Mỗi năm hơn 2.200 phụ nữ Việt tử vong vì ung thư cổ tử cung, chuyên gia khuyến cáo gì đến chị em?
Rào cản văn hóa, hiểu biết về bệnh khiến nhiều chị em còn ngại ngùng không thăm khám dẫn đến phát hiện bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn muộn. Trong khi đó, ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện sớm sẽ có cơ hội điều trị tốt, 90% người bệnh điều trị khỏi...
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 4.132 ca mắc mới và 2.223 ca tử vong (chiếm khoảng 54%) do ung thư cổ tử cung. Cùng với ung thư vú, ung thư cổ tử cung đang có xu hướng trẻ hóa, nhiều trường hợp trên dưới 20 đã mắc bệnh. Điều đáng tiếc đây là hai loại ung thư có hiệu quả điều trị khả quan nếu phát hiện sớm, tuy nhiên trên 1/2 số ca phát hiện ở giai đoạn muộn.
TS.BS Bùi Chí Thương - Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Giảng viên Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã nhấn manh thông tin trên khi trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo khoa học với chủ đề "Tầm soát ung thư cổ tử cung ngay hôm nay" diễn ra tại Vĩnh Phúc ngày 16/12 do Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc, Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các đối tác thực hiện.
Sự kiện thuộc chiến dịch "Để Cổ nói" đã thu hút sự tham dự của hơn 200 hội viên hội phụ nữ tỉnh và nữ thanh niên công nhân trong các doanh nghiệp.
Nhiều chị em ngại đi khám phụ khoa, tầm soát ung thư cổ tử cung
Hội thảo Khoa học "Tầm soát ung thư cổ tử cung ngay hôm nay" cũng là chiến dịch bổ trợ cho công tác truyền thông về quyền lợi của phụ nữ trong doanh nghiệp theo Thông tư 09/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 14/2013/TT-BYT do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 05/05/2023. Theo đó, phụ lục 3b có quy định lao động nữ sẽ được sàng lọc ung thư cổ tử cung nói riêng và khám chuyên khoa phụ sản nói chung.
Chia sẻ tại chương trình rất nhiều chị em phụ nữ cho hay họ ngại đi khám phụ khoa vì 'thấy mình bình thường' và một phần cũng sợ đi khám 'nhỡ phát hiện bị bệnh ung thư' thì không biết phải làm sao... Chị Hoài Thu (TP Vĩnh Yên) cho rằng nguyên nhân là do khi khám có thể gặp bác sĩ khám là nam giới, điều này khiến chị em rất ngại ngùng.
"Người trẻ tuổi chưa có gia đình thì ngại bi bác sĩ đụng chạm vào 'vùng kín', còn người lớn tuổi hơn đã có gia đình lại nghĩ rằng mình hoàn toàn bình thường nên việc thăm khám, tầm soát là không cần thiết. Ngay bản thân tôi chưa từng khám phụ khoa sau khi sinh con"- chị Thu nói. Tuy nhiên, người phụ nữ này cho biết qua nghe thông tin của các chuyên gia sản phụ khoa tại hội thảo, chị 'đã thay đổi suy nghĩ và sẽ đi khám tầm soát ung thư cổ tử cung trong thời gian sớm nhất'.
Còn chị Trần Thị Vân - một cán bộ đoàn trẻ tuổi đến tham dự hội thảo đã cho hay, những thông tin các chuyên gia chia sẻ đã giúp chị có thêm kiến thức, thông tin để truyên thông đến các nữ công nhân trong công ty nơi mình làm việc về vai trò của chăm sóc sức khỏe sinh sản và tầm soát, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Có phải cứ nhiễm virus HPV đồng nghĩa với việc sẽ mắc ung thư cổ tử cung hay không?
Thông tin tại chương trình cho biết chỉ 17% phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 65 từng tiến hành tầm soát ung thư cổ tử cung trong 3 năm vừa qua. Đây cũng là một con số khá khiêm tốn so với mục tiêu 70% phụ nữ trước 35 tuổi được khám sàng lọc sử dụng các hình thức xét nghiệm với độ chính xác cao, được tái xét nghiệm trước 45 tuổi, trong chiến lược toàn cầu của Tổ chức y tế thế giới nhằm tăng tốc loại trừ ung thư cổ tử cung vào năm 2030.
