Mỗi người chung tay bảo vệ môi trường sống

Tháng 6, cùng với cả nước, tỉnh Long An bước vào cao điểm hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 05/6 và Tháng hành động Vì môi trường năm 2024.

Được biết, Ngày Môi trường Thế giới năm nay được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” (Land restoration, desertification and drought resilience) nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỉ người trên toàn thế giới.

Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44.000 tỉ USD). Tần suất và thời gian hạn đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ đề này càng có ý nghĩa khi thời gian qua, tỉnh Long An phải ban hành Quyết định công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, thuộc rủi ro thiên tai cấp độ 4. Các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai xâm nhập mặn như Cần Giuộc, Tân Trụ, Bến Lức, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân An; trong đó có hơn 8.000 hộ dân vùng hạ bị thiếu nước sinh hoạt.

Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 05/6 và Tháng hành động Vì môi trường năm 2024, UBND tỉnh đã hướng dẫn tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm phát động phong trào bảo vệ môi trường, cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm môi trường thông qua các chính sách, sáng kiến; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững;… trên địa bàn tỉnh.

Đây cũng là dịp cả hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý chất lượng môi trường đất, bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng. Qua đó, thu hút sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong suy nghĩ và hành động vì môi trường của mọi người.

Mỗi địa phương sẽ chủ động tổ chức, triển khai các hoạt động phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và sinh thái của từng vùng. Trong đó, tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm, bảo đảm các khu vực này phải được khoanh vùng; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định.

Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ hoặc bị hạn, mặn; nghiên cứu và áp dụng những giải pháp tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt của đất. Đặc biệt, các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển KT-XH, nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn chặt với các chương trình, dự án, sáng kiến có liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững.

Các cấp, các ngành tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và quy định về phân loại rác thải tại nguồn, bảo đảm chất thải phát sinh phải được xử lý theo các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường đất; đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường thông qua các chương trình xã hội như xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên của đất nước.

Mỗi người dân tích cực tham gia phong trào ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom rác thải nhựa, túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần, bảo vệ môi trường bằng các hành động thiết thực, hiệu quả./.

Tân An

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/moi-nguoi-chung-tay-bao-ve-moi-truong-song-a177151.html