Mỗi năm gần 2.000 trẻ em VIệt Nam tử vong do đuối nước

Gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Đây là sự mất mát vô cùng to lớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội, ảnh hưởng đến an toàn và sự sống còn của trẻ.

Đuối nước – kẻ giết người thầm lặng cướp đi tính mạng của hơn 370.000 người mỗi năm (theo Tổ chức Y tế thế giới). Tuy nhiên, một điều đáng báo động hơn là con số này chưa đầy đủ, chỉ ghi nhận số liệu từ 66 nước. Cho đến nay nhiều quốc gia nghèo, đặc biệt là các nước Châu Phi, Châu Á không ghi nhận được số liệu này.

GS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống Chấn thương, trường ĐH Y tế Công cộng cho biết thêm: Điều đáng buồn, hơn 90% số ca tử vong do đuối nước xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em dưới 15 tuổi.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mặc dù tình hình đuối nước có xu hướng giảm trong thời gian qua, gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Đây là sự mất mát vô cùng to lớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội, ảnh hưởng đến an toàn và sự sống còn của trẻ.

Trẻ em là lứa tuổi vô cùng hiếu động, khao khát tìm kiếm những điều mới. Tuy nhiên, điều này cũng ẩn chứa những nguy cơ mất an toàn nếu trẻ không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn và thiếu kĩ năng bảo vệ bản thân. Nhằm nâng cao nhận thức nâng cao nhận thức toàn cầu về đại dịch đuối nước và tầm quan trọng của việc học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, ngày 15 tháng 5 hàng năm đã được chọn làm Ngày Quốc tế An toàn trong môi trường nước.

Hình ảnh lớp học kỹ năng trong khuôn khổ Chương trình phòng chống đuối nước trẻ em

Hình ảnh lớp học kỹ năng trong khuôn khổ Chương trình phòng chống đuối nước trẻ em

Tại Việt Nam, với tài trợ Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu Hoa Kỳ, trực thuộc Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá đã đồng hành cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai Chương trình hợp tác về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam giai đoạn 2018 – 2022.

Chương trình đã chuẩn hóa các tài liệu hướng dẫn kĩ năng an toàn trong môi trường nước và triển khai can thiệp tại tại hơn 100 xã của 21 huyện thuộc 8 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, DakLak, Đồng Tháp, Sóc Trăng và đạt được nhiều thành tựu khả quan. Sau gần 3 năm triển khai, đã có hơn 17.000 cha mẹ, người chăm sóc trẻ và giáo viên mầm non được tập huấn về kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em. 78,1% số cha mẹ, người chăm sóc trẻ được tiếp cận thông tin về chương trình và các biện pháp an toàn.

Nếu so sánh với địa bàn không triển khai can thiệp, tỉ lệ này chỉ hơn 20%. Bên cạnh đó, chương trình đã giảng dạy hơn 30.200 trẻ em từ 6-15 tuổi về kỹ năng an toàn trong môi trường nước trong trường học với các kỹ năng và kiến thức rất thiết thực như kỹ năng nhận biết các môi trường nguy hiểm, đảm bảo an toàn và phòng chống đuối nước khi đi tàu, thuyền, và trong mùa mưa bão. Ngoài ra, trẻ còn thực hành kỹ năng cứu đuối gián tiếp an toàn và kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố trong môi trường nước.

Rõ ràng, việc nâng cao nhận thức đúng đắn về tai nạn đuối nước cũng như nhân rộng các lớp học dạy các kỹ năng an toàn phòng tránh đuối nước là vô cùng cấp thiết. Những chương trình nhân văn như vậy cần sự quan tâm và đầu tư của cả chính quyền địa phương mà bản thân cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Những mất mát do tai nạn đuối nước không thể bù đắp nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Vì tương lai của trẻ em, hãy cùng chung tay phòng chống đuối nước.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/moi-nam-gan-2000-tre-em-viet-nam-tu-vong-do-duoi-nuoc-n192544.html