Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ chống dịch

Chiều 2/8, Thường trực Chính phủ tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước về công tác phòng, chống COVID-19, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Tại điểm cầu Phú Yên, các đồng chí Lương Minh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các thành viên trong Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh.

Theo nhận định của Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, dịch bệnh tại TP Đà Nẵng có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 7 và đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm với 2 thời điểm có thể gây bùng phát dịch là từ ngày 5-8/7 và từ ngày 16-20/7. Tại Đà Nẵng, có nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau và còn nhiều trường hợp mắc bệnh khác đang ở ngoài cộng đồng. Việc truy vết F0 là rất khó khăn. Các ca bệnh được ghi nhận trong cộng đồng hầu hết có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch tại các bệnh viện ở Đà Nẵng. Thời gian vừa qua là cao điểm của mùa du lịch, có khoảng 1,4 triệu người đến Đà Nẵng từ ngày 1-29/7, trong đó có khoảng 46.000 người đến khám chữa bệnh tại 3 bệnh viện ở Đà Nẵng. Người đến Đà Nẵng từ 63 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Do vậy, nguy cơ xuất hiện ca bệnh tại các địa phương khác là rất cao, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Để chống dịch, công tác giám sát, kiểm soát dịch đã được tiến hành rốt ráo, song song đó là công tác thu dung, điều trị, xét nghiệm, truyền thông.

Trong thời gian tới, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ tiếp tục kiên định 5 nguyên tắc phòng, chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, đồng thời tiếp tục làm tốt công tác điều trị và thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”. Khẩn trương, tăng tốc truy vết các trường hợp đi/về từ Đà Nẵng từ ngày 1-28/7 và những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế; các trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành cách ly y tế phù hợp theo quy định, lấy mẫu xét nghiệm và theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Huy động các cơ sở có khả năng tiến hành xét nghiệm, thực hiện việc thanh toán BHYT cho xét nghiệm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, vật tư, thiết bị đảm bảo việc thu dung, điều trị các ca bệnh; phân luồng, phân tuyến tránh lây lan trong các cơ sở y tế; điều trị hiệu quả… Tăng cường năng lực, thành lập các tổ, đội giám sát cách ly, theo dõi sức khỏe người dân tại cộng đồng; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe và liên hệ để được xét nghiệm.

Tại chốt sàng lọc, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đo thân nhiệt và tìm hiểu yếu tố dịch tễ những người đến bệnh viện. Ảnh: YÊN LAN

Tại chốt sàng lọc, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đo thân nhiệt và tìm hiểu yếu tố dịch tễ những người đến bệnh viện. Ảnh: YÊN LAN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự cố gắng của ngành Y tế, các địa phương trong công tác chống dịch. Thủ tướng dự báo dịch sẽ lan rộng nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Vì vậy không được lơ là, chủ quan. Toàn hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là những vùng có dịch, coi chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, rốt ráo ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả. Tranh thủ từng giờ từng phút truy vết, giám sát. Không để xảy ra ổ dịch, nhất là trong các cơ sở y tế. Đối với các bệnh nhân nặng cần có cách xử trí tốt nhất để giảm tối đa nguy cơ tử vong. Kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế, thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế; xử lý nghiêm những ai tung tin giả gây hoang mang dư luận. Quản lý chặt chẽ biên giới…

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, lúc 6 giờ ngày 2/8, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc COVID-19, đến 18 giờ ghi nhận thêm 30 ca mắc, nâng tổng số ca mắc là 620, trong đó có 373 ca được điều trị khỏi, 5 ca tử vong.

Tại Phú Yên, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 tỉnh, đến 17 giờ cùng ngày, trên địa bàn tỉnh có 20 ca bệnh nghi ngờ. Cơ quan chuyên môn đã giám sát y tế 18.286 trường hợp, tăng 315 trường hợp so với ngày 1/8, hiện còn 2.518 người đang trong thời gian giám sát, trong đó có 20 người cách ly tại cơ sở y tế, 82 người cách ly tại cơ sở cách ly tập trung, 299 người cách ly tại nhà/nơi lưu trú, 2.117 người đang tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Đã lấy mẫu làm xét nghiệm 327 trường hợp, tăng 50 trường hợp so với ngày 1/8, trong đó âm tính 314 trường hợp, đang chờ kết quả 13 trường hợp.

Bình tĩnh, chủ động, kiên quyết ngăn chặn để đẩy lùi làn sóng thứ hai; kiên quyết không để dịch lây lan trên diện rộng. Lần này, dịch ở cấp độ mới, sẽ diễn ra trên diện rộng nếu ngăn chặn không hiệu quả. Vì vậy, mỗi người dân hãy là một chiến sĩ; mỗi ngôi nhà, thôn, xóm, khu phố, bản… là một pháo đài chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/242968/moi-nguoi-dan-hay-la-mot-chien-si-chong-dich.html