Mỗi năm 6000 người ở Đắk Lắk phải tiêm vaccine phòng bệnh dại: Ý thức người dân chưa cao

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2019 đến nay, mỗi năm, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 5 trường hợp tử vong do bệnh dại trên người và khoảng 6.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng.

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có 5 trường hợp tử vong nghi do mắc bệnh dại. Trong đó, huyện Krông Pắc ghi nhận 3 trường hợp, 1 trường hợp tại huyện Krông Búk và 1 trường hợp tại Cư Mgar.

Cả 5 trường hợp này đều chủ quan không đi tiêm phòng dại sau khi bị chó dại cắn. Những con chó cắn 3 người này là chó thả rông không được tiêm phòng dại, sau khi cắn người chó đã chết hoặc mất tích không theo dõi được.

Đây cũng là hồi chuông cảnh báo việc nuôi chó thả rông không rọ mõm, không thực hiện tiêm phòng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho người, đặc biệt tại các vùng nông thôn.

Chó thả rông và không rọ mõm là mối nguy hiểm đối với con người. Ảnh: Bảo Trọng.

Chó thả rông và không rọ mõm là mối nguy hiểm đối với con người. Ảnh: Bảo Trọng.

Mới đây nhất, vào chiều ngày 25/6, tại Tổ dân phố 6B, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk xuất hiện một con chó màu đen nặng khoảng 15kg, mắt hung dữ, miệng sùi bọt mép chạy dọc đường Đỗ Xuân Hợp, Y Moan, lao vào cắn 4 người khi đang lưu thông trên đường.

Ông Phạm Văn Thái, Chủ tịch UBND phường Tân Lợi cho biết, đến nay cả 4 người bị con chó lạ cắn đã tiêm phòng. Địa phương cũng thông báo đến các tổ dân phố trên toàn phường, yêu cầu người dân nếu bị chó cắn phải đi tiêm phòng bệnh dại.

Chủ tịch UBND phường Tân Lợi cũng cho hay, con chó tấn công 4 người trên là ở địa phương khác chạy tới. Hiện tại phường đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm và ý thức về sự nguy hiểm của bệnh dại, cách phòng chống hiệu quả và khuyến cáo người dân khi bị chó cắn nên sớm đến cơ sở y tế gần nhất để rửa vết thương, tư vấn phòng trị. Tuy nhiên, tại phường Tân Lợi vẫn chưa khắc phục được việc chó nuôi thả rông và không rọ mõm khi ra nơi công cộng.

Người dân chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo

Theo đánh giá của ngành y tế Đắk Lắk, việc chó mèo tấn công người đã diễn ra từ nhiều năm qua. Do vậy, ngành y tế đã tham mưu cho các cấp, các ngành, địa phương thường xuyên thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, hầu như không có sự chuyển biến đáng ghi nhận nào.

Nguyên nhân do chó, mèo là vật nuôi thân thiện với con người nên được nhiều gia đình nuôi để làm cảnh hoặc canh giữ nhà, nhất là ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc chăm sóc, tiêm phòng định kỳ lại ít được quan tâm. Đây cũng chính là lý do chó dễ phát bệnh dại và tấn công gia chủ hoặc những người xung quanh.

Trước đó, để chủ động phòng, tránh bệnh dại, ngành y tế Đắk Lắk cũng đã khuyến cáo, người dân cần tiêm phòng cho đàn chó, mèo; không thả rông; khi đưa động vật ra ngoài phải có rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Ngành y tế khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm. Ảnh: Bảo Trọng.

Ngành y tế khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm. Ảnh: Bảo Trọng.

Cần đến ngay cơ sở y tế khi bị chó, mèo cắn để phòng tránh bệnh dại

Theo thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại (Rhabdovirus) gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật, thường thấy ở chó, mèo.

Thời gian ủ bệnh từ 2 - 8 tuần, ngắn thì khoảng 10 ngày và dài có khi 1 - 2 năm, tùy lượng virus và độ nặng vết thương. Người bệnh sẽ nhiễm virus cấp tính tại hệ thần kinh trung ương.

Triệu chứng khởi đầu của bệnh gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi... Bước vào giai đoạn viêm não thường có biểu hiện như mất ngủ, tăng cảm giác kích thích (sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió). Mức độ nguy hiểm nhất là rối loạn thần kinh thực vật với đồng tử giãn, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, rối loạn huyết động... Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%.

"Bệnh dại nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vaccine. Khi bị chó cắn, mèo cào, người dân nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn tiêm vaccine hoặc huyết thanh phòng bệnh.

Đặc biệt đối với trẻ nhỏ nên giúp trẻ hiểu và khai báo sớm nếu có động vật cắn, cào bị thương để người lớn xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Cần nhấn mạnh, các quan niệm như không tiêm vaccine dại vì lo ngại vaccine sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, sức khỏe và tự ý chữa bệnh bằng các phương pháp chưa được công nhận là điều hết sức sai lầm. Hầu hết các trường hợp tử vong vì dại đều do không đi tiêm phòng vaccine", bác sĩ Hoàng Hải Phúc chia sẻ.

Bảo Trọng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/moi-nam-6000-nguoi-o-dak-lak-phai-tiem-vaccine-phong-benh-dai-y-thuc-nguoi-dan-chua-cao-169240627155119223.htm