'Mồi nhử' độc hại tràn lan sau động thái sốc của Facebook ở Canada
'Trong thế giới thực, một Facebook không có tin tức hóa ra lại độc hại hơn tôi dự đoán', giáo sư Jean-Hughes Roy (Đại học Quebec) cho biết.
“Clickbait” lan truyền gây hiểu lầm thống trị trên Facebook và Instagram ở Canada sau khi Meta rút tin tức khỏi nền tảng cách đây 9 tháng. Giờ đây, Australia có thể phải đối mặt với một kịch bản trực tuyến tương tự khi công ty này đang đối đầu với chính phủ sở tại về việc trả tiền cho các tổ chức tin tức, theo Guardian.
“Clickbait” là nội dung mang tính giật gân nhằm thu hút người dùng bấm vào một trang web để tăng lượt tương tác. Đây là từ ghép giữa “Click" (nhấp chuột) và “bait" (mồi nhử) ám chỉ rằng những dạng nội dung này là một cú lừa để chúng ta nhấp vào (click) nhưng sau đó lại thất vọng bởi nội dung vô nghĩa, không liên quan đến tiêu đề hoặc hứa hẹn quá mức.
Các hãng tin tức thiệt hại nhiều nhất
Tuần trước, Meta tuyên bố sẽ không trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức Australia nữa, khiến chính phủ nước này đang xem xét việc sử dụng quyền lập pháp để buộc nền tảng có trụ sở mở Mỹ phải đàm phán với các phương tiện truyền thông tin tức về việc thanh toán.
Cuộc tranh chấp đã làm tăng khả năng Meta sẽ chặn các hãng tin tức của Australia đăng liên kết tới nội dung của họ trên Facebook và Instagram, như đã làm trong 6 ngày vào năm 2021 và đã áp dụng ở Canada kể từ giữa năm ngoái.
Các chuyên gia cho biết lệnh cấm ở Canada ít gây tổn hại cho gã khổng lồ truyền thông xã hội nhưng lại gây thiệt hại cho các hãng tin tức mà Canada muốn trợ giúp nhất.
Chính phủ liên bang Canada đã thông qua dự luật C-18, Đạo luật Tin tức Trực tuyến, vào tháng 6/2023, với mục đích tăng doanh thu tại các cơ quan báo chí Canada bằng cách yêu cầu Meta và Alphabet - công ty mẹ của Google - trả phí cho các nhà xuất bản tin tức và liên kết đến nội dung của họ.
Cả hai “gã khổng lồ” công nghệ ban đầu đều lưỡng lự trước yêu cầu này, nhưng cuối cùng Alphabet đã đồng ý thỏa thuận với chính phủ vào tháng 11/2023. Theo các điều khoản của thỏa thuận, công ty mẹ của Google sẽ đóng góp 73,6 triệu (CAD) mỗi năm để phân phối cho các nhà xuất bản tin tức Canada. Các chuyên gia cho biết thỏa thuận này diễn ra một phần là do C-18 nhắm mục tiêu chia sẻ và lập chỉ mục link - một khía cạnh quan trọng trong mô hình kinh doanh của Alphabet.
Tuy nhiên, Meta đã phản đối đạo luật, cho rằng nó “có sai sót về cơ bản”. Đáp lại, công ty này đã chặn tất cả chia sẻ tin tức trên nền tảng của mình, bao gồm cả Instagram và Facebook. Trước lệnh cấm, Meta cũng tuyên bố sẽ chấm dứt quan hệ đối tác với Canadian Press, một thỏa thuận giúp tài trợ 30 học bổng cho các nhà báo mới bắt đầu sự nghiệp từ năm 2020.
Lệnh cấm có hiệu lực vào tháng 8/2023 trong bối cảnh Canada đang trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất từng được ghi nhận và các nhà lập pháp lo ngại lệnh cấm sẽ cản trở người dân tiếp cận tin tức cập nhật trong cộng đồng và gây trở ngại cho hoạt động sơ tán. Các đài truyền hình chỉ trích hành động này là “hành vi phản cạnh tranh” và cho rằng nó vi phạm một điều khoản của luật liên bang.
Meta cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó: “Đạo luật Tin tức Trực tuyến dựa trên tiền đề không chính xác rằng Meta được hưởng lợi không công bằng từ nội dung tin tức được chia sẻ trên nền tảng của chúng tôi, trong khi đúng ra là ngược lại. Các hãng tin tức tự nguyện chia sẻ nội dung trên Facebook và Instagram để mở rộng lượng người đọc và lợi nhuận”.
Nội dung non-news tràn lan
Theo Guardian, nội dung non-news (phi tin tức) do các nhà sản xuất nội dung viral tạo ra đã lấp đầy khoảng trống mà các hãng tin tức để lại.
Jean-Hughes Roy, giáo sư báo chí của Đại học Quebec, cho biết: “Một Facebook không có tin tức trong thế giới thực hóa ra lại độc hại hơn tôi dự đoán”.
