Mối nguy hại từ hạt bụi siêu độc sau bão lửa ở Los Angeles

Chuyên gia cảnh báo khói từ các vụ cháy rừng tàn khốc tại Los Angeles khiến không khí ô nhiễm nghiêm trọng, gây nguy hiểm tới sức khỏe con người khi bụi mịn xâm nhập vào máu và phổi.

 Các đám cháy rừng ở Los Angeles (bang California, Mỹ) đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 24 người và thiêu rụi hơi 100.000 công trình. Ảnh: Reuters.

Các đám cháy rừng ở Los Angeles (bang California, Mỹ) đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 24 người và thiêu rụi hơi 100.000 công trình. Ảnh: Reuters.

Các đám cháy rừng ở Los Angeles (bang California, Mỹ) đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 24 người và thiêu rụi hơi 100.000 công trình. Ngoài hiểm họa từ lửa trong đám cháy, một mối nguy hiểm trực tiếp khác cũng đang rình rập người dân nơi đây: Khói.

Thành phần nguy hiểm nhất trong khói do cháy rừng là bụi mịn, còn gọi là PM2.5. Nếu hít phải những hạt này - chỉ bằng 1/20 sợi tóc người, chúng có thể xâm nhập vào máu và phổi. Ước tính khoảng 1/3 trường hợp ô nhiễm vật chất dạng hạt ở Mỹ hiện nay đến từ khói do cháy rừng.

“Khói từ cháy rừng cực kỳ độc hại với phổi, độc hơn khói thông thường, vì nồng độ bụi mịn”, Don McKenzie - Phó giáo sư tại khoa Khoa học Môi trường và Lâm nghiệp của Đại học Washington - cho biết.

“Những người bị suy giảm chức năng phổi có nguy cơ tổn thương cao hơn”, ông nói thêm. “Tổn thương do tiếp xúc với khói ở bất kỳ dạng nào đều tích tụ theo thời gian, đặc biệt khi tiếp xúc với bụi mịn ở nồng độ cao, vì chúng có khả năng lọt vào những không gian nhỏ bên trong phổi”.

Đặc biệt nguy hiểm với một số nhóm

Ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng của khoảng 100.000 người ở Mỹ mỗi năm. Nhiều ca tử vong do hít phải khói trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, gỗ và các vật liệu khác thải độc tố vào trong không khí.

Khói từ cháy rừng đặc biệt nguy hiểm với một số nhóm nhất định, như người có bệnh nền như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), phụ nữ có thai, người thu nhập thấp hoặc vô gia cư, hay trẻ nhỏ có hệ hô hấp vẫn trong quá trình phát triển.

 Thành phần nguy hiểm nhất trong khói do cháy rừng là bụi mịn, còn gọi là PM2.5. Ảnh: Reuters.

Thành phần nguy hiểm nhất trong khói do cháy rừng là bụi mịn, còn gọi là PM2.5. Ảnh: Reuters.

“Dù mức chỉ số chất lượng không khí ở LA đạt đến mức nguy hại cho mọi người, chúng tôi đặc biệt lo ngại về tình trạng tiếp xúc quá nhiều với khói ở một số nhóm hoặc có khả năng bị ảnh hưởng sức khỏe do cháy rừng”, Claire Schollaert - chuyên gia từ Trường Y tế Công cộng Fielding thuộc UCLA - nói.

Năm 2023, New York chứng kiến số ca cấp cứu tăng, nhiều ca liên quan tới hen suyễn, khi khói xâm nhập vào thành phố từ các vụ cháy rừng ở Canada. Song New York chỉ bị khói bao trùm vào thời điểm đó chứ không có cháy, nên những người cần chăm sóc y tế vẫn dễ dàng tới bệnh viện.

Còn tại Los Angeles, do các tòa nhà chìm trong biển lửa, nhiều cơ sở bị hư hại và nhân viên y tế không thể làm việc, gây khó khăn cho những bệnh nhân cần chăm sóc khẩn cấp.

Chưa thể đánh giá toàn bộ mức độ nguy hiểm

Joel Kaufman - giáo sư về sức khỏe môi trường và y học tại Đại học Washington - nhận định khó dự đoán về tác động của một vụ cháy rừng ở khu vực đô thị như Los Angeles tới chất lượng không khí.

“Điểm khác biệt trong vụ cháy này là chúng ta không rõ mức độ độc hại của khói từ những vật liệu nhân tạo và các tòa nhà. Những thứ bị thiêu rụi - như doanh nghiệp hoặc nhà dân - không giống vật liệu trong một vụ cháy rừng thông thường. Một số chất phát tán vào không khí có thể gây độc hại, nhưng hiện tại chúng ta vẫn chưa hiểu rõ mức độ nguy hiểm của chúng”, ông lý giải.

Giới chức khuyến cáo những người gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, đau ngực hoặc chóng mặt cần tìm ngay tới các cơ sở y tế. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh các trường hợp chưa khẩn cấp thì không nên tới phòng cấp cứu, để dành nguồn lực cho những ai nguy kịch hơn.

Hạt Los Angeles và các khu vực xung quanh đã ban hành "cảnh báo không đốt", cấm cư dân đốt gỗ, kể cả trong lò sưởi, để giảm lượng khói trong không khí.

 Khói bốc lên từ đám cháy rừng ở khu phố Pacific Palisades, phía tây Los Angeles hôm 7/1. Ảnh: Reuters.

Khói bốc lên từ đám cháy rừng ở khu phố Pacific Palisades, phía tây Los Angeles hôm 7/1. Ảnh: Reuters.

Gió Santa Ana, với vận tốc lên tới 112 km/h, như một con dao hai lưỡi. Những luồng gió mạnh khiến lửa lan khắp Los Angeles, song cũng thổi bớt khói về phía đại dương và xa khỏi các khu dân cư.

Tuy nhiên, dựa vào gió để làm sạch không khí không phải là một chiếc lược bền vững. Nhiều tổ chức đã vận động suốt nhiều năm, trong đó có Moms Clean Air Force - một cộng đồng hơn 1,5 triệu phụ huynh chống lại ô nhiễm không khí và khí hậu để bảo vệ sức khỏe trẻ em.

"Một trong những hoạt động lớn nhất chúng tôi làm trong năm qua là chung tay với các nhóm vì môi trường khác, kiến nghị Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ phân loại khói từ cháy rừng là thảm họa. Động thái này có thể mở đường cho nỗ lực hỗ trợ những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi khói do cháy rừng”, Elizabeth Bechard - Giám đốc y tế công cộng của Moms Clean Air - cho biết.

Theo các chuyên gia, khói từ cháy rừng cũng trì hoãn tiến trình khắc phục ô nhiễm không khí. Khi biến đổi khí hậu khiến các vụ cháy rừng trở nên trầm trọng hơn, khói từ đó sẽ hủy hoại nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí từ năng lượng sạch.

“Ngoài nỗi đau về mất mát về tài sản và tàn phá cuộc sống, chúng ta sẽ chứng kiến các vụ cháy rừng như thế này đẩy lùi những năm tháng nỗ lực làm sạch không khí tại LA ra sao”, ông Kaufman nói.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/moi-nguy-hai-tu-hat-bui-sieu-doc-sau-bao-lua-o-los-angeles-post1524797.html