựa chọn Trung Quốc lại độc đáo hơn. Thay vì những phụ tùng có sẵn, nhà sản xuất iPhone lại dùng những linh kiện tùy chỉnh, thiết kế quy trình sản xuất phía sau chúng và sắp xếp việc lắp ráp thành những hệ thống cực kỳ phức tạp với quy mô và tính linh hoạt chưa từng có.
Trong bảng xếp hạng những chuỗi cung ứng tốt nhất năm 2007, P&G, Toyota và Walmart đều có số điểm xếp hạng ngang hàng hoặc ít nhất là gấp đôi Apple.
Tuy nhiên, khi đề cập đến một chỉ số về chuỗi cung ứng được gọi là “vòng quay hàng tồn kho” – thước đo hàng hóa được bán so với lượng hàng tồn kho – Apple đơn giản là vượt trội mọi đối thủ.
Tim Cook từng mô tả hàng tồn kho là một thứ "xấu xa", ví đồ điện tử như sữa sẽ hỏng sau vài ngày. Kết quả cho thấy đây không phải là một lời nói suông. Vòng quay hàng tồn kho của Apple tốt hơn 2,5 lần so với Nokia và gấp 12 lần Coca-Cola.
Ngoài ra, gã khổng lồ xứ Cupertino cũng đầu tư rất nhiều vào quy trình sản xuất để liên tục đổi mới trong sản xuất của chính mình. Trong khi đó, các đối thủ của Apple chỉ đưa ra bảng thông số kỹ thuật cho nhà cung cấp và ra lệnh “hãy xây dựng cái này”.
“Apple đang mua nhiều thiết bị vốn hơn bất kỳ ai mà tôi có thể thấy trên thế giới. Tuy nhiên, có một điều lạ rằng họ không tự sở hữu mà đang đưa nó vào nhà máy của người khác”, O'Marah nói.
Theo Financial Times, khi nhu cầu sản xuất iPhone tăng mạnh, giá trị “tài sản lâu dài” của Apple tại Trung Quốc - chủ yếu là thiết bị mà hãng sử dụng để sản xuất - đã tăng từ 370 triệu USD năm 2009 lên 7,3 tỷ USD năm 2012.
Theo Horace Dediu, nhà sáng lập và phân tích tại Asymco, người đã dành ra 8 năm làm việc ở Nokia, những khoản đầu tư có nghĩa là vào năm 2012, máy móc của Apple tại Trung Quốc đã trở nên có giá trị hơn tất cả tòa nhà và cửa hàng bán lẻ Táo khuyết cộng lại.
Số tiền khổng lồ như vậy đã giúp Apple nghĩ ra những kỹ thuật sản xuất mà nhiều chuyên gia trong ngành không thể tưởng tượng nổi. Năm 2008, Táo khuyết gây sốc với MacBook Pro thiết kế nhôm nguyên khối Unibody được làm từ một khối duy nhất thay vì ghép nhiều bộ phận lại với nhau.
Vào thời điểm ấy, đây là một kỳ tích của kỹ thuật công nghiệp mang đến “mức độ chính xác hoàn toàn chưa từng có trong ngành này”, theo lời huyền thoại thiết kế Jony Ive nói trong buổi họp báo ra mắt.
Để có thể gia công nguyên khối, Apple bắt buộc dùng đến máy CNC cho phép nhà thiết kế có tệp hình ảnh 3D tạo ra các bộ phận phức tạp. Những cỗ máy này đã tồn tại hàng thập kỷ, nhưng vấn đề là chúng có giá lên tới 500.000 USD mỗi chiếc và chỉ được sử dụng để chế tạo nguyên mẫu.
Theo 3 cựu kỹ sư sản xuất của Apple, công ty đã mua hơn 10.000 máy CNC, tạo điều kiện cho hình thức sản xuất hàng loạt mà Steve Jobs gọi là “một cách hoàn toàn mới để sản xuất laptop”.
Ngay sau đó, Apple đã sử dụng kỹ thuật tương tự cho các thiết bị iPhone và iPad. Financial Times dẫn nguồn tin nội bộ cho biết Táo khuyết đã đạt thỏa thuận nhà sản xuất máy móc Fanuc Corp để mua toàn bộ hệ thống máy CNC của họ trong nhiều năm tới và thậm chí còn lùng sục khắp thế giới để tìm thêm chiếc máy đắt đỏ này.
“Không có đủ máy CNC trên thế giới để thực hiện khối lượng công việc gia công mà chúng tôi cần. Bạn phải hiểu rằng bắt đầu từ năm 2009, Apple đã phát triển theo cấp số nhân. Chúng tôi sẽ đi từ việc chế tạo 10.000 bộ phận mỗi ngày trong một năm, đến 100.000 trong năm tiếp theo, rồi 500.000, một triệu cái... Về cơ bản, tiền không phải là vấn đề”, nguồn tin trong nội bộ Apple tiết lộ.