Vào năm 2022, giáo sư Roy từng thực hiện một nghiên cứu mô phỏng những gì người dùng sẽ thấy trên Facebook nếu tin tức bị cấm. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho biết ông nhận thấy thực tế của lệnh cấm còn tồi tệ hơn dự đoán từ mô phỏng của ông.
“Các nhà sản xuất nội dung viral đang đưa ra nội dung tin tức, làm cho nội dung đó trở nên giật gân hơn bằng cách thêm các chi tiết gây hiểu lầm hoặc sai sự thật và đăng trên trang Facebook hoặc tài khoản Instagram. Những nội dung như vậy không bị Meta chặn, trong khi tin tức thực sự đã bị cấm”.
Thế nhưng, điều đó dường như không ảnh hưởng đến cách người Canada sử dụng Facebook.
Số liệu từ hai công ty phân tích kỹ thuật số, được chia sẻ với Reuters, cho thấy số lượng người dùng hoạt động hàng ngày trên Facebook và thời gian dành cho mạng xã hội hầu như không thay đổi kể từ khi tin tức chính thống của báo chí bị chặn.
Một phần lập luận của Meta chống lại việc chi trả cho các cơ quan báo chí Canada là các liên kết bài báo chỉ chiếm chưa đến 3% nguồn cấp dữ liệu của Facebook tại quốc gia này - Meta cũng đưa ra lập luận tương tự liên quan đến quyết định của mình ở Australia.
Giáo sư Chris Waddell thuộc trường báo chí Đại học Carleton cho biết Meta ngày càng cảnh giác với vị trí của mình trong ngành tin tức.
“Tôi không nghĩ họ đã mất bất kỳ khách hàng quảng cáo nào”, ông nói. “Tôi không biết liệu quyết định của họ có thực sự tạo ra sự khác biệt lớn (đối với công ty) hay không”.
“Tôi cho rằng Meta muốn rút khỏi mảng tin tức ở những nơi khác. Tôi không thể tưởng tượng được rằng công ty thực sự muốn vướng vào cuộc tranh cãi về cuộc bầu cử Mỹ sắp diễn ra, với tất cả tin giả do AI tạo ra sẽ xuất hiện trên Facebook. Đó chỉ là một bãi mìn đối với họ. Nếu họ nói thật rằng công ty chỉ nhận được 3% đến 4% doanh thu từ tin tức, tôi có thể hiểu tại sao họ lại bỏ qua khoản đó”.
Giám đốc điều hành của News Corporation, Robert Thomson, nói với các phóng viên hôm 4/3 rằng tuyên bố 3% của Meta “rõ ràng là hư cấu - một con số phi lý”.
“Ý tôi là có bao nhiêu cuộc bàn luận xung quanh tin tức? Bạn có tin tức cốt lõi và sau đó tôi có thể nói với bạn 100% thông tin thực tế đương thời trên Facebook là tin tức. Và đó là những con số mà… Facebook nên tập trung vào, cũng như tập trung vào trách nhiệm của mình đối với tất cả người dân Australia”.
Các hãng tin tức lớn hầu hết đã tìm ra những cách mới để chuyển hướng người dùng đến trang web của mình. Nhưng việc Facebook dừng chia sẻ liên kết trên nền tảng đã có tác động quá lớn đến các bên xuất bản tin tức nhỏ hơn.
Eden Fineday, nhà xuất bản của IndigiNews, một cơ quan báo chí trực tuyến do người bản địa đứng đầu, cho biết trang này đã mất 43% lưu lượng truy cập kể từ lệnh cấm.
“Facebook là một nền tảng rất được người bản địa ưa chuộng”, bà Fineday nói với Toronto Star. “Đó là nơi có rất nhiều cộng đồng bản địa kết nối với nhau. Vì vậy, lệnh cấm gây tổn hại tới chúng tôi. Người bản địa là nhóm nhân khẩu học ít được quan tâm nhất, đặc biệt là đối với các công ty Mỹ. Thật buồn khi bị lãng quên và những công ty này không xem xét ai sẽ bị tổn hại bởi những thay đổi như vậy”.
New Brunswick Media Co-op cho biết họ đã mất 5.000 người theo dõi trên Facebook trước lệnh cấm của Meta.
Trong nỗ lực bù đắp lượng truy cập bị mất, 20 cơ quan truyền thông, bao gồm cả New Brunswick Media Co-op đã liên kết với nhau để thành lập Unrigged. Mục đích là để củng cố vị thế đàm phán và chia sẻ tin tức hiệu quả hơn với độc giả.
Giáo sư Waddell cho biết các trang tin tin nh hơn phải nỗ lực nhiều nhất để giành lại độc giả.
Ông nói: “Trớ trêu thay, những người bị tổn hại nhiều nhất lại là các trang thông tin khởi nghiệp nhỏ hoặc những trang tin tức đã tồn tại được một thời gian sử dụng Facebook như một công cụ quảng cáo để cố gắng thu hút nhiều người theo dõi hơn”.