Mối nguy từ sự chủ quan

Nhìn những tấm ảnh du khách đông nghẹt tại quần thể chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam trong ngày 14-3, nhiều người bỗng dội lên cảm giác lo nhiều hơn vui.

Vui là những ngày qua tình hình dịch Covid-19 đã có phần lắng dịu, một số địa phương cho mở lại các hoạt động dịch vụ thiết yếu, các sinh hoạt của người dân từng bước trở lại bình thường. Nhưng lo là tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn có diễn biến phức tạp, một số nước có số ca mắc Covid-19 tăng trở lại.

Du khách chen chúc tại quần thể chùa Tam Chúc trong ngày 14-3 Ảnh: THANH TUẤN

Du khách chen chúc tại quần thể chùa Tam Chúc trong ngày 14-3 Ảnh: THANH TUẤN

Dĩ nhiên, không vì sợ hãi một cách vô lối mà chúng ta đóng cửa, ngưng trệ các hoạt động. Quan điểm thực hiện mục tiêu kép trong phòng chống dịch Covid-19 vẫn nhất quán từ trước đến nay và linh hoạt theo từng thời điểm, từng địa phương để có hình thức phòng chống thích hợp. Đồng thời phải tuân thủ thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế về nguyên tắc 5K.

Do đó, khi dịch lắng xuống, các địa phương sẽ linh hoạt quyết định cho phép hoạt động trở lại các địa điểm, khu vực, dịch vụ nhất định. Từ ngày 8-3, một số địa phương đã quyết định cho phép các cơ sở tôn giáo, thờ tự, các di tích văn hóa - lịch sử, điểm du lịch trên địa bàn được hoạt động trở lại. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND TP về việc quản lý trên địa bàn. Tại Bắc Ninh, UBND tỉnh yêu cầu các sự kiện văn hóa chỉ được tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội và phải bảo đảm khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 1 m...

Nhưng nhìn vào thực tế ở chùa Tam Chúc, nườm nượp người và người chen chúc, chật chội, không thể không gợn lên cảm giác âu lo. Theo đại diện của Ban Trụ trì chùa Tam Chúc, trong 2 ngày 13 và 14-3, chùa đón khoảng 70.000 du khách.

Dù Ban Quản lý Khu Du lịch Tam Chúc yêu cầu du khách khai báo y tế, cấp phát khẩu trang miễn phí, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, loa phát thanh liên tục nhắc nhở người dân đeo khẩu trang và đứng giãn cách nhưng có rất nhiều người không đeo khẩu trang và chen chúc nhau trong lúc đi chùa. Tương tự, là cảnh tại chùa Hương, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.

Trong ngày 13-3, chùa mở cửa trở lại và đón hàng vạn du khách. Dù Ban Quản lý khu thắng cảnh chùa Hương đã thông báo về những điều phải tuân thủ như: không sử dụng đò máy chở khách, nhắc nhở du khách đeo khẩu trang nhưng vẫn còn đò máy chạy "chui" và rất nhiều người không đeo khẩu trang...

Nhìn những cảnh này, ai cũng mong đừng xảy ra điều gì xui xẻo, bởi một bất trắc nào cũng sẽ phải trả giá rất đắt và hậu quả khó lường. Cả nước có gần 8.000 lễ hội mỗi năm, những năm qua đã dẹp được nhiều lễ hội phù phiếm, vô bổ và khi có dịch Covid-19, nhiều lễ hội lớn nhỏ ở các địa phương đã không tổ chức. Việc này cũng góp phần vào thành công của cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua.

Trong cuộc chiến này, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta không run sợ, kiên trì chiến lược chống dịch, vận dụng linh hoạt sáng tạo và trên hết là sự ủng hộ của nhân dân. Tuy nhiên, phải luôn luôn cảnh giác vì không ai có thể chắc chắn ở Việt Nam không có mầm bệnh. Trong khi phải sẵn sàng ứng phó với các tình huống, cấp độ dịch có thể xảy ra thì hãy luôn nâng cao cảnh giác, không thể chủ quan, buông lỏng, lơ là. Đừng vì sự bất cẩn nhất thời mà gieo đại họa.

HOÀNG LONG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/moi-nguy-tu-su-chu-quan-20210315223856081.htm