Mối nguy từ văn hóa cuồng nghệ sĩ ở Trung Quốc
Cùng với hành vi sai phạm của nghệ sĩ, văn hóa đeo bám thần tượng đến cuồng loạn cũng là vấn đề nan giải mà Trung Quốc đang phải tìm hướng giải quyết.
Năm 2017, Cung Ngọc Văn trở thành tâm điểm tranh cãi trong văn hóa fandom Trung Quốc với hành trình "săn" người nổi tiếng của mình.
Cô gái 18 tuổi, nghỉ học và không đi làm thêm, tốn hàng giờ đồng hồ mỗi ngày chỉ để vật vờ ở sân bay quốc tế Hồng Kiều, Thượng Hải. Tại đó, cô nằm chờ những ngôi sao với hy vọng được chụp chung bức ảnh. Đôi khi Ngọc Văn còn đuổi theo họ trong nhà ga, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng an ninh.
Nhưng điều bất thường là, Ngọc Văn không trung thành với một hoặc một vài người nổi tiếng. Cô tự gọi mình là "người hâm mộ hết lòng" và bằng mọi cách bám lấy bất kỳ diễn viên, ca sĩ nào mà cô có thể tiếp cận.
Theo South China Morning Post, sau khi ca sĩ Viên Thành Kiệt nhầm Ngọc Văn với fan "ruột" của anh và chia sẻ bức ảnh họ chụp chung lên mạng xã hội, hàng trăm bình luận đã chỉ trích cô gái này là kẻ chuyên theo dõi ngôi sao.
Kênh truyền thông xứ Trung gọi Ngọc Văn bằng tên châm biếm "Diva Hồng Kiều", và ngay lập tức, cuộc sống cá nhân của cô bị đảo lộn. Thành tích học tập kém, thất nghiệp và sống dựa dẫm vào ông bà ngoại... những thông tin ấy tràn ngập mặt báo khiến Ngọc Văn bị khủng hoảng.
Cung Ngọc Văn là ví dụ điển hình cho sự vượt quá giới hạn của một bộ phận fandom Trung Quốc. Và trớ trêu thay, sau nhiều năm từ người đi săn thần tượng, cô lại trở thành đối tượng bị theo dõi.
Những hành vi khó chấp nhận
Theo South China Morning Post, văn hóa người hâm mộ Trung Quốc ngày càng bất cập và biến tướng do sự bùng nổ của điện ảnh, chương trình truyền hình tìm kiếm và đào tạo thần tượng.
Thực tế trên dẫn đến việc ngôi sao càng dễ được quan tâm, và những người yêu mến họ càng cảm thấy bị thu hút, muốn tìm cách tiếp cận.
Vài năm qua, các chuyên gia, nhà quan sát đã lên tiếng kêu gọi cơ quan chức trách đàn áp những kẻ theo dõi quá mức người nổi tiếng. Trong giới giải trí, đối tượng này được gọi là "sasaeng" (hiểm nôm na là fan cuồng).
Ngày 15/7, công ty quản lý Yuehua Entertainment thông báo Vương Nhất Bác bị gắn thiết bị theo dõi trên xe. Thiết bị này khá tinh vi, có thể nghe lén và ghi hình nam nghệ sĩ mọi lúc. Qua điều tra, cảnh sát đã tóm được hai thủ phạm là Lý (nữ, 25 tuổi) và Trương (nữ, 24 tuổi).
Tại đồn cảnh sát, họ thừa nhận hành vi sai trái nhưng giải thích rằng "chỉ muốn theo đuổi thần tượng". Tuy nhiên, họ lại khoe mẽ ảnh chụp và video trên mạng rồi rao bán để kiếm tiền.
Hai đối tượng nữ bị tạm giam để tiến hành điều tra và có khả năng bị xử lý hình sự.
Hồi tháng 4, khán giả của chương trình Thanh xuân có bạn được kêu gọi chi hàng triệu USD cho sản phẩm sữa trái cây để nhận mã QR bình chọn cho thần tượng.
Top 9 người có số phiếu bầu cao nhất sẽ được chọn để thành lập một nhóm nhạc nam. Vì mỗi mã QR chỉ cho phép một lần bình chọn, người hâm mộ liền mua hàng loạt sản phẩm này.
Thông tin về "dòng sông sữa" trở nên phổ biến cũng là lúc làn sóng phản đối mạnh mẽ diễn ra. Những người phản đối gây áp lực lên các nhà sản xuất, buộc họ dừng ghi hình show.
Tờ Insider đã đăng bài viết về sự kiện này, đồng thời đặt câu hỏi về văn hóa người hâm mộ cực đoan và tác động xấu đối với giới trẻ Trung Quốc cuồng thần tượng.
"Quá cuồng thần tượng có thể là bệnh lý"
Có thể nói Vương Nhất Bác là thành viên "số nhọ" nhất nhóm UNIQ khi liên tục bị rình rập, không bằng cách này cũng cách khác.
Năm 2020, ca sĩ 24 tuổi bức xúc lên tiếng do bị quấy rầy bởi kẻ quá khích. Anh cũng lên án sự trỗi dậy của văn hóa bám đuôi những người nổi tiếng Trung Quốc.
