Mỗi người dân là một chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy
Với những diễn biến phức tạp, bất thường của thời tiết nắng nóng kéo dài cộng với nhu cầu sử dụng điện gia tăng dễ dẫn đến tăng nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Trước tình hình này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Châu Ái Việt, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy - Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Tiền Giang về thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
* PV: Trước tình hình cháy, nổ xảy ra gần đây, đồng chí đánh giá thế nào về công tác PCCC trên địa bàn tỉnh hiện nay?
* Thượng tá Châu Ái Việt: Thời điểm hiện tại đang là thời điểm mùa nắng nóng, hanh khô, đây cũng là khoảng thời gian thời tiết có nhiều diễn biến thất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ cao.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, xây dựng mạng lưới hệ thống cơ sở về PCCC, việc đầu tư cho PCCC còn chậm so với yêu cầu thực tế. Trong khi lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phải bảo vệ một phạm vi rộng, nên lực lượng và phương tiện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác PCCC&CNCH.
Đáng chú ý là công tác quy hoạch phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa thực hiện tốt các quy định của Luật PCCC, dẫn đến hạn chế trong hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác PCCC. Vấn đề đáng quan tâm nữa là tình trạng thiếu nguồn nước do nhiều kinh, mương bị san lấp, trong khi việc xây dựng hệ thống cấp nước chữa cháy tại chỗ chưa được quan tâm đúng mức.

Các đội tham gia Hội thi “Tổ liên gia an toàn PCCC”.
* PV: Đồng chí có thể chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà lực lượng PCCC&CNCH đang phải đối mặt khi xử lý các tình huống cháy phức tạp?
* Thượng tá Châu Ái Việt: Vấn đề đô thị hóa nhanh chóng khiến cho các loại hình cháy phức tạp ngày càng gia tăng, trong khi lực lượng PCCC&CNCH đang thiếu trang thiết bị xử lý tình huống cháy lớn tại nhà cao tầng, tầng hầm hay cơ sở hóa chất. Cán bộ, chiến sĩ PCCC&CNCH cũng ít có cơ hội tiếp cận với huấn luyện thực tế các tình huống phức tạp do thiếu mô hình mô phỏng.
Từ phía người dân và doanh nghiệp, tình trạng chủ quan, lơ là vẫn phổ biến. Nhiều người chưa nắm vững kiến thức PCCC cơ bản, đặc biệt trong sử dụng điện, gas… Việc tự ý cơi nới, lắp đặt thiết bị điện không an toàn vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng công tác PCCC, chưa đầu tư đủ trang thiết bị hoặc không bảo trì thường xuyên, trong khi công tác tự kiểm tra thường mang tính hình thức.
* PV: Qua điều tra, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy là gì? Đâu là những điểm yếu cần khắc phục, thưa đồng chí?
* Thượng tá Châu Ái Việt: Qua điều tra, nguyên nhân chủ quan là chiếm tỷ lệ cao nhất với sự sơ suất, bất cẩn trong sử dụng lửa, điện và vật dễ cháy, đặc biệt là liên quan đến thiết bị điện, chỉ vài giây lơ là đã có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, việc vi phạm quy định an toàn và thiếu ý thức trách nhiệm cũng là nguyên nhân phổ biến. Về khách quan, chúng tôi ghi nhận các sự cố kỹ thuật khi vận hành thiết bị, yếu tố thiên tai như sét đánh và tác động từ con người như mâu thuẫn dẫn đến phá hoại.
Để khắc phục, các gia đình cần trang bị phương tiện PCCC, hướng dẫn thành viên sử dụng đúng cách, thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, tắt van gas sau khi dùng, và đảm bảo khoảng cách an toàn từ bát hương đến trần nhà ít nhất 2 m khi cúng bái vào dịp lễ, tết. Còn đối với cơ quan, doanh nghiệp, việc niêm yết nội quy, trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy và tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn cho nhân viên là yêu cầu cấp thiết.
* PV: Đồng chí cho biết, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã và đang triển khai những biện pháp cụ thể nào để tăng cường công tác PCCC trên địa bàn tỉnh?
