Mọi ngả đường kẹt cứng, người dân ra khỏi TP.HCM như thế nào?

Cho tới tối 30/4, đường về miền Tây vẫn rất đông, các ôtô nối đuôi nhau di chuyển rất chậm trên đường.

Từ sáng 30/4, các cửa ngõ đi từ TP.HCM ghi nhận tình trạng ùn tắc nặng nề khi người dân bắt đồ đổ xô di chuyển về các tỉnh thành lân cận. Lượng xe cộ quá đông khiến thời gian di chuyển kéo dài dẫn đến nhiều khó khăn cho người về quê dịp lễ này.

 Cầu Rạch Miễu kẹt cứng vào sáng 30/4. Ảnh: Huy Hung.

Cầu Rạch Miễu kẹt cứng vào sáng 30/4. Ảnh: Huy Hung.

Tôi mất 6 tiếng để về đến Vĩnh Long

Khởi hành lúc 5 giờ sáng từ TP.HCM về miền Tây bằng xe máy, phóng viên Thượng Tâm cho biết mình chỉ di chuyển thuận lợi được hết đại lộ Võ Văn Kiệt. Kể từ ngã 3 An Lạc, đường đi kẹt dài bởi lượng xe đông đúc, bao gồm cả ôtô, xe tải lẫn xe 2 bánh.

 Các đoạn tỉnh lộ đi về miền Tây ùn tắc kéo dài, còn đi đường tránh sẽ ít xe hơn. Ảnh: Thượng Tâm.

Các đoạn tỉnh lộ đi về miền Tây ùn tắc kéo dài, còn đi đường tránh sẽ ít xe hơn. Ảnh: Thượng Tâm.

So với việc di chuyển bằng ôtô hay xe khách, xe máy có sự linh hoạt cao và cơ động hơn khi gặp ùn tắc. Ngoài ra, người đi xe máy có thể lựa chọn các đoạn đường tắt để tránh kẹt xe, thay vì "chịu trận" giữa dòng phương tiện đông đúc.

Tuy nhiên, người đi xe máy phải chịu cảnh khói bụi, nắng nóng nên sẽ mệt mỏi hơn.

“Ở tất cả giao lộ đều bị tắc, vì vậy tôi phải rẽ vào đường nhánh để di chuyển để tránh kẹt xe và tiết kiệm thời gian. Dù vậy, hôm nay mất đến 6 tiếng để chạy xe máy về đến nhà, gấp đôi thời gian di chuyển thông thường”, anh Tâm cho biết thêm.

So với những ngày đường thông thoáng, việc đi xe máy về quê dịp lễ ít nguy hiểm nhưng nhiều mệt mỏi hơn. Vì xe đông nên hầu hết phương tiện di chuyển chậm, xe máy đỡ nỗi lo ôtô hay xe lớn chạy nhanh, tranh đường và có thể gây tai nạn.

Hôm nay trời có nắng từ sớm và kéo dài liên tục, nhiệt độ ngoài trời là trên 40 độ C. Cộng với lượng khói bụi cũng cao hơn đáng kể do xe đông, người lái xe máy nhanh cảm thấy mệt mỏi. Nhiều người đi xe máy mang theo nước uống để tiếp sức, hoặc lựa chọn thời gian nghỉ ngơi, lấy lại tỉnh táo rồi tiếp tục di chuyển.

 Xuất phát từ TP.HCM từ sáng sớm, người đi xe máy cũng phải mất đến 6 tiếng để về tới Vĩnh Long.

Xuất phát từ TP.HCM từ sáng sớm, người đi xe máy cũng phải mất đến 6 tiếng để về tới Vĩnh Long.

Một người bạn của anh Tâm di chuyển bằng xe khách theo quốc lộ 1 gần như mắc kẹt hoàn toàn trong dòng xe ngày lễ. Khởi hành từ 20 giờ hôm qua (29/4) nhưng đến 8 giờ sáng nay, chuyến xe chỉ mới đến được địa phận Cái Bè, Tiền Giang, tức hơn 3/4 quãng đường.

Giao thông buổi trưa thông thoáng hơn nhưng vẫn kẹt

Đi từ Đồng Nai, hướng qua TP.HCM để về Đồng Tháp bằng ôtô, phóng viên Vĩnh Phúc may mắn không phải đối mặt với điều kiện giao thông quá đông đúc như hướng ngược lại. Dù vậy, lưu lượng xe trên đường vẫn nhộn nhịp khiến thời gian di chuyển bị kéo dài.

 Cửa ngõ phía Đông của TP.HCM đông xe vào sáng 30/4. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Cửa ngõ phía Đông của TP.HCM đông xe vào sáng 30/4. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Sau một giờ đi từ Giang Điền (Đồng Nai) vào đến trung tâm TP.HCM, anh Phúc xuất phát lúc 14 giờ theo hướng Nguyễn Văn Linh và quốc lộ 1, thay vì đi vào cao tốc Trung Lương.

Với lộ trình này, mất hơn 1 tiếng để đến được Tân An (Long An). Anh Phúc cho biết hướng di chuyển của mình đang dần đông xe hơn, chủ yếu là các nhóm xe máy về quê nghỉ lễ.

 Tránh cao tốc Trung Lương và xuất phát muộn, đường từ TP.HCM đi Đồng Tháp có phần thoáng đãng hơn.

Tránh cao tốc Trung Lương và xuất phát muộn, đường từ TP.HCM đi Đồng Tháp có phần thoáng đãng hơn.

