Mỗi năm Việt Nam có gần 2.000 trẻ tử vong vì đuối nước, thuộc nhóm cao ở khu vực Tây Thái Bình Dương

Dù đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong việc cứu sống người dân khỏi đuối nước, nhưng tỷ lệ tử vong do đuối nước vẫn chưa giảm như kỳ vọng. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy gần 2.000 trẻ em ở nước ta tử vong do đuối nước mỗi năm.

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 - 14 tuổi tại Việt Nam

Cứ đến hè, trẻ lại đối diện với một mối nguy hiểm thầm lặng, đó chính là đuối nước. Phần lớn các vụ việc xảy ra do sự lơ là thiếu giám sát của người lớn, thiếu kiến thức phòng tránh và kỹ năng xử lý tình huống, sơ cứu khi trẻ gặp nạn.

Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 3 tuổi trong tình trạng hôn mê sâu do đuối nước tại ao gần nhà. Trẻ được phát hiện dưới ao sau khoảng 30 phút từ khi mất tích. Tuy nhiên, dù đã được hồi sức tại tuyến dưới và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị tích cực, cháu không qua khỏi vì tổn thương não quá nặng.

Một mô hình can thiệp hiệu quả được ghi nhận trong thời gian qua là Chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại 12 tỉnh có tỷ lệ tử vong cao.

Một mô hình can thiệp hiệu quả được ghi nhận trong thời gian qua là Chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại 12 tỉnh có tỷ lệ tử vong cao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2021, có khoảng 300.000 ca tử vong do đuối nước trên toàn cầu, phần lớn là trẻ em và thanh thiếu niên tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi tại Việt Nam. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm.

Dù tỷ lệ này đang có xu hướng giảm, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có tỷ lệ đuối nước trẻ em cao trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Mỗi trường hợp tử vong do đuối nước là một bi kịch nhưng có thể phòng tránh.

Để hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước (25/7) năm nay, Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) đã phát động chiến dịch truyền thông trên toàn quốc với chủ đề "Cùng hành động để không còn trẻ em bị đuối nước".

Chiến dịch kêu gọi các cấp chính quyền, phụ huynh và toàn xã hội cùng chung tay phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em thông qua việc tăng cường giáo dục kỹ năng an toàn nước, mở rộng dạy bơi an toàn trong trường học và cộng đồng, truyền thông nâng cao nhận thức và đẩy mạnh hợp tác liên ngành, huy động nguồn lực đầu tư để phòng chống đuối nước.

Một mô hình can thiệp hiệu quả được ghi nhận trong thời gian qua là Chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại 12 tỉnh có tỷ lệ tử vong cao. Chương trình do Cục Bà mẹ và Trẻ em phối hợp cùng tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids (CTFK), Hoa Kỳ dưới sự hỗ trợ tài chính của Quỹ từ thiện Bloomberg.

Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống đuối nước 25/7/2025.

Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống đuối nước 25/7/2025.

Sau 7 năm triển khai, chương trình đã dạy bơi an toàn cho hơn 52.000 trẻ em, trang bị kỹ năng an toàn nước cho hơn 52.200 em, đồng thời đào tạo hơn 1.000 giảng viên bơi an toàn được cấp chứng chỉ.

Nghiên cứu từ Trường Đại học Y tế Công cộng cho thấy, tỷ lệ tử vong do đuối nước tại các tỉnh triển khai chương trình đã giảm trung bình 16% so với trước can thiệp.

Cần mở rộng quy mô các can thiệp phòng chống đuối nước

TS.BS Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phòng, chống đuối nước trẻ em, song vẫn còn nhiều thách thức. Mỗi trường hợp tử vong do đuối nước là một bi kịch nhưng có thể phòng tránh.

"Chúng tôi kêu gọi cha, mẹ, nhà trường, cộng đồng và chính quyền địa phương cùng hành động phòng, chống đuối nước cho trẻ em, đặc biệt tại vùng nông thôn và khu vực có nhiều ao, hồ, sông, suối… để hướng tới mục tiêu không còn trẻ em bị đuối nước"- ông Khoa nhấn mạnh.

Ông Khoa cũng đề nghị các cấp chính quyền tăng đầu tư cho các chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt ở các địa phương có nguy cơ cao; tăng cường giáo dục cộng đồng về kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng sơ cứu và quản lý, giám sát trẻ; mở rộng chương trình dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại trường học và cộng đồng…

Bà Đoàn Thị Thu Huyền, đại diện Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không khói thuốc tại Việt Nam cho biết, đuối nước có thể xảy ra chỉ trong khoảnh khắc, nhưng với nhận thức đúng và hành động kịp thời, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn những bi kịch xảy ra.

Đuối nước là hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước, chúng ta cần sự phối hợp đồng bộ, lâu dài giữa các cấp chính quyền, ban ngành liên quan đặc biệt là ngành giáo dục - y tế - văn hóa - thể thao và du lịch, cùng các tổ chức xã hội và từng gia đình. Mỗi hành động hôm nay dù nhỏ đều có thể cứu sống một sinh mạng ngày mai.

Cách phòng tránh đuối nước cho trẻ. Ảnh: BVCC

Cách phòng tránh đuối nước cho trẻ. Ảnh: BVCC

TS Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, chia sẻ: Mỗi ca tử vong do đuối nước là một mất mát không thể chấp nhận. Bất kỳ ai cũng có thể bị đuối nước – nhưng không nên để ai phải thiệt mạng vì một nguyên nhân có thể ngăn chặn.

"Có rất nhiều giải pháp hiệu quả và chi phí thấp đã được chứng minh. Chúng ta cần mở rộng quy mô các can thiệp này để giảm thiểu nguy cơ, bảo vệ trẻ em và xây dựng một môi trường sống an toàn hơn cho tất cả mọi người"- TS Angela Pratt nói.

Trước đó, ngày 24/7, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước.

Cùng ngày, cuộc thi Tìm hiểu kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em diễn ra sôi nổi với hơn 100 học sinh đến từ 11 trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh tham gia.

Thái Bình/ Ảnh: PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/moi-nam-viet-nam-co-gan-2000-tre-tu-vong-vi-duoi-nuoc-thuoc-nhom-cao-o-khu-vuc-tay-thai-binh-duong-169250725184637515.htm