Mỗi người Việt Nam dùng 2.425 kWh điện, miền Bắc lại đối diện nguy cơ thiếu 2.000 MW
Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên một người dân năm 2022 ước đạt 2.425 kWh/người, tăng 1,55 lần so với năm 2015.
Con số này được đại diện Tập đoàn Điện lực EVN đưa ra tại hội nghị tiết kiệm điện mùa nắng nóng do Văn phòng Ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) và Cục Điều tiết Điện lực tổ chức.
EVN cũng cho biết, nhu cầu sử dụng điện toàn quốc tăng cao đột biến (ngày 19/5/2023 đạt kỷ lục mới 918,5 triệu kWh, tăng 12,34% so với cùng kỳ). Công suất tiêu thụ cực đại ngày này cũng lên tới 43.300 MW (tăng 9,12% so với cùng kỳ).
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN thông tin thêm, nhu cầu tiêu thụ điện (điện thương phẩm) giai đoạn 2016-2022 tăng trưởng bình quân 7,72%/năm, trong đó trong 4 năm 2016-2019 tăng trưởng 9,6%/năm.
“Hệ thống điện đã đối mặt với khủng hoảng về mất cân bằng cung cầu điện vào các tháng 5 và 6 vừa qua, đặc biệt là khu vực miền Bắc, khi nhu cầu sử dụng điện toàn quốc tăng đột biến", ông Lâm nhấn mạnh.
Trong bối cảnh này, theo tính toán của EVN, khi nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất, mở rộng nhà máy, khu công nghiệp nên trong các năm 2024- 2025, nguồn điện cần bổ sung là từ 4.000 - 5.000 MW. Trong khi đó, công suất bổ sung lại thấp hơn so với nhu cầu, dẫn đến thiếu điện.
Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng ban Kinh doanh EVN, nói: "Khu vực phía Bắc vốn có phụ tải tăng trưởng cao nên có thể thiếu tối đa gần 2.000 MW công suất trong các năm 2024-2025".
Yêu cầu tiết kiệm điện vì thế rất cấp bách, đòi hỏi thực hiện ở nhiều nhóm ngành gồm: hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương cũng khuyến cáo: "Các hành động của chúng ta cần đi trước đón đầu và liên tục khi biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó dự báo, khó lường trước trong tương lai và nhu cầu phụ tải được dự báo sẽ phục hồi trở lại”.
Khắc phục thiếu hụt điện cách nào?
Theo ông Trần Viết Nguyên, nhiệm vụ cấp bách được EVN đặt ra là phải tiếp tục thực hiện mục tiêu tiết kiệm 2% nhu cầu tiêu thụ, giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện xuống dưới 6% trong giai đoạn tới năm 2025.
Bên cạnh đó, giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025; phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những chính sách quan trọng hàng đầu đã được Đảng và Nhà nước chỉ đạo, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên nhiên liệu trên thế giới đều tăng cao như hiện nay.
Đẩy nhanh các dự án đã được phê duyệt, có cơ chế để phát triển nhanh các dự án điện khí LNG, bổ sung nhanh các nguồn điện cho khu vực phía Bắc như điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, điện gió trên đất liền và điện gió ngoài khơi...
Cùng với đó, tập trung triển khai đường dây 500kV mạch 3 từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc. Như vậy, các tháng mùa khô năm 2025 có thể bổ sung khoảng 3.000 MW từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc.