Mối nguy hại của bánh tráng trộn bán tràn lan ngoài cổng trường
Bánh tráng trộn món ăn hè phố đang được các bạn trẻ ưu chuộng, thích thú với những nguyên liệu gần gũi được pha trộn lại với nhau thành món ăn ngon miệng bắt mắt.
Bánh tráng và các sản phẩm từ bánh tráng là món ăn được nhiều người ưa thích và được bán nhiều tại các cổng trường học. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có nhiều sản phẩm không có ngày sản xuất, hạn sử dụng… ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các loại bánh tráng trộn gồm bánh tráng muối, bánh tráng bơ, bánh tráng trộn sa tế, bánh tráng trộn thập cẩm… với nguyên liệu chính là bánh tráng khô cắt sợi, các món đi kèm là trứng cút luộc, khô bò, khô mực. Gia vị gồm có nước mắm me, rau răm, ớt bột, lạc, bò, xoài xanh… với giá khá rẻ, chỉ từ 5-15 nghìn đồng/bịch.
Chị Nguyễn Thị Huệ (45 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị mua sẵn tất cả nguyên liệu rồi bày ra để bán theo nhu cầu của khách. Chị mới bán bánh tráng trộn quanh các cổng trường học được 3 năm nay nhưng chị ít khi thấy có khách hỏi về hạn sử dụng của món này mà chỉ quan tâm xem có đủ nguyên liệu để trộn không.
"Vốn bỏ ra với mặt hàng này rất ít, chỉ vài trăm nghìn đồng là tôi có thể bán được 3-4 ngày và mỗi ngày thu lời 200-300 nghìn đồng. Mực khô, bò khô xé sợi cũng có giá siêu rẻrồi trộn lẫn với các gia vị khác đi kèm, ăn vừa dai và đậm vị nên các cháu học sinh rất thích.
Tôi bán ở một số cổng trường đã 3 năm nay chưa cháu nào phản ánh bị đau bụng hay có vấn đề gì nên tôi vẫn tự tin để bán", chị Huệ chia sẻ.
Trong khi đó, để tìm hiểu về sự thật của những nguyên liệu làm bánh tráng trộn, chị Nguyễn Thị Bích (39 tuổi, Hà Nội) cho biết, con gái chị rất thích bánh tráng trộn nên chị thường ra chợ tự mua các nguyên liệu về để chế biến chứ không mua sẵn ở các cổng trường học.
"Mặc dù chỉ làm cho con gái ăn thôi nhưng chỉ tính riêng nguyên liệu cũng mất đến hơn 100 nghìn đồng mới làm được 2 đĩa bánh tráng trộn cho con ăn. Từ mực khô, bò khô, trúng cút, xoài xanh và các gia vị khác đi kèm, mỗi loại chỉ một ít thôi cũng mất chừng đó tiền rồi.
Trong khi ở những xe bán hàng rong trước cổng trường chỉ bán 10-15 nghìn đồng/bịch như thế chẳng qua họ toàn dùng mực khô giả được làm từ bã sắn hay bò khô giả rồi tẩm ướp gia vị, phẩm màu cho giống hàng thật thôi.
Tôi từng được ăn thử khi con gái tôi mua ở cổng trường mang về rồi nên tôi biết. Ăn miếng mực khô hay bò khô là thấy ngay, không hề có vị ngọt tự nhiên mà rất bở, lờ lợ", chị Bích nói.
Cũng theo chị Bích, để tiết kiệm chi phí, nhiều người bán hàng còn tự tay làm nên những loại sốt bằng cách tái chế dầu ăn thải không rõ nguồn gốc trộn chung với ớt khô xay, cho vào lọ sẽ thành món sa tế thơm cay nức mũi.
Món sốt me cũng ra đời theo cách tương tự này. Chúng đều được đựng trong các chai lọ lớn nhỏ khác nhau không nhãn mác hay dùng từ các chai lọ tái chế.
"Chưa kể những món này có vị chua ngọt, bày bán cổng trường hay các vỉa hè đường phố bụi bẩn hay ruồi muỗi đậu rồi lại cho vào miệng ăn như vậy là rất mất vệ sinh. Chính vì lý do đó mà tôi không cho con gái mua bánh tráng trộn bên ngoài mà mỗi tuần tự tay làm cho con ăn một lần", chị Bích chia sẻ thêm.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ các bậc phụ huynh nên hạn chế cho con ăn những món ăn vỉa hè và nên ăn ở những quán ăn có uy tín, chất lượng. Đây cũng là món ăn dễ làm do đó, bạn có thể tự tay chế biến tại nhà để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe.