Mỗi ngày đều là 'Tết trồng cây'
Hôm qua 30/1/2020, nhằm ngày mùng 6 tết, cùng với đồng bào cả nước, đông đảo cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, học sinh và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Quảng Trị nô nức tham gia 'Tết trồng cây' Xuân Canh Tý, hưởng ứng phong trào 'Tết trồng cây' do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng từ 60 năm trước. Trong bối cảnh thiên tai lũ lụt diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng diễn ra ở nhiều nơi thì lối sống chan hòa với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên ngày càng được nhiều người lựa chọn. Và do vậy, việc lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, học sinh cùng nhau vun trồng những mầm xanh trong những ngày đầu năm mới như thế này lan tỏa rất nhiều ý nghĩa, không chỉ góp phần giảm nhẹ thiên tai, làm sạch môi trường, điều đó còn thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng vì những mục tiêu mang tính toàn cầu và có giá trị giáo dục sâu sắc, nhất là với thế hệ trẻ.
Phong trào Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã lan tỏa rộng khắp và duy trì đến tận ngày nay (Trong ảnh: Bác Hồ tham gia trồng cây với nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Tây cũ) mùa xuân năm 1969). Ảnh: Tư liệu
60 năm đã qua kể từ ngày Bác Hồ tự tay cầm xẻng, xúc đất vun trồng một cây đa nhỏ ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất) cùng với nhân dân Thủ đô (ngày 11/1/1960) nhưng “Tết trồng cây” do Người khởi xướng vẫn còn nguyên giá trị, trở thành một mĩ tục của dân tộc mỗi độ tết đến xuân về, một truyền thống tốt đẹp được nhân dân ta gìn giữ. Để việc thực hiện “Tết trồng cây” có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực, Người nhắc nhở cần gắn với kế hoạch trồng cây gây rừng, “trồng cây nào, chắc cây ấy”; đó là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục chứ không phải chỉ làm một đợt hay một năm... Theo Người, việc thực hiện “Tết trồng cây” không chỉ đơn thuần để có thêm cây xanh, “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, mà nó còn gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua, công tác vận động quần chúng, giáo dục cho mỗi người, nhất là thế hệ trẻ biết yêu quý, biết tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên nói chung và cây xanh nói riêng. Từ lời dạy của Người, những năm qua phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; toàn dân ra sức hưởng ứng với nhiều hành động cụ thể. Nhờ đó, năm 2019, mặc dù thời tiết diễn biến bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống người dân, nhưng các địa phương trong cả nước đã trồng được 224 nghìn héc ta rừng trồng tập trung và 60 triệu cây phân tán, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng trên 30 triệu m3 gỗ/năm; tỉ lệ che phủ rừng ước đạt 41,85%. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát huy vai trò phòng hộ của rừng, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để “Tết trồng cây” thực sự phát huy đầy đủ giá trị và ý nghĩa của nó, theo chúng tôi, cần có quy hoạch khu vực và lựa chọn loại cây trồng cẩn thận. Khu vực nào, trồng cây gì đều phải được tính toán kĩ để phát huy hiệu quả lâu dài, tránh trồng chiếu lệ cho có phong trào, đến khi cây chưa kịp lớn thì phải chặt bỏ vì không phù hợp với quy hoạch, hoặc cây không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng dẫn đến còi cọc, không phát triển được. Đối với cây xanh được trồng ở các khu vực công cộng hoặc các tuyến đường cần giao trách nhiệm quản lí, chăm sóc cụ thể cho các tổ chức, đơn vị để đảm bảo cây đạt tỉ lệ sống cao nhất, tránh tình trạng khi ra quân thì “trống giong cờ mở” rầm rộ nhưng một thời gian sau thì cây chết dần chết mòn vì không ai chăm sóc, cũng không có ai phải chịu trách nhiệm, dẫn đến lãng phí công sức, tiền của, đặc biệt là mất niềm tin trong nhân dân về một phong trào có ý nghĩa thiết thực.
“Tết trồng cây”, theo lời Bác dặn, là một hoạt động liên tục và lâu dài, vì vậy không chỉ diễn ra trong mấy ngày đầu năm mà mỗi ngày đều là “Tết trồng cây”. Trong vườn nhà, ở cơ quan hay dọc các tuyến đường, mỗi người cần xem việc trồng, chăm sóc cây là một ý thức tự giác, thường xuyên. Đó là niềm vui, cũng là trách nhiệm với cuộc sống và cộng đồng.
Ngoài mục tiêu về mặt kinh tế- xã hội, việc trồng cây nói chung, tổ chức “Tết trồng cây” nói riêng còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là giáo dục cho mỗi người, nhất là thế hệ trẻ biết yêu quý, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên nói chung và cây xanh nói riêng. Vì vậy cần khuyến khích người dân, nhất là các bạn trẻ tự tay chọn cây, trồng và chăm sóc vun xới hằng ngày cho cây sống khỏe, phát triển, từ đó góp phần hun đúc tình yêu lao động, tinh thần chịu khó, tính kiên trì, ý thức bảo vệ cây cối và thiên nhiên, môi trường. Đó cũng là cách giáo dục, hình thành nhân cách tốt đẹp cho con người mà Bác Hồ đã khéo léo gửi gắm thông qua “Tết trồng cây” từ 60 năm trước.
Song song với việc tổ chức trồng thêm nhiều cây, nhân lên nhiều cánh rừng mang màu xanh no ấm, chúng ta cần phải cùng nhau nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, chăm sóc cây trồng thật tốt; cần có biện pháp quản lí, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, cũng như phòng, chống cháy rừng hiệu quả. Mỗi người đều phải có ý thức trồng cây, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ cây xanh để môi trường sống ngày một trong lành hơn. Thêm một cây xanh được trồng xuống là thêm một mầm sống sinh sôi, và như vậy, “Tết trồng cây” mới thật sự là niềm vui, là ý thức tự giác của mỗi người và có ý nghĩa đối với toàn xã hội.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=76&modid=423&itemid=145773