Mỗi ngày vài trăm ca nhập cảnh, Campuchia lo ngại 'làn sóng Delta' từ nước ngoài
Khi nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2 cách đây hai tuần, ngôi sao quyền anh người Campuchia - Eh Phouthong đã phải trợ thở liên tục. Mỗi ngày, Phouthong dùng hết một bình oxy.
Một phụ nữ Campuchia đang được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Ảnh: Reuters
May mắn thay, võ sĩ 46 tuổi - dù mắc bệnh tim - đã khỏi bệnh sau khoảng một tuần điều trị. “Anh ấy không còn cảm thấy mệt mỏi nữa”, Taing Somaly - vợ Phouthong nói. “Các bác sĩ nói với tôi rằng nếu anh ấy chưa tiêm vắc xin, thì tình trạng đã tồi tệ hơn nhiều.”
Kể từ khi Campuchia khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng Hai, hơn 60% trong số 10 triệu dân số trưởng thành của nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin. Khoảng 44% được tiêm đủ hai mũi.
Phần lớn số vắc xin của Campuchia đến từ Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc. Trong khi số còn lại được phân phối qua chương trình chia sẻ vắc xin Covax. Tuần trước, Nhật Bản cũng gửi cho Campuchia 332.000 liều AstraZeneca.
Dù đạt tỉ lệ tiêm chủng cao, nhưng Campuchia vẫn đang tiếp tục vật lộn với hàng trăm ca mắc mới mỗi ngày. Phần lớn các ca bệnh trong số đó là ca nhập cảnh, chủ yếu từ Thái Lan - quốc gia đang hứng chịu làn sóng dịch thứ ba do biến thể Delta. Ngày 27/7, Campuchia báo cáo 685 ca mắc COVID-19 mới, 262 ca trong số đó là người về từ nước ngoài. Trước đó, ngày 26/7, số ca nhập cảnh của Campuchia là 475 ca.
Cơ quan Hải quan Campuchia mới đây đã thu giữ 3 container thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ sau khi phát hiện lô hàng này dính virus SARS-CoV-2.
Sau nhiều tháng lao đao vì biến thể Alpha, Campuchia giờ đây tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ lây lan của biến thể Delta, sau khi những ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên được phát hiện ngoài cộng đồng.
Bộ Y tế Campuchia hôm qua ghi nhận thêm 39 ca bệnh nhiễm biến thể Delta, nâng tổng số ca nhiễm virus “đột biến kép” ở nước này lên 114 ca. Đáng chú ý, trong đó các ca mới phát hiện, có 21 ca trở về từ Thái Lan và 18 ca trong cộng đồng (là nhân viên y tế và người dân ở các tỉnh Oddar Meanchey, Kampong Thom và Siem Reap).
Ailan Li - Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Campuchia bày tỏ lo ngại rằng quốc gia này có thể sẽ sớm đối mặt với kịch bản đang xảy ra ở nhiều nước khác, khi Delta thay thế Alpha và trở thành biến thể trội.
Thái Lan - một trong ba quốc gia giáp Campuchia - ngày 26/7 ghi nhận mức tăng số ca mắc mới COVID-19 cao kỉ lục với 15.376 ca, đưa tổng số ca bệnh vượt mốc 500.000 ca.
Một ngày trước đó, Malaysia cán mốc một triệu ca bệnh sau ba ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới cao kỉ lục (từ 15.000 đến 17.000 ca).
Tại Indonesia, các chợ truyền thống, gian hàng ven đường và các quán ăn ngoài trời đã được phép mở cửa trở lại từ 26/7 với một số quy định về hạn chế tiếp xúc.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết những động thái này được thực hiện do tỷ lệ lây nhiễm theo ngày cũng như tỷ lệ nhập viện vì COVID-19 đã giảm. Số ca mắc mới ở Indonesia đã giảm xuống còn khoảng 28.000 ca (ngày 26/7) so với mức gần 50.000 ca trước đó vài ngày. Tuy nhiên theo các chuyên gia, chính quyền Indonesia không nên dựa vào con số này mà vội vàng mở cửa trở lại, vì tỷ lệ xét nghiệm ở Indonesia cũng đang giảm, trong khi tỷ lệ số ca dương tính vẫn cao. Hiện, mới chỉ khoảng 6% trong số gần 270 triệu dân ở Indonesia được tiêm đủ hai mũi vắc xin.