Mới nghi ngờ nhiễm nCoV, đưa vào phòng cách ly liệu có bị lây chéo ngay tại phòng?
Nhiều người băn khoăn tình huống những người nghi ngờ nhiễm chủng mới của virus corona - nCoV- được đưa vào phòng cách ly sẽ bị lây nhiễm virus này từ người khác chung phòng.
Lý giải về băn khoăn này bằng chính quy trình của Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi đầu tiên tại Việt Nam tiếp nhận và điều trị 2 người Trung Quốc mắc nCoV, TS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, quy trình cách ly phòng dịch rất chặt chẽ.
"Tôi khẳng định việc bị lây nhiễm nếu ở chung phòng với người bệnh, ở trong bệnh viện, là rất khó xảy ra" - BS Hùng nói.
Theo đó, khi bệnh nhân tới sẽ được nhân viên y tế tiếp nhận và thăm khám từ đầu. Nếu có yếu tố nghi ngờ nhiễm bệnh (lâm sàng/dịch tễ), ngay lập tức sẽ được đưa vào khu vực sàng lọc.
Tại đây, nhân viên y tế tiến hành phân loại nhanh người nào thực sự có nguy cơ nhiễm bệnh. Sau đó, bệnh nhân không có nguy cơ nhiễm bệnh sẽ được giải phóng ngay. Còn bệnh nhân nào nghi ngờ thì đưa vào chuyên khoa.
Tại các khoa, có các phòng khác nhau, đầu tiên là phòng cho bệnh nhân nghi ngờ.
"Đừng quá lo lắng nếu bạn vào phòng cách ly ở cùng người bệnh. Nhân viên y tế của tôi rất hiểu và có cách phòng tránh" - TS Hùng khẳng định và lý giải cách phòng tránh đó là đeo khẩu trang đặc biệt để phòng chống lây lan cho người khác, cung cấp dịch rửa tay liên tục, các trường hợp vào cách ly sẽ ở cách xa nhau trong khoảng cách cho phép.
"Với nCoV thì tối thiểu là trên hai mét" - ông nói. Ngoài ra các biện pháp phòng ngừa cá nhân cũng được áp dụng triệt để.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân sẽ đưa vào cách ly tuyệt đối. Còn những người còn lại, kết quả âm tính, sẽ được đưa ra khỏi phòng cách ly ngay, dĩ nhiên là các bước khử khuẩn sẽ được áp dụng. Song song, nhân viên y tế cũng sẽ khử trùng phòng liên tục bằng các phương pháp chuyên môn.
TS Hùng khẳng định, con đường thứ nhất virus nCoV lây lan là tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn, con đường thứ hai là đụng chạm, sờ tay vào các chất trong vùng hầu họng của người bệnh, sau đó đưa lên mặt, vùng mũi miệng.
Ngoài ra, đụng chạm vào đồ dùng, bề mặt có virus rồi đưa lên mặt, mũi, mắt, miệng... cũng khiến nCoV tấn công bạn. Đấy là lý do vì sao các chuyên gia y tế khuyến cáo các gia đình, nhà trường, cơ sở... vệ sinh bề mặt nhà cửa, vật dụng để phòng tránh lây nCoV.
Chia sẻ về vấn đề virus này có lan truyền trong không khí không, TS Hùng khẳng định, trong y tế phân hai loại. Loại thứ nhất là giọt bắn, bắn trực tiếp từ người bệnh sang người tiếp xúc. Khả năng lây lan phụ thuộc vào việc giọt bắn đi tới đâu. Với nCoV, khoảng cách khoảng 2 mét. Trên 2 mét thì bạn có thể tránh được giọt bắn.
Loại thứ hai là khí dung. Kích thước và trọng lượng của một số loại virus rất nhẹ (như virus sởi), nó có thể lơ lửng trong không khí khi mình ho, nó có thể bị gió thổi bay từ chỗ này sang chỗ khác. Do đó khả năng lây nhiễm bệnh xa hơn, bán kính rộng lớn hơn.
Với nCoV, trọng lượng phân tử không đủ nhẹ để virus này bay trong không khí. Chỉ khi nào giọt bắn tiếp xúc trực tiếp với người lành thì mới có khả năng. Điều này cũng giải thích cho chuyện vì sao mang khẩu trang thông thường cũng có thể ngăn ngừa được, vì khẩu trang có thể cản được giọt bắn.