Là diễn giả chính của hội nghị, TS.BS Bùi Chí Thương cho hay, hiện nay đã có nhiều phương pháp phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Chị em có thể đến các cơ sở y tế để được tầm soát, hoặc có thể thực hiện tự lấy mẫu tại nhà bằng xét nhiệm HPV DNA đầu tay.
'Đặc biệt, với những rào cản e ngại khám phụ khoa tại các cơ sở y tế, chị em có thể tự lấy mẫu mẫu xét nghiệm HPV DNA mới. Phương pháp này cũng được Tổ chức Y tế thế giới, FDA Hoa Kỳ và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo, góp phần dỡ bỏ các rào cản về tâm lý và địa lý để sớm tiếp cận với việc sàng lọc, phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung" - TS.BS Bùi Chí Thương nói.
Nhiều chị em tham gia hội thảo đã bày tỏ băn khoăn có phải 'cứ nhiễm virus HPV đồng nghĩa với việc sẽ mắc ung thư cổ tử cung hay không?', TS.BS Bùi Chí Thương cho hay, nhiễm HPV không đồng nghĩa với mắc ung thư cổ tử cung, nhưng nhiễm HPV quá 2 năm thì sẽ có nguy cơ dẫn đến tiền ung thư.
Theo đó, khi phát hiện virus HPV thuộc nhóm nguy cơ cao là type 16 và type 18, chị em sẽ được tiếp tục đánh giá các nguy cơ qua soi cổ tử cung. Trong trường hợp chưa phát hiện nguy cơ ung thư thì có thể theo dõi định kỳ mỗi năm một lần, chứ chưa cần điều trị. Từ khi nhiễm HPV cho đến khi biến chứng gây ung thư cổ tử cung có thể kéo dài 10 năm. Trong 10 năm đó có những giai đoạn tiền ung thư.
"Vì vậy, việc tầm soát sớm, phát hiện sớm sẽ có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Việc phát hiện sớm không chỉ giúp giảm chi phí điều trị, mà còn phòng ngừa các biến chứng phải cắt bỏ cổ tử cung, buồng trứng gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và đời sống vợ chồng"- chuyên gia Bùi Chí Thương khuyến cáo.
Chiến dịch "Để Cổ nói" do Trung Tâm vì sự phát triển Phụ nữ Bắc Trung Bộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Phụ Sản Việt Nam với sự đồng hành của các đối tác phát động vào tháng 6/2023, hướng đến mục tiêu loại trừ ung thư cổ tử cung của Tổ chức Y tế Thế giới, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho phụ nữ trên khắp Việt Nam.
Tai hội nghị "Đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT về vấn đề chẩn đoán, điều trị sớm cho một số bệnh trong dự án Luật BHYT sửa đổi" được Bộ Y tế tổ chức mới đây, ThS. Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho hay ung thư cổ tử cung là ung thư có thể phòng ngừa và chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và điều trị sớm, và Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định một chiến lược toàn cầu để đáp ứng mục tiêu này thông qua tiêm chủng, sàng lọc và điều trị (mục tiêu "90-70-90" vào năm 2030).
Bà Trang thông tin, Tổ chức Y tế thế giới cũng đã đưa ra bằng chứng rằng việc đáp ứng các mục tiêu loại trừ ung thư cổ tử cung sẽ tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội đáng kể, dựa trên ước tính rằng mỗi USD đầu tư có thể mang lại khoảng 28 USD khi xem xét tác động của sức khỏe được cải thiện của phụ nữ đối với gia đình, cộng đồng và xã hội.
Vì vậy, việc xem xét phạm vi chi trả của Quỹ BHYT cho việc sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung nói riêng và một số bệnh lý khác là rất quan trọng và có thể mang lại hiệu quả, lợi ích cao cho người bệnh, Quỹ BHYT và xã hội