Mối quan hệ bền chặt Việt - Đức sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng
Quan hệ Việt - Đức rất sâu rộng, mở ra tương lai phát triển mạnh mẽ sau một thập kỷ nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác Chiến lược.
Báo Kinh tế & Đô thị vinh dự có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Guido Hildner - Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, để hiểu thêm về mối quan hệ khăng khít này.
Mối quan hệ bền chặt ở nhiều lĩnh vực
Thưa Đại sứ, mối quan hệ Việt - Đức hiện được miêu tả như thế nào?
- Năm 2020, hai nước Việt - Đức kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; năm 2021 kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược.
Trong những năm qua, quan hệ hai nước không ngừng phát triển và ngày càng sâu rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học. Việt Nam và Đức có nhiều lợi ích chung và có những mặt mạnh riêng để bổ sung cho nhau. Sự hợp tác hiệu quả trở nên quan trọng trong bối cảnh thách thức toàn cầu hiện nay, ví như cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, ứng phó biến đổi khí hậu và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Đức là nhà tài trợ châu Âu lớn nhất cho Việt Nam về vaccine Covid-19 và thiết bị y tế. Xin Đại sứ chia sẻ về lĩnh vực này.
- Kể từ tháng 9/2021, Đức đã viện trợ hơn 10 triệu liều vaccine cho Việt Nam, gồm đợt gần nhất có số lượng 4 triệu liều Pfizer vào đầu năm 2022.
Ngoài ra, Đức đã tài trợ các thiết bị y tế công nghệ cao cho Việt Nam. Ví dụ, chỉ riêng tháng 11/2021, tôi đã đại diện giao lô hàng gồm 75 máy thở, 15 monitor và 20.000 máy đo nồng độ oxy và nhịp tim trị giá khoảng 21 tỷ đồng (825.000 EUR) cho các cơ sở y tế.
"Chắc chắn quan hệ đối tác Việt - Đức sẽ tiếp tục phát triển và ngày càng sâu rộng trong tương lai. Hiện có khoảng 350 công ty Đức đã xây dựng thương hiệu, nhà máy và hoạt động tích cực tại Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh mẽ." - Tiến sĩ Guido Hildner
Điều khiến tôi đặc biệt vui mừng là ở Đức không chỉ có Chính phủ liên bang mà các bang và tổ chức tư nhân cũng tham gia hỗ trợ Việt Nam. Nhờ đó, nhiều thiết bị y tế cao cấp dùng trong chống dịch đã được vận chuyển đến Việt Nam.
Sự hợp tác Đức - Việt không chỉ dừng lại ở những khoản quyên góp này. Đức cũng hỗ trợ Việt Nam trong các dự án phát triển cụ thể liên quan đến Covid-19 trong khuôn khổ Hợp tác Phát triển Đức. Vào tháng 5/2021, Trung tâm sức khỏe và phòng ngừa đại dịch đã được thành lập tại Việt Nam, đây là một trong bốn trung tâm toàn cầu của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) nhằm mục đích ngăn ngừa và điều trị các bệnh truyền nhiễm.
Vào tháng 12/2020, trong thời gian Đức làm Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu và Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược. Xin ngài cho biết vai trò của Đức và Việt Nam trong quan hệ EU-ASEAN.
- Cơ sở thiết yếu cho hòa bình và ổn định trên thế giới là sự hợp tác của các quốc gia trong khuôn khổ đa phương. Ví dụ ở đây chúng tôi nghĩ đến Liên Hợp quốc và các cơ quan chuyên môn của nó. EU và ASEAN là hai trong những tổ chức khu vực quan trọng. Hội nhập châu Âu là dự án hòa bình thành công nhất trên lục địa châu Âu. Điều này đã được ghi nhận khi EU được trao giải Nobel Hòa bình năm 2012. Còn ASEAN là nhân tố không thể thiếu cho sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này đang được thể hiện rõ ràng trong cuộc khủng hoảng Myanmar khi ASEAN đóng vai trò trung tâm và thể hiện trách nhiệm lớn lao.
Chúng tôi muốn hỗ trợ và củng cố ASEAN. Do đó, việc nâng cấp quan hệ EU và ASEAN lên Đối tác Chiến lược thể hiện điều này và cho phép tăng cường hợp tác. Mục tiêu tiếp theo chúng tôi hướng tới là một hiệp định thương mại tự do giữa EU và ASEAN, sẽ mang lại lợi ích cho cả hai khu vực.
Đức và Việt Nam là những thành viên quan trọng trong các tổ chức của mình và có thể đóng góp hữu ích để đảm bảo rằng EU và ASEAN cùng hợp tác. Điều này được thể hiện qua việc quan hệ Đối tác Chiến lược được thiết lập trong thời gian Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Đức làm Chủ tịch EU.
Không ngừng phát triển trong những thập kỷ tới
Vậy xin Đại sứ cho biết những thập kỷ tiếp theo quan hệ Việt - Đức sẽ tiếp tục phát triển như thế nào ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ở các vấn đề kinh tế, đầu tư…?