Theo chỉ dẫn và tính toán của phần mềm Google Maps, anh có thể về đến Đồng Tháp vào khoảng 17h hôm nay, tức mất hơn 3 tiếng đi ôtô. Thời gian này không quá chênh lệch so với điều kiện di chuyển ngày thường.

 Giao thông miền Tây vẫn kẹt cứng vào chiều 30/4. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Giao thông miền Tây vẫn kẹt cứng vào chiều 30/4. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, vừa ra khỏi Tân An thì đường đi đã không còn thuận lợi. Ôtô và xe tải ùn tắc kéo dài từ cửa ngõ Tiền Giang đến đường ra của cao tốc Trung Lương. Xe của anh Phúc ghi nhận chỉ đi được 57 km trong gần 3 tiếng. Lúc này, thời gian dự kiến đến nơi ban đầu đã không còn chính xác.

 Google Maps trên xe vẫn thể hiện trên bản đồ bằng đường màu xanh dù đường kẹt cứng. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Google Maps trên xe vẫn thể hiện trên bản đồ bằng đường màu xanh dù đường kẹt cứng. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Với tình trạng kẹt kéo dài phía trước không biết khi nào kết thúc, rất khó để xác định khi nào chiếc xe sẽ tới đích. Google Maps trên xe vẫn thể hiện trên bản đồ bằng đường màu xanh, không chính xác so với tình hình giao thông thực tế.

Lái ôtô dịp lễ, tết chắc chắn trong tình trạng ùn tắc là điều không ai muốn gặp. Lượng xe máy và ôtô tăng đột biến khiến việc di chuyển khó khăn hơn, các phương tiện xung quanh bám sát khiến người lái không xử lý dễ bị căng thẳng và mệt mỏi.

Không tìm được nơi dừng chân và chờ đường thoáng, người lái cùng hành khách buộc phải chịu tình trạng nhồi ga/phanh liên tục rất khó chịu. Ngoài ra, dừng xe kéo dài cũng khiến tốn nhiên liệu hơn đáng kể.

 Chiếc ôtô sử dụng động cơ 1.5L báo mức tiêu thụ trung bình 12,3 lít cho 100 km và đang tăng nhanh. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Chiếc ôtô sử dụng động cơ 1.5L báo mức tiêu thụ trung bình 12,3 lít cho 100 km và đang tăng nhanh. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Tới gần 19h ngày 30/4, đoạn đường qua cao tốc Trung Lương vẫn kẹt cứng. Ôtô di chuyển với tốc độ 1,5 km/h.

Mức tiêu thụ nhiên liệu của xe có lúc tăng lên mức 15,5 l/100 km. Theo thông số kỹ thuật, chiếc xe này sử dụng động cơ 1.5L và có mức tiêu thụ nhiên liệu hỗn hợp 6,5 lít cho 100 km.

 Tới gần 19h ngày 30/4, đoạn đường về Đồng Tháp qua cao tốc Trung Lương vẫn kẹt cứng. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Tới gần 19h ngày 30/4, đoạn đường về Đồng Tháp qua cao tốc Trung Lương vẫn kẹt cứng. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Nhiều nơi ùn ứ, kẹt xe kéo dài

Tài khoản Facebook Thanh Vo chia sẻ mất 12 giờ để đi từ TP.HCM đến Đà Lạt. Do lo ngại cao tốc Long Thành - Dầu Giây đông xe, anh chọn đi theo quốc lộ nhưng cũng không khá hơn, ôtô nối đuôi nhau từ xa lộ Hà Nội đến Dầu Giây (Đồng Nai).

Trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) rạng sáng nay xảy ra một vụ tai nạn lật xe tải, kết hợp với lượng xe tăng đột biến khiến lộ trình TP. HCM - Đà Lạt bị tắc dữ dội cả 2 hướng. Đồng thời, lực lượng CSGT phải phân luồng tạm thời để giải quyết tình trạng tắc nghẽn trên đoạn đèo này.

 Ôtô và xe máy xếp hàng dài trên đèo Bảo Lộc. Ảnh: T.T.

Ôtô và xe máy xếp hàng dài trên đèo Bảo Lộc. Ảnh: T.T.

Ở khu vực phía Bắc, tình trạng ùn tắc cũng diễn ra phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến việc di chuyển của người dân trong ngày nghỉ lễ. Chẳng hạn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sáng nay lượng xe tăng mạnh và xảy ra kẹt xe kéo dài 8 km.

Trong nhóm Oto+, thành viên Nguyễn Đức Bình chia sẻ mình vừa đi từ Hà Nội đến Vinh mất hơn 13 giờ, trong khi ngày thường di chuyển chỉ cần khoảng 5 giờ 30 phút. Những đoạn tắc chính được anh nhắc đến có bến Nước Ngầm (Hà Nội), đoạn Ngọc Hồi vào cao tốc hay Tam Điệp (Ninh Bình).

Người dùng Facebook tên Nguyễn Trung Hiếu bình luận chia sẻ rằng mọi người hãy mở Google Maps để cập nhật tình hình giao thông và lựa chọn lộ trình phù hợp. Việc nhiều người cùng sử dụng cũng giúp phần mềm có được thông tin chính xác hơn về lưu lượng xe đang di chuyển để đưa ra chỉ dẫn phù hợp.

Hoàng Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-nga-duong-ket-cung-nguoi-dan-ra-khoi-tphcm-nhu-the-nao-post1210055.html