Mối quan hệ Anh - Pháp: Thêm rạn nứt quanh vấn đề người di cư
Trong khi những tranh cãi liên quan tới quyền đánh bắt cá vẫn chưa có hồi kết, Anh và Pháp lại tiếp tục xảy ra bất đồng về vấn đề người di cư. Mặc dù hai nước vẫn khẳng định mối quan hệ bạn bè và đối tác thân thiết, song chuyện 'lời qua, tiếng lại' trong nhiều vấn đề sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU) cho thấy những rạn nứt giữa hai bên đang có chiều hướng gia tăng.
Bất chấp nguy hiểm, hằng năm vẫn có rất nhiều người di cư tìm cách vượt eo biển Manche để vào Anh.
Tranh cãi lần này giữa Anh và Pháp bắt nguồn từ cái chết của 27 người di cư bất hợp pháp trong lúc tìm cách vượt eo biển Manche bất thành hôm 24-11 vừa qua. Các nạn nhân chủ yếu là công dân Iraq, gồm 17 nam, 7 phụ nữ và 3 trẻ em. Ðây là thảm kịch tồi tệ nhất trên eo biển Manche trong nhiều năm qua. Khi trả lời báo chí về lý do dòng người di cư bất chấp nguy hiểm vượt biển từ Pháp vào Anh trong những năm gần đây, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho rằng, biện pháp quản lý vấn đề di cư “yếu kém” của London cùng việc cho phép lao động không giấy tờ làm việc với mức lương thấp là nguyên nhân chính. Ðáp lại, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel nhấn mạnh, việc ngăn cản người di cư vượt biển từ Pháp sang Anh là trách nhiệm của Paris và nhà chức trách Pháp cần phải thực hiện thêm nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn thảm kịch tương tự tái diễn.
Thủ tướng Anh Boris Johnson thậm chí đã viết thư cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề ra các bước mà hai nước cần làm để ngăn chặn người di cư gồm: Tuần tra chung trên biển, sử dụng các công nghệ tiên tiến như cảm biến và radar để giám sát, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo nhằm phát hiện những vụ buôn bán người. Tuy nhiên, việc Anh đề nghị làm việc ngay lập tức để đạt được thỏa thuận đưa người di cư quay trở lại Pháp đã khiến Paris nổi cơn thịnh nộ. Điện Elysee đáp lại bằng cách hủy lời mời Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel tham dự một cuộc họp với các đối tác châu Âu để thảo luận về vấn đề này vào ngày 29-11. Nhằm bày tỏ lập trường ủng hộ nước thành viên trong EU, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas tuyên bố, nước Anh phải tự giải quyết các vấn đề liên quan đến người di cư sau khi nước này đã rời khỏi EU (còn gọi là Brexit).
Eo biển Manche, nằm giữa Pháp và Anh với chỗ hẹp nhất giữa 2 bờ có khoảng cách 33km, được đánh giá là một trong những vùng biển nhộn nhịp và nguy hiểm. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người di cư đã mạo hiểm vượt qua “eo biển tử thần” để tới được nước Anh. Theo thống kê của Cơ quan kiểm soát biên giới EU (Frontex), từ đầu năm 2021 tới nay, đã có khoảng 26.000 người vượt eo biển này để đến Anh bằng những chiếc xuồng nhỏ, con số này cao gấp 3 lần của năm 2020. Các băng nhóm buôn người đã sử dụng Bỉ, Hà Lan và Đức làm địa bàn để tổ chức hoạt động, sau đó đưa người di cư từ Bỉ đến các khu vực miền Bắc nước Pháp. Áo phao sẽ được các nhóm buôn người mua ở Hà Lan và Đức để đánh lạc hướng cơ quan an ninh. Frontex cho biết, cơ quan này sẽ hỗ trợ Pháp bằng cách triển khai một máy bay để giúp chống lại nạn buôn người di cư ở eo biển Manche từ ngày 1-12.
Tuy nhiên, đối với nước Anh, trong vấn đề người di cư bất hợp pháp, London tỏ ra khá đơn độc. Nếu xứ sở Sương mù vẫn là một quốc gia thành viên của EU, các quy định của EU sẽ yêu cầu những người di cư phải trở về quốc gia đầu tiên mà họ đặt chân đến để xin tị nạn. Nhưng, Brexit đồng nghĩa với việc Anh đã rút khỏi toàn bộ các quy định chung nói trên.
Trong bối cảnh quan hệ Anh - Pháp bị ảnh hưởng bởi những tranh cãi liên quan đến thỏa thuận tàu ngầm của Liên minh ba bên Mỹ - Anh - Australia và những tranh chấp về giấy phép đánh bắt cá hậu Brexit, vấn đề người di cư lại càng khiến mối quan hệ này thêm một lần rạn nứt.