'Mỗi một di sản là một minh chứng về hình ảnh Việt Nam hội nhập, cởi mở'
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, mỗi một di sản hiện diện trên đất nước là một minh chứng về hình ảnh Việt Nam hội nhập, cởi mở và dung nạp các giá trị văn hóa, văn minh, lịch sử và phát triển của nhân loại,...
UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, 10 năm Cù Lao Chàm được công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Sự kiện đặc biệt ý nghĩa này vinh dự được đón: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương đến dự.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời dạy của Bác Hồ về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Việt Nam. Mỗi một di sản hiện diện trên đất nước là một minh chứng về hình ảnh Việt Nam hội nhập, cởi mở và dung nạp các giá trị văn hóa, văn minh, lịch sử và phát triển của nhân loại, một trong những điển hình là đô thị cổ Hội An và khu Đền Tháp Mỹ Sơn.
Di sản văn hóa, các di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận, không chỉ đem lại sinh kế, thu nhập cho ngành du lịch. Quan trọng và thiêng liêng hơn tất cả, đó còn là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc chúng ta về lịch sử hình thành, phát triển của đất nước.
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, những năm qua, việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản thế giới, làm cơ sở để thực hiện cam kết với UNESCO trong việc bảo vệ tốt nhất giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
20 năm qua, cấp ủy và chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam đã không ngừng quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới. Cùng với đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn là một hệ thống các giá trị văn hóa nổi bật, một quần thể kiến trúc tháp Chăm mang đậm phong cách Ấn Độ giáo.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ cả về tài chính, nhân lực và công nghệ của các tổ chức quốc tế và các nước như Nhật Bản, Italia, Ấn Độ, Canada,…, từ một vùng đất phế tích đã bừng tỉnh, trở thành điểm sáng của công tác trùng tu, tôn tạo. Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An cũng đã được các chuyên gia, các tổ chức bảo tồn quốc tế đánh giá là một trong những điển hình bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái.
Chặng đường 20 năm bảo tồn di sản đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và hơn 10 năm bảo vệ, gìn giữ Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý: Đó là sự nhận thức vai trò đặc biệt của di sản trong đời sống hiện tại; sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và địa phương; sự phát huy nội lực kết hợp với việc huy động sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có vai trò nổi bật của UNESCO…
Thủ tướng cũng chỉ ra 3 nội dung mà tỉnh Quảng Nam cần làm tốt để tiếp tục bảo tồn, phát huy một cách bền vững di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.
Đó là: Một là, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn. Cần hướng tới những mô hình tăng trưởng bao trùm trong việc phát triển du lịch gắn với giá trị di sản; luôn gắn việc giải quyết hài hòa giữa bảo vệ, phát huy giá trị di sản với việc nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người dân sinh sống trong vùng di sản. Chính điều này sẽ tác động rất tích cực trở lại đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Hai, tăng cường nghiên cứu, sớm ban hành và thực thi hiệu quả kế hoạch quản lý, quy chế bảo vệ di sản thế giới theo quy định của UNESCO và Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017, quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Xây dựng, triển khai các dự án, chương trình đầu tư, nghiên cứu về bảo tồn, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài nước về nguồn lực, đặc biệt là về vốn, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số đối với việc quản lý, tu bổ, tôn tạo di sản.
Ba là, tất cả những địa danh di sản Việt Nam, trong đó có Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn cần đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát triển các sản phẩm du lịch, mô hình dịch vụ một cách đa dạng, bền vững, phù hợp với bản sắc văn hóa, đảm bảo hài hòa về kinh tế-xã hội và môi trường. Lưu ý: bảo tồn, phát huy tốt các di sản của Việt Nam là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là nhân tố góp phần thúc đẩy có chiều sâu các quan hệ hợp tác quốc tế trên nhiều phương diện văn hóa, chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh. Đồng thời ngành văn hóa, thể thao và du lịch có kế hoạch kết nối các điểm đến của các di sản, trước hết là các trung tâm đô thị lớn và khu vực Miền trung - Tây Nguyên.
Cũng tại buổi lễ, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 1999, UNESCO đã vinh danh Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới. Đúng 10 năm, Cù Lao Chàm lại được công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là những cột mốc lớn lao.
Trải qua thời gian, sóng gió, thiên tai..., UBND tỉnh Quảng Nam luôn nỗ lực gìn giữ cái đẹp và phát huy hơn nữa tinh túy, tiềm năng của di sản.