Mỗi năm có thể tổ chức 1-2 hội sách online lớn

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ - khẳng định nếu có sân chơi trên mạng cho các NXB, phát hành, cả người làm sách và bạn đọc đều được hưởng lợi.

“NXB Phụ Nữ đang gấp rút chuẩn bị cho việc tham gia Hội sách trực tuyến quốc gia 2020. Tôi không quá kỳ vọng vào doanh thu nhưng rất hy vọng đây sẽ là đợt tập dượt, khởi đầu tốt của ngành sách trên sân chơi trực tuyến”, bà Khúc Thị Hoa Phượng nói với Zing.

- Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 (tại trang book365.vn) diễn ra đúng lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bà đánh giá thế nào về quyết định tổ chức hội sách online này?

- Hội sách là hoạt động tốt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong rủi có may, nhân cơ hội này, chúng ta có những hoạt động chuyển đổi số nhanh và toàn diện.

Đây là bước chỉ đạo đúng, kịp thời của Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng như sự triển khai nhanh chóng của Cục xuất bản, In và Phát hành. Hội sách một lần nữa khẳng định vai trò của sách và văn hóa đọc trong đời sống. Dù có những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo, sách vẫn được quan tâm và xã hội đón nhận nhiệt tình.

Từ khi có quyết định tổ chức Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, tôi thấy phản hồi của dư luận rất tốt. Đặc biệt, quan sát trong khu vực độc giả của NXB Phụ Nữ, mọi người đều mong chờ một hội sách sôi động.

Hội sách trực tuyến do các sàn thương mại điện tử đã thực hiện rất thành công. Ở đây có thêm sự chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước, một sàn tập hợp những sản phẩm tốt nhất của các NXB hiện nay. Tôi nghĩ đó là hoạt động rất cần thiết trong tình hình này.

- Bà đã chuẩn bị gì cho hội sách online lần đầu tiên có quy mô quốc gia này? Ngoài giới thiệu sách, NXB Phụ Nữ có tổ chức sự kiện gì trong hội sách dự kiến khai mạc ngày 19/4 tới?

- NXB chuẩn bị gần 500 đầu sách để tham gia. Chúng tôi cố gắng giới thiệu sách hay, tốt nhất, đang được bạn đọc quan tâm. Chúng tôi tập trung giới thiệu những dòng sách về giáo dục gia đình. Hiện nay, nhiều người ở nhà phòng chống dịch, những đầu sách về gia đình rất thiết thực, hữu ích.

Thứ hai, chúng tôi muốn đầu tư đời sống tâm hồn bằng sách văn chương chất lượng. Trong lúc khó khăn, tâm hồn cần những “món ăn ngon”.

Thứ ba, NXB Phụ Nữ cũng đầu tư sách thiếu nhi như sách tư duy, câu chuyện song ngữ cho thiếu nhi để các bé vừa chơi vừa học ngoại ngữ, STEM.

Những đầu sách phụ nữ phát triển bản thân là mảng đặc thù của chúng tôi. Dòng sách tự học, tự luyện thi ở nhà, chuẩn bị kỹ năng du học cũng phù hợp… Bên cạnh số lượng, NXB Phụ Nữ sẽ tập trung chất lượng sách cho chương trình.

Ngoài giới thiệu sách, chúng tôi có đăng ký chuyên đề. Nếu được sắp xếp, tôi sẽ chia sẻ về phát triển văn hóa đọc trong gia đình, làm thế nào để rèn thói quen đọc sách cho trẻ.

Chúng tôi xuất bản cuốn Chuyện nhà Dr. Thanh. Đây là nỗ lực của một công ty gia đình vươn ra thế giới. Dù còn ý kiến tranh luận, về cơ bản, chúng tôi rất trân trọng sự phát triển của doanh nghiệp nội địa. Tôi nghĩ những chia sẻ của nữ doanh nhân nhà Dr. Thanh sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm cho phụ nữ trong quản trị, phát triển sự nghiệp.

- Bà có nghĩ hội sách online sẽ thu hút bạn đọc, dù họ không thể trực tiếp giao lưu với tác giả như những lần trước? Nếu mô hình trực tuyến phát huy hiệu quả, chúng ta có nên tiếp tục tổ chức online, hay quay về offline, hoặc duy trì cả hai hình thức?

- Các đơn vị đang up sách lên sàn, cũng như tăng tốc chuẩn bị cho mấy chục sự kiện trực tuyến trong thời gian ngắn. Tôi đánh giá cao những hoạt động này vì nội dung phong phú. Cục Xuất bản, In và Phát hành mời nhiều tác giả sách, nhà văn, nhà thơ, doanh nhân, ca sĩ, nhà quản lý xuất bản, các nhà nghiên cứu… chia sẻ nội dung sâu hơn của ngành sách.

