Mối nguy từ người nghiện trong cộng đồng

Đã nhiều ngày trôi qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết của nữ sinh Học viện Ngân hàng bị 2 đối tượng nghiện ma túy sát hại dã man vào ngày 23-10, để có tiền mua ma túy sử dụng. Mối nguy hiểm từ những người nghiện không được quản lý thực sự đáng báo động khi hàng loạt vụ thảm án do người nghiện ma túy gây ra trong thời gian qua. Vì cơn nghiện, nhiều đối tượng sẵn sàng sát hại người vô tội, thậm chí với cả những người sinh thành ra mình.

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mức, dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội trong thời gian qua vô cùng nghiêm trọng.

Những năm gần đây,người nghiện được coi là người bệnh và nghiêm cấm việc kỳ thị, đối xử bất bình đẳng. Nhưng rõ ràng, người nghiện ma túy là đối tượng rất dễ dàng vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, an toàn trong cộng đồng.

Thống kê của Bộ Công an, cả nước có trên 250 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý, trên thực tế, số người nghiện gấp nhiều lần con số này. Đáng lo ngại là từ năm 2009 đến nay, mỗi năm có thêm trên 10 nghìn người nghiện. Đây là nguyên nhân dẫn đến số vụ việc liên quan tới người sử dụng ma túy trái phép như trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, tự sát, giết người... gia tăng về cả số vụ và tính chất nghiêm trọng.

Mặc dù đạt được những kết quả khá tích cực, song công tác cai nghiện hiện nay vẫn còn bất cập, khi năng lực cai nghiện của các cơ sở trong cả nước mới đáp ứng được 10% số người nghiện; hiệu quả cai nghiện thấp, 90% người tái nghiện sau cai nghiện.

Các chuyên gia chỉ ra, nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự. Đặc biệt, người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ án nghiêm trọng, gây hoang mang trong dư luận nhân dân. Trong khi pháp luật chưa có quy định về quản lý đối tượng này.

Mặt khác, người sử dụng trái phép chất ma túy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị phạt hành chính, mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định chỉ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đủ 18 tuổi trở lên, trong khi đối tượng nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa. Điều này làm giảm tính răn đe, cũng là nguyên nhân dẫn đến số người nghiện ngày càng tăng.

Trước những bất cập trong công tác quản lý người nghiện, dư luận cho rằng, cần xác định người nghiện ma túy không thể coi là người bệnh bình thường, nghiện ma túy rõ ràng là vi phạm pháp luật, vì cấm mà còn sử dụng. Nếu chế tài pháp luật không cương quyết thì rất khó kiềm chế được tệ nạn ma túy.

Dưới góc nhìn giám sát thực thi luật, một số đại biểu Quốc hội đồng tình với chính sách cai nghiện theo hướng tạo điều kiện cho người nghiện cai nghiện tự nguyện, nhưng nếu người nghiện vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì pháp luật phải có quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đồng thời, làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc quản lý người nghiện, vì việc quản lý nhà nước về người nghiện ma túy hiện đang được giao cho 6 bộ, ngành cùng chính quyền địa phương.

Thiết nghĩ, pháp luật cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống ma túy, nhất là quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/moi-nguy-tu-nguoi-nghien-trong-cong-dong-post434911.html