Mối nguy hại cho sức khỏe từ các cuộc thi uống rượu bia
Thời gian gần đây, một số nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn tỉnh tổ chức cuộc thi uống rượu, bia để chọn ra những người uống được nhiều nhất trong thời gian nhanh nhất. Trong các cuộc thi này, ai uống được càng nhiều bia rượu sẽ được thưởng càng lớn với danh hiệu... 'thần cồn'. Đây là hành vi gây nhiều tổn hại cho sức khỏe người tham gia, đồng thời gây hiệu ứng tiêu cực cho xã hội…
Cách đây không lâu, mạng xã hội rầm rộ phát trực tiếp, video và ảnh về một cuộc thi tại TP Đông Hà: thi uống bia. Cùng với đó là hình ảnh một số thanh niên trẻ mỗi người ngồi một bàn đang cố gắng uống tới tấp những chai bia được ướp lạnh trong các xô đá.
Tại cuộc thi này, thử thách được đưa ra cho những người tham gia là uống hết 12 chai bia trong thời gian nhiều nhất là 45 phút. Người hoàn thành thử thách sẽ được nhận giải thưởng là tiền mặt cùng với danh hiệu “thần cồn”. Không rõ mục đích chính của cuộc thi này là gì nhưng hậu quả của việc uống nhiều bia rượu trong thời gian ngắn gây ra cho sức khỏe thì rất rõ ràng.
Theo các chuyên gia y tế, con người có khả năng bị ngộ độc khi uống một lượng lớn thức uống có cồn và nhiều mối nguy hại khác cho sức khỏe. Việc nạp dồn dập bia rượu khiến nồng độ cồn trong máu tăng lên đột ngột dẫn đến cơ thể không kịp đào thải.
Đó là lý do những cuộc so tài “truy tìm thần cồn” treo giải thưởng lớn thu hút nhiều người nhưng đa phần người chơi nôn ói, bỏ cuộc ngay trên bàn nhậu vì không thể tiếp tục uống.
Bia rượu là chất kích thích nên người dùng dễ bị rối loạn hành vi, say xỉn. Điều này gây mất kiểm soát trong suy nghĩ, hành động, nhất là khi lái và tham gia giao thông sẽ dễ gây tai nạn đáng tiếc.
Ngoài những tác hại dễ nhận thấy ngay sau khi uống bia rượu như: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi; chất cồn trong những đồ uống này còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gây ra tác hại mà người dùng không ngờ tới. Rượu bia làm giảm khả năng tấn công vi khuẩn và phòng ngừa bệnh tật của hệ miễn dịch, vì thế người say rượu rất dễ bị cảm hoặc trúng gió.
Cơ quan dễ tổn thương nhất khi dùng nhiều bia rượu là gan. Việc nạp dồn dập thức uống kích thích này vào cơ thể khiến gan không chuyển hóa được chất độc, làm các độc tố bị ứ đọng trong cơ thể, từ đó dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan…
Ngoài các bệnh lý về gan, những người uống nhiều rượu bia còn phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề về sức khỏe như bệnh lý tim mạch, gút, viêm loét dạ dày - tá tràng, tiểu đường, cao huyết áp... gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội.
Trở lại thực tế các cuộc “truy tìm thần cồn”, đa phần người tham gia đều đang rất trẻ, khỏe. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao những bạn trẻ này không tham gia các cuộc thi khác có ý nghĩa hơn, giải thưởng lớn hơn? Nếu không có ai đứng ra tổ chức thì sẽ không có hình ảnh những thanh niên chân bước không vững lên nhận giải thưởng dưới sự vỗ tay tán thưởng của nhiều người. Đằng sau cuộc vui sẽ đọng lại gì nếu một trong số những “thí sinh” đó vì uống quá nhiều nên khi tham gia giao thông sẽ gây tai nạn.
Hoặc trường hợp uống rượu, bia quá nhiều bị ngộ độc, tổn hại sức khỏe nghiêm trọng phải nhập viện điều trị, có khi dẫn đến tử vong. Rượu, bia còn là chất gây nghiện, khiến con người không thể tự kiểm soát. Nạp lượng bia rượu trong thời gian ngắn như các cuộc so tài về tửu lượng có thể khiến người uống mê man, bất tỉnh và gặp những tổn thương khó hồi phục.
Thiết nghĩ, nếu không ngăn chặn kịp thời những cuộc thi vô bổ này sẽ vô tình tạo điều kiện, cổ vũ, khuyến khích hành vi tiêu cực, phản cảm trong đời sống. Nguy hiểm hơn, giới trẻ sẽ bị tổn hại đến sức khỏe bản thân, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển giống nòi.
Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ HealthBridge tại Việt Nam, mỗi năm cả nước ta tiêu thụ khoảng 3 tỉ lít bia, 200 triệu lít rượu. Đáng lưu ý khi có đến 70% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại.
Bất kể dịp gì, từ các buổi liên hoan cho đến các đám hiếu, hỷ và thậm chí trong cả các bữa cơm hàng ngày người ta vẫn uống bia rượu như một nhu cầu tất yếu. Nguy hại hơn, nhiều người vẫn nghĩ cứ uống cho vui, say rồi lại tỉnh có gì mà sợ.
Chính sự coi nhẹ này một phần lý giải vì sao tỉ lệ mắc các bệnh liên quan đến rượu bia, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện do tai nạn có nồng độ cồn trong máu cao ở nước ta ngày càng gia tăng. Các y, bác sĩ hằng ngày điều trị những ca bệnh nặng, bệnh lý khó từ rất nhiều bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu bia.
Để giảm áp lực cho ngành y tế cũng như vì một xã hội mà công dân khỏe mạnh, tích cực hơn, nên chăng cần ngăn chặn những cuộc tìm kiếm “thần cồn” để tránh lây lan thành trào lưu. Giới trẻ cần tìm những hoạt động bổ ích, nâng cao sức khỏe thay vì tham gia các cuộc thi vô bổ để cổ vũ uống rượu bia.
Hiện nay, ngành y tế phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tác hại của rượu bia.
Các mức xử phạt hành chính đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông cũng cao hơn so với trước đây. Vì vậy, hãy hạn chế sử dụng bia, rượu và có ý thức, trách nhiệm hơn đối với bản thân, gia đình và xã hội.