* Thượng tá Châu Ái Việt: Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quan trọng. Trước hết là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC bằng nhiều hình thức, tập trung vào hướng dẫn phòng cháy trong sinh hoạt hằng ngày, sử dụng điện, hàn cắt kim loại, kinh doanh xăng, dầu, khí đốt và thắp hương thờ cúng.
Cùng với đó, chúng tôi tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nguy cơ cháy nổ cao chấp hành nghiêm các quy định, tổ chức tốt việc thường trực, tuần tra canh gác, đặc biệt vào ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính và ban đêm. Chúng tôi cũng tổ chức cho các hộ kinh doanh tại chợ, trung tâm thương mại và khu dân cư ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC.

Công nhân, viên chức, lao động tham gia Hội thi ATVSLĐ-PCCN tỉnh Tiền Giang lần thứ 25, năm 2025.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, củng cố phương án chữa cháy, cứu nạn, xử lý tình huống cháy nổ phức tạp. Chúng tôi chủ động xây dựng phương án và bố trí lực lượng, phương tiện đảm bảo an toàn tại các sự kiện chính trị và nơi tập trung đông người; đồng thời, tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu để kịp thời xử lý hiệu quả các vụ cháy nổ.
Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra an toàn PCCC tại các địa bàn trọng điểm và cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như vũ trường, quán karaoke, chung cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất may mặc, kho hàng hóa, xăng, dầu và các cơ sở trong khu công nghiệp. Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC.
* PV: Đồng chí có những cảnh báo, khuyến cáo gì cho người dân và doanh nghiệp để chủ động phòng ngừa cháy nổ, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết nắng nóng như hiện nay?
* Thượng tá Châu Ái Việt: Mùa hanh khô hiện nay cũng như sắp tới rất dễ xảy ra cháy nổ, đặc biệt tại khu dân cư đông đúc và cơ sở sản xuất. Đối với hộ gia đình, cần thường xuyên tự kiểm tra các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống dây dẫn điện, cải tạo hệ thống dây đã cũ và lắp đặt các thiết bị bảo vệ, đặc biệt là các thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Khi thiết kế và lắp đặt hệ thống điện, cần đảm bảo phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, sử dụng thiết bị điện có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, tránh đấu nối điện tùy tiện và tuyệt đối không dự trữ xăng, dầu, khí đốt trong nhà ở.
Mỗi gia đình nên niêm yết quy định sử dụng điện, không sạc điện thoại, máy tính, xe điện qua đêm và luôn kiểm tra nơi đun nấu, thờ cúng trước khi ra ngoài hoặc đi ngủ. Hãy thận trọng khi sử dụng lửa, giữ khoảng cách an toàn giữa vật liệu dễ cháy và nguồn nhiệt, không sử dụng nhiều thiết bị điện trên cùng một ổ cắm.
Mỗi gia đình cần trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và dụng cụ phá dỡ, đồng thời chuẩn bị phương án thoát nạn. Nếu đã lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà, phải đảm bảo có cửa thoát hiểm. Khi có cháy, cần nhanh chóng báo động, ngắt điện, tổ chức thoát nạn và sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu, đồng thời gọi ngay số 114 hoặc cơ quan Công an gần nhất.
Đối với cơ quan, doanh nghiệp, cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, nhân viên thực hiện nội quy PCCC, kiểm tra an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khắc phục kịp thời các sơ hở, thiếu sót. Việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt và sắp xếp vật tư, hàng hóa cần đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.
Các doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các trang thiết bị PCCC, tăng cường tuần tra, đảm bảo đủ lực lượng PCCC cơ sở; đồng thời, xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn với nhiều tình huống giả định.
Đặc biệt đối với mỗi người dân cần phải là một chiến sĩ PCCC, có ý thức và trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn, biết cách phòng ngừa và ứng phó với các tình huống cháy nổ. Chỉ có sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân, cơ quan, doanh nghiệp và lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH mới có thể giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy nổ gây ra.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
TUẤN LÂM (thực hiện)