"Từ lâu rồi, tôi đã quá quen cảm giác có người lạ gõ cửa phòng khách sạn. Tôi bị đặt thiết bị theo dõi, bất kể đi đâu người khác cũng biết được vị trí của tôi", Nhất Bác viết trên Weibo.
Jackson Wang gặp rắc rối tương tự. Năm 2019, một fan cuồng đã rò rỉ địa chỉ nhà riêng của nam ca sĩ trên mạng xã hội. Một đoạn video cho thấy thành viên GOT7 đã trực tiếp đối chất với người phụ nữ được cho là thủ phạm, tuy nhiên, cô này phủ nhận.
Tại Trung Quốc, văn hóa thần tượng cuồng loạn nghiêm trọng đến nổi các chuyên gia tâm lý phải vào cuộc. Tờ South China Morning Post dẫn thông tin từ nghiên cứu học thuật mô tả: "Sự chuyển đổi từ fandom tiêu chuẩn sang sự tôn thờ người nổi tiếng một cách mãnh liệt là hành vi bệnh lý".
Trong bài giảng "Mối quan hệ và hành vi của fan đối với người nổi tiếng", Karl A. Roberts - giảng viên Đại học Sunderland (Anh) - nói rằng thần tượng là hiện thân cho phiên bản lý tưởng của người hâm mộ. Về cơ bản, fan đang cố phóng chiếu khát khao của chính họ lên người mà họ tôn thờ.
"Thông qua việc tiếp xúc với phương tiện truyền thông, khán giả hiểu rõ từ ngoại hình, cử chỉ, cách trò chuyện và hành vi của ngôi sao, mặc dù đôi bên không hề giao tiếp trực diện với nhau", tài liệu viết thêm.
Trong bài nghiên cứu, tác giả xem xét phương pháp điều trị cho cá nhân có thể bị rối loạn tâm thần, cũng như cách hỗ trợ thực thi pháp luật nhằm bảo vệ người nổi tiếng dễ gặp rủi ro giống các ngôi sao Nhật Bản.
Ena Matsuoka, ca sĩ trong nhóm nhạc thần tượng Nhật Bản Tenshitsukinukeniyomi, đã bị fan cuồng theo dõi và tấn công tình dục vào năm 2020.
"Nhóm người hâm mộ ngày càng bất chấp sẽ gây ra nỗi hoang mang tột cùng cho người nổi tiếng. Lúc này, họ nhất định phải nhờ cơ quan pháp luật can thiệp. Hiểu rõ đặc điểm tâm lý và hành vi của fan cuồng sẽ rất hữu ích trong việc giúp người nổi tiếng xác định thủ phạm, có cơ sở để đánh giá rủi ro xảy ra" - South China Morning Post viết.
Kết luận trên đã được nhắc đến trong bài báo năm 2015 của tiến sĩ James Houran, người có ba thập kỷ kinh nghiệm trong nghiên cứu tâm lý học ứng dụng.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Tuần trước, cơ quan giám sát Internet của Trung Quốc, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) công bố kế hoạch 10 điều ngăn chặn văn hóa hâm mộ hỗn loạn và hành vi sai trái của người nổi tiếng.
Những điều trên bao gồm ngăn chặn hành vi đăng tải thông tin độc hại, truyền bá tin đồn hoặc kích động scandal trong các hội nhóm fandom. Hiện đã có hơn 4.000 tài khoản mạng bất hợp pháp, 150.000 mẫu tin tiêu cực bị bay màu.
Gần đây, nhóm người hâm mộ là doanh nghiệp lớn cùng với tờ The Paper đã bị "sờ gáy" khi tung tin ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc sẽ trị giá hơn 140 tỷ NDT (21,64 tỷ USD) vào năm 2022.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng cấm công bố danh sách xếp hạng người nổi tiếng trong game show dựa trên việc thu phí khán giả qua lượt vote.
Đây chỉ là động thái ban đầu trong kế hoạch thanh trừng và xóa sổ vấn nạn còn tồn đọng ở showbiz. "Bước tiếp theo là củng cố quy định và thành lập các cơ chế dài hạn để trừng trị đối tượng vi phạm", trích Nhân Dân nhật báo.
Thông báo của CAC được đưa ra sau khi cảnh sát Bắc Kinh bắt giữ nam diễn viên kiêm ca sĩ Ngô Diệc Phàm. Anh bị nghi hiếp dâm nhiều phụ nữ, trong đó có trẻ vị thành niên.
Kể từ tháng 8, các nghệ sĩ giải trí Đại lục, trong đó có nhiều ngôi sao tên tuổi đã tham gia một "khóa đào tạo đạo đức" do Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) chủ trì.
Buổi học kéo dài 2 ngày ở Bắc Kinh có Lôi Gia Lâm, Trương Nhất Sơn, Nhiệt Y Trát... tham gia. Mục đích buổi học để khuyến khích các ngôi sao cư xử đúng mực, có trách nhiệm với bản thân, nghề nghiệp và người hâm mộ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-nguy-tu-van-hoa-cuong-nghe-si-o-trung-quoc-post1257535.html