- Chắc chắn quan hệ đối tác Việt - Đức sẽ tiếp tục phát triển và ngày càng sâu rộng trong tương lai. Ví dụ về lĩnh vực kinh tế, vào tháng 1/2022, tôi đã tham gia lễ động thổ nhà máy sản xuất của công ty Tesa Đức tại Hải Phòng trị giá khoảng 55 triệu EUR. Còn các nhà đầu tư tiềm năng khác đang chờ cơ hội để đầu tư vào Việt Nam ngay sau khi các lệnh hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ. Trong 25 năm qua, ngày càng nhiều công ty Đức đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, cả những thương hiệu lớn cũng như nhiều DN vừa và nhỏ. Hiện có khoảng 350 công ty Đức đã xây dựng thương hiệu, nhà máy và hoạt động tích cực tại Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh mẽ.
Giao thương cũng không ngừng tăng ngay cả trong đại dịch. Thương mại song phương năm 2021 đã tăng hơn 13% so với năm trước, đạt mức 11,3 tỷ USD. Việc Hiệp định Thương mại Tự do EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1/8/2020 đã có tác động tích cực.
Đặc biệt, trong chính sách phát triển mới của Đức, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia đối tác toàn cầu. Điều này càng củng cố tầm quan trọng của sự hợp tác. Ba ưu tiên trước đây là bảo vệ môi trường, năng lượng/ khí hậu và đào tạo nghề đã được chứng minh là lựa chọn đúng đắn và sẽ được tiếp tục.
Hơn nữa, đàm phán Chính phủ song phương về hợp tác phát triển vào tháng 7/2021 đã đạt được thỏa thuận về 3 chủ đề cốt lõi gồm: “Trách nhiệm đối với hành tinh của chúng ta - khí hậu và năng lượng”, “Bảo vệ sinh kế - môi trường và tài nguyên thiên nhiên” và “Đào tạo và tăng trưởng bền vững để có việc làm tốt”. Để đạt được mục tiêu này, Đức đang cung cấp cho Việt Nam khoản tiền bổ sung hơn 140 triệu EUR trong hai năm tới.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa. Một trong nhiều dự án là cam kết lâu dài của Đức đối với việc bảo tồn các di tích văn hóa ở Huế trong những năm tới.
Hãy để tôi nêu bật hai vấn đề mà tôi mong đợi sẽ đặc biệt quan trọng đối với quan hệ tương lai của chúng ta. Đó là biến đổi khí hậu, hòa bình và an ninh quốc tế.
Việt Nam đặt ra các mục tiêu lớn tại hội nghị COP26 ở Glasgow. Đức hoan nghênh và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để đạt được các mục tiêu giảm phát thải vào năm 2050. Để làm được điều này, năng lượng đóng một vai trò quan trọng và chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Đáng chú ý, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là nền tảng của hòa bình, an ninh, phát triển và thịnh vượng cho tất cả chúng ta. Đức và Việt Nam chia sẻ cam kết đối với trật tự đó và đang nỗ lực củng cố quan điểm này, chẳng hạn như chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.
Các hoạt động thúc đẩy quan hệ giữa hai nước của Đức tại Việt Nam gồm những gì, thưa Đại sứ?
- Hiện có sự góp mặt của đông đảo các tổ chức Đức tại Việt Nam, như: Viện Goethe, Ngôi nhà Đức (Deutsches Haus), Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức, Tổ chức GIZ, trường Đại học Việt Đức. Các tổ chức này giúp cụ thể hóa quan hệ đối tác bởi chúng thực hiện dự án và gắn kết mọi người, duy trì sức sống và sự đa dạng của mối quan hệ chúng ta.
Viện Goethe có hai cơ sở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây là viện văn hóa trung tâm của Đức với nhiều khóa học tiếng Đức và chương trình văn hóa hấp dẫn. Ngôi nhà Đức là địa chỉ nổi bật nhất của Đức tại TP Hồ Chí Minh, nơi đặt trụ sở nhiều tổ chức, công ty, và hiệp hội Đức, trong đó có Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức và Hiệp hội Doanh nghiệp Đức.
Trường Đại học Việt Đức tại tỉnh Bình Dương là một dự án sáng tạo, được ví như ngọn hải đăng trong giáo dục, cung cấp các khóa học hấp dẫn dựa trên chương trình giảng dạy của Đức. Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức với hoạt động tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong hợp tác khoa học, giáo dục và học thuật với hơn 170 dự án giữa các trường đại học Đức và Việt Nam.
Điển hình là Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ (Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit) và Ngân hàng Tái thiết Đức KfW (Kreditanstalt für Wiederaufbau) thực hiện các dự án sâu rộng trong lĩnh vực hợp tác phát triển.
