Mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui
Từ nhiều năm nay, khẩu hiệu 'Mỗi ngày đến trường là một ngày vui' được nhiều nhà trường đưa ra như một tôn chỉ, nhằm tạo hứng khởi cho học sinh mỗi khi đến trường. Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui, còn đó những bất an của vấn nạn bạo lực học đường vẫn liên tiếp xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Có thể thấy, bạo lực học đường không phải là câu chuyện mới, tuy nhiên theo thời gian đã trở nên nghiêm trọng và thách thức dư luận xã hội hơn. Đơn giản từ cái nhìn “thiếu thân thiện”, mâu thuẫn tình cảm hay sự trêu đùa trên mạng mà các em có thể nhận những trận đòn vô cớ. Đáng buồn hơn, bạo lực học đường xảy ra ở ngay những người bạn học chung một lớp và thay vì ngăn cản, các bạn còn vô cảm dùng điện thoại quay phim để đưa lên mạng xã hội (MXH). Vào ngày khai giảng vừa qua tại tỉnh Yên Bái, do có mối quan hệ quen biết với K.M.T. (SN 2002, trú tại xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ), nên giữa N.T.L.C. và N.H.N. (SN 2002, trú tại xã Y Can, huyện Trấn Yên) nảy sinh mâu thuẫn với nhau. Khi đang đứng ở cổng Trung tâm Giáo dục thường xuyên, TP Yên Bái, N. và các bạn đã đưa C. tới Công viên Đồng Tâm (TP Yên Bái) đánh đập gây chảy máu mũi C., bị quay video clíp và phát tán trên MXH. Một vụ việc khác ở tỉnh Phú Thọ cũng khiến dư luận rất bức xúc, đó là vụ việc một nữ sinh lớp 10 (Trường cao đẳng nghề Phú Thọ) liên tiếp bị hành hung, tung clíp lên MXH. Qua xác minh, các cán bộ Công an tỉnh xác định, ngày 13/9, học sinh N.T.Y.N. (SN 2006) bị các bạn N.T.L.; Đ.T.B.T. và N.T.A.T. (đều SN 2005 và học cùng trường với N.) đánh vào người, mặt. Sau đó, N.T.Y.N. tiếp tục có mâu thuẫn với bạn nữ cùng lớp tên H. và bị H. nhiều lần tát vào mặt. Không dừng lại ở đó, H. còn gọi thêm một số người khác, trong đó có P.T.M.H. (lớp trưởng lớp 10A2, Trường cao đẳng nghề Phú Thọ) đến đánh N.T.Y.N.
Những nỗi đau về thể xác có thể chữa lành nhưng những nỗi đau về tinh thần sẽ đi cùng các em đến hết cuộc đời, khiến nhiều em bị trầm cảm, luôn có cảm giác bất an và phải sống trong sợ hãi… Dưới góc độ tâm lý học, TS Lê Thị Xuân Thu, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Chính trị và Tâm lý xã hội, Trường đại học Hùng Vương (Phú Thọ) phân tích, nguyên nhân xuất hiện nhiều vụ bạo lực học đường trong thời gian gần đây một phần là do sự phát triển của chính bản thân học sinh. Hơn nữa, đây là giai đoạn hoàn thiện về tâm sinh lý, cho nên các học sinh thường thiếu hụt về kỹ năng ứng xử; có những hành động bột phát, cảm tính, thiếu kiểm soát. Những học sinh này thường xuất thân từ các gia đình có những phương pháp ứng xử không nhất quán, thường xuyên mâu thuẫn và thiếu sự quan tâm của bố mẹ, nhất là các gia đình mải làm ăn, không có thời gian chăm sóc, chia sẻ tâm tư, tình cảm với con cái. Hệ quả sẽ khiến các em có cảm giác cô độc, cố tình quậy phá, gây gổ đánh nhau nhằm gây sự chú ý của mọi người chung quanh. Bên cạnh đó, một lý do liên quan tới các bạn học ở nhà trường cũng làm nảy sinh hành vi bạo lực học đường đó là sự chấp nhận cổ xúy của nhóm bạn hoặc sự kỳ thị, chối bỏ của nhóm bạn. Ngoài ra, những tác động xấu của phim ảnh, internet, trò chơi điện tử cũng là nguyên nhân gia tăng số vụ bạo lực học đường.
Để hạn chế tình trạng trên, theo TS Lê Thị Xuân Thu cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục phòng tránh bạo lực học đường để nâng cao nhận thức cho học sinh, các bậc làm cha, làm mẹ và trong cộng đồng. Tích cực cải thiện môi trường trong nhà trường thông qua công tác quản lý các học sinh. Môi trường gia đình cũng góp phần quan trọng trong điều chỉnh hành vi đối với mỗi cá nhân. Do vậy, cần giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ cho các em. Khi thấm nhuần các giá trị đạo đức đó, các em sẽ có những hành động phù hợp chuẩn mực xã hội và có tính văn hóa cao giúp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực học đường.
Đại tá Đặng Xuân Quỳnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái chia sẻ: Để ngăn chặn bạo lực học đường, ngoài việc ký cam kết giữa nhà trường với gia đình, cần đặc biệt quan tâm đến các học sinh vùng sâu, vùng xa, trú tại nhà trọ hoặc ở nhà người thân, bởi đây là nhóm học sinh thiếu sự quan tâm thường xuyên của bố mẹ, dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo, kích động dẫn đến những suy nghĩ và hành vi lệch chuẩn. Hơn nữa, ở lứa tuổi học đường, học sinh thường đưa “cái tôi” của bản thân vượt quá giới hạn, một số ít em vô cảm, khi thấy các bạn đánh nhau không can ngăn, mà còn cổ xúy, dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh đưa lên MXH mà không nghĩ đến hậu quả. Mặt khác, khi xử lý hình sự các vụ việc nêu trên liên quan đến học sinh dưới 18 tuổi, phải có người giám hộ (bố mẹ, người thân hoặc giáo viên chủ nhiệm); đồng thời, cân nhắc thận trọng tránh làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và tương lai của các học sinh. Không vì áp lực công việc mà đánh mất phần còn lại tuổi học trò của các em.
Theo Luật sư Phạm Viết Luân (Văn phòng Luật sư Phúc Thọ, Hà Nội), tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và độ tuổi của người có hành vi bạo lực học đường mà cơ quan chức năng có hình thức xử lý phù hợp. Nếu hành vi này xâm phạm tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì phải bồi thường thiệt hại theo Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngoài ra, theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) Điều 121 tội làm nhục người khác, Điều 134 tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, trường hợp người thực hiện hành vi này từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; từ đủ 16 tuổi trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp người thực hiện hành vi chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng đã đủ 12 tuổi thì có thể xử phạt cảnh cáo theo quy định tại Điều 5, Điều 22 hoặc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Điều 89; đưa vào trường giáo dưỡng theo Điều 91 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bandoc/moi-ngay-den-truong-phai-la-mot-ngay-vui-671785/