Những quy tắc ngặt nghèo
Khi nói đến việc tìm kiếm nhà cung cấp, Apple luôn tuân theo một quy trình rất nghiêm ngặt. Theo 5 người từng làm việc cho Apple tại Trung Quốc tiết lộ với Financial Times, thông thường một kỹ sư từ California sẽ gặp CEO của một nhà cung cấp linh kiện Trung Quốc. Người này sau đó đặt hàng loạt câu hỏi chuyên môn phức tạp cho phía Trung Quốc.
Sau đó, kỹ sư của Apple sẽ được đưa đến gặp những người quản lý tiếp theo và lặp đi lặp lại hành động tương tự cho đến khi họ đi sâu vào hệ thống phân cấp, thậm chí sẵn sàng đi đến tầng hầm nơi có những đoạn mã cần thiết trả lời câu hỏi từ Táo khuyết.
Sau nhiều giờ phỏng vấn, kỹ sư của Apple sẽ khiến đối tác cam kết xây dựng một bộ phận tùy chỉnh, với số lượng lớn và kiểm soát hiệu quả lộ trình phát triển R&D của nhà cung cấp.
Một cựu giám đốc của Apple cho biết công ty luôn áp dụng phương pháp này một cách nhất quán và sẽ quay trở lại “các nguyên tắc đầu tiên” để hiểu bất kỳ trục trặc nào về chi phí, thiết kế hay khả năng mở rộng quy mô.
“Sẽ có sự đào bới liên tục, bởi vì nếu bạn đặt đủ câu hỏi, thì bạn có thể tìm ra điểm hạn chế là gì và sau đó tìm cách vượt qua nó. Tôi chưa bao giờ gặp phải mức độ chi tiết nào mà Apple không quan tâm”, nguồn tin giấu tên tiết lộ.
Dù ngặt nghèo nhưng mối quan hệ chặt chẽ với Apple mang tới những lợi ích khổng lồ cho các đối tác. Năm 2000, Foxconn bắt đầu lắp ráp những chiếc iMac và đã kiếm được tới 3 tỷ USD doanh thu, hơn một nửa so với đối thủ trực tiếp Flextronics. Đến năm 2010, doanh thu của Foxconn là 98 tỷ USD, nhiều hơn cả 5 đối thủ cạnh tranh lớn nhất cộng lại.
Ngoài chi phí rẻ, những gì Foxconn mang lại, với tỷ suất lợi nhuận thấp dưới 3%, là nguồn lao động dồi dào và được tổ chức để tăng sản lượng bất cứ khi nào cần thiết mà vẫn có thể thu hẹp để Apple không phải chịu chi phí không cần thiết.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn là nguồn cung lao động có kỹ năng chuyên môn với số lượng khổng lồ. Khi giải thích vì sao Apple không thể sản xuất quy mô lớn ở Mỹ, Tim Cook từng nói với một khán giả rằng nếu mọi nhà sản xuất ở Mỹ được mời đến khán phòng nơi ông đang diễn thuyết, họ sẽ không thể lấp đầy căn phòng.
Trong khi đó nếu ở Trung Quốc, CEO Apple cho rằng số người tham dự "sẽ cần một vài thành phố để lấp đầy các nhà sản xuất công cụ và khuôn dập”.
Theo Bloomberg Intelligence, Trung Quốc hiện đã chiếm đến 70% tổng số lượng sản xuất smartphone toàn cầu và sở hữu trình độ kỹ thuật tinh vi khiến nhiều chuyên gia thừa nhận họ phải tốn rất nhiều thời gian mới có thể hiểu được.
Điều này mang lại cho Trung Quốc tầm ảnh hưởng mà chỉ có nước Mỹ mới có thể cạnh tranh được. Apple đã tham gia ngay từ đầu và tận dụng sức mạnh đó để thống trị lĩnh vực công nghệ.
Tuy nhiên, giờ là lúc Apple phải tính toán lại bài toán từ đầu. Giáo sư Aaron Friedberg thuộc ĐH Princeton (Mỹ) cho rằng chính Tim Cook đã mắc sai lầm khi tăng gấp đôi năng lực sản xuất ở Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang.
“Thực tế là Apple đã cho phép điều này đi xa hết mức có thể và chừng nào họ còn làm vậy thì sẽ càng tạo ra vấn đề lớn nếu muốn tự gỡ rối chính nó. Tôi không nghi ngờ gì nữa, họ chỉ ước tất cả điều này sẽ biến mất và công việc kinh doanh quay lại như bình thường bởi vì không có lối thoát rõ ràng nào ở đây cả”, Friedberg lập luận.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-luong-duyen-giua-apple-va-trung-quoc-post1395087.html