Sự hiện diện của các tổ chức chính trị cũng rất đáng kể. Năm trong số sáu tổ chức chính trị của Đức có văn phòng đại diện tại Việt Nam, thực hiện nhiều chương trình với các đối tác Việt Nam khác nhau, họ gồm: Friedrich-Ebert-Foundation, Friedrich-Naumann-Foundation, Hanns-Seidel-Foundation, Konrad-Adenauer-Foundation, và Rosa-Luxemburg-Foundation. Các tổ chức chính trị phản ánh sự đa dạng của các vị trí chính trị đại diện trong Quốc hội Đức. Do vậy, công việc của họ bổ sung cho sự hợp tác giữa các chính phủ. Ngoài ra, các bang của Đức cũng rất quan tâm đến Việt Nam. Ba trong số họ có đại diện thường trú ở Việt Nam, như: Hesse, Mecklenburg-Western Pomerania và Rhineland-Palatinate.
Ngày 6 tháng 1 năm 2022, khinh hạm Bayern của Đức cập bến Nhà Rồng, Thành phố Hồ Chí Minh. Xin Đại sứ cho biết tại sao Việt Nam nằm trong hành trình hàng hải đó? Chiến lược dài hạn của Đức đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là gì?
Đây là chuyến thăm đầu tiên của tàu Hải quân Đức đến Việt Nam. Chuyến thăm Việt Nam ba ngày từ 6-9/1 là một phần của hành trình huấn luyện và hiện diện kéo dài bảy tháng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương với các điểm đến khác gồm: Pakistan, Australia, Guam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Sri Lanka và Ấn Độ. Chuyến thăm Việt Nam thể hiện sự coi trọng cao độ của Đức trong quan hệ đối tác với Việt Nam.
Với hành trình rộng khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương của khinh hạm Bayern, Đức đang cổ vũ tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này. Chuyến đi là việc triển khai cụ thể Chính sách Ấn Độ -Thái Bình Dương của Đức ra đời năm 2020, nhằm củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Lĩnh vực biển được quy định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Bằng hành trình của “Bayern”, Đức đang nhấn mạnh giá trị phổ biến của công ước này và tầm quan trọng của tự do hàng hải. Lộ trình qua Biển Đông là phần trọng tâm của chuyến đi.
Vào tháng 9 năm 2020, Chính phủ Liên bang đã thông qua Hướng dẫn chính sách cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, thể hiện rõ ràng và toàn diện cam kết của Đức đối với khu vực. Toàn diện bởi nó như một đề nghị cho tất cả các quốc gia trong khu vực và bởi nó bao gồm tất cả các lĩnh vực hành động quan trọng. Bảy lĩnh vực chính sách được nêu gồm: tăng cường chủ nghĩa đa phương; ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; củng cố hòa bình, an ninh và ổn định; thúc đẩy quyền con người và nhà nước pháp quyền; tăng cường thương mại tự do dựa trên luật lệ, công bằng và bền vững; chuyển đổi kỹ thuật số của các khu vực và thị trường; và gắn kết mọi người với nhau thông qua văn hóa, giáo dục và khoa học.
Đức dành cho Việt Nam sự hợp tác trong tất cả các lĩnh vực này. Chúng tôi muốn tiếp tục và tăng cường các dự án và hoạt động trước đây ở Việt Nam, trong đó gồm các quy tắc đối thoại pháp quyền giữa các chính phủ cho đến các cuộc gặp cá nhân và trao đổi giữa người dân ở cả hai quốc gia. Ví dụ, trong số này có củng cố chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cùng với một vấn đề quan trọng khác là ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý quá trình chuyển đổi năng lượng.
Xin ngài cho biết vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Đức và những người được đào tạo ở Đức trong việc thắt chặt quan hệ hai nước.
Nhân tố con người có vai trò lớn quyết định mức độ khăng khít giữa các quốc gia, mang lại sự sống động, lâu dài và sâu sắc cho các mối quan hệ.
Cộng đồng người Việt Nam tại Đức là cầu nối quan trọng cho quan hệ song phương. Họ hòa nhập tốt, được chào đón ở Đức, và ngày càng phát triển. Mặt khác, Đức luôn hỗ trợ Việt Nam về giáo dục và việc làm, hiện có khoảng 7.500 người Việt Nam học tập tại Đức, cùng với các chương trình học bổng và tuyển dụng công nhân nước ngoài lành nghề, mang lại nhiều cơ hội việc làm cho những người Việt Nam có trình độ chuyên môn.
Việt Nam có cộng đồng hơn 100.000 người nói tiếng Đức và tiếng Đức là một trong những ngôn ngữ thứ hai phổ biến tại Việt Nam. Xin Đại sứ cho nhận xét về khía cạnh này.
Tôi rất mừng vì tiếng Đức có một vị trí nhất định ở Việt Nam. Trong tất cả các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của tôi tại đây, tôi đều nhận được sự chào đón nồng nhiệt và lòng hiếu khách đáng quý. Thú vị là điều này cũng diễn ra ở Đức: Hai chữ Việt Nam rất phổ biến ở Đức, người Đức nhìn Việt Nam bằng sự ghi nhận, thiện cảm và rất tôn trọng những thành tựu mà họ đạt được. Tình cảm hai chiều này là nền tảng vững chắc của tình bạn chúng ta, đặc biệt đã được minh chứng trong đại dịch Covid-19 vừa qua.