Các hội sách truyền thống diễn ra trong 5-7 ngày, còn năm nay kéo dài một tháng, nên có nhiều sự kiện hơn. Với chủ đề phong phú, các diễn giả sẽ thường xuyên tương tác, bạn đọc dễ dàng bộc lộ quan điểm, hỏi đáp cởi mở.

Vì thế, hội sách online sẽ không kém phần hấp dẫn so với tổ chức ở thực địa. Chúng ta có thể tương tác trên không gian mạng, đó là bước chuyển tất yếu.

Nếu mô hình này thành công, chúng ta nên tổ chức mỗi năm 1-2 lần. Đó có thể là hội sách quốc gia, hoặc hội sách chuyên đề, ví dụ như: Hội sách trực tuyến cho thanh thiếu niên, sách kinh tế, cách mạng 4.0.

Cũng có thể xem hội sách lần này là tập dượt bước đầu, để rút kinh nghiệm một số vấn đề, từng bước hiện đại hóa ngành sách bằng chính nội lực của ngành.Trong tương lai, ngành xuất bản nên tổ chức xen kẽ hội chợ sách truyền thống để mọi người trực tiếp gặp nhau, đồng thời có cả online để cắt giảm chi phí.

- Theo bà, sàn giao dịch book365.vn có đáp ứng được cho hội sách trực tuyến quốc gia lần đầu tiên?

- Trước khi trở thành nơi tổ chức hội sách trực tuyến, sàn này đã vận hành rồi. Đây là tâm huyết, trăn trở của các thế hệ lãnh đạo NXB Thông tin và Truyền thông. Lãnh đạo trước đây rất kỳ vọng về sàn này, mong là “chợ” để các đơn vị “show hàng”. Khi ấy, chất lượng cơ sở hạ tầng chưa được cập nhật, giao diện cũng chưa thực sự mới mẻ nên các đơn vị tham gia vẫn mong chờ một sàn giao dịch được đầu tư hơn nữa.

Vừa qua, khi quyết định làm Hội sách Quốc gia trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp kinh phí, có sự hỗ trợ của Cục Tin học hóa của Bộ, đơn vị có chuyên môn về công nghệ thông tin và quản trị các sàn thương mại điện tử, nó sẽ được nâng cấp.

Nếu quản lý tốt, đây là kênh phát hành giúp giảm nhiều chi phí cho các NXB. Ở các sàn khác, hiện nay, chúng tôi chịu phí chiết khấu lớn, phí quảng cáo lớn.

Sau hội sách này, nếu muốn duy trì, chúng ta cần hoạt động sáng tạo, tăng cường nguồn lực, để nơi đây trở thành kênh giới thiệu, bán sách tốt. Thêm một sàn chất lượng, nghĩa là độc giả có nhiều lựa chọn hơn.

- Khi dịch bệnh mới bùng phát, NXB Phụ Nữ đã tổ chức hội sách online riêng. Kết quả hội sách đó ra sao?

- Đó là khi Covid-19 bùng nổ ở Trung Quốc và lan ra một số nước, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi tổ chức hội sách lấy tên vui là “Đọc đi cho khỏe”, muốn thông qua hội sách gắn kết hơn tình thân gia đình.

Trong hội sách này, chúng tôi tập trung giới thiệu mảng sách gia đình, thanh thiếu nhi của NXB và được phụ huynh, các con đón nhận nhiệt tình. NXB Phụ Nữ cũng tổ chức các cuộc thi nhỏ như review sách. Các bạn đọc nhí không đến trường, ở nhà đọc sách, viết review.

Cái được nhất ở hội sách ấy là gắn kết tình thân gia đình. Phát hiện ra lớp trẻ yêu văn hóa, lịch sử, chứ không chỉ đọc sách kỹ năng, giải trí. Đó là điều tôi cảm thấy hạnh phúc, có động lực khi làm hội sách online.

Việc chống dịch vẫn đang tiếp diễn, nên chúng tôi vẫn tiếp tục có những chương trình mang lại niềm vui cho mọi người bằng nhiều hình thức.

Hướng đến Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, chúng tôi không kỳ vọng có nguồn doanh thu lớn. Chúng tôi kỳ vọng làm tốt nhiệm vụ lan tỏa tình yêu sách, giá trị của sách trong tháng 4 - tháng có Ngày sách Việt Nam. Đặc biệt chúng tôi sẽ có thêm kinh nghiệm, kiến thức để thực sự chuyển mình cho “công cuộc” hiện đại hóa ngành xuất bản, hòa nhập với sự chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam sang giai đoạn kinh tế số.

'Hội sách trực tuyến là bước đi kịp thời' Bà Khúc Thị Hoa Phượng cho rằng hội sách thể hiện vai trò của sách trong đời sống. Giữa hoàn cảnh khó khăn, sách vẫn luôn được xã hội quan tâm, đón nhận.

Thu Hiền
Video, Ảnh: Việt Hùng, Đồ họa: Hà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-nam-co-the-to-chuc-1-2-hoi-sach-online-lon-post1073944.html