Mối quan hệ 'đặc biệt' trong hệ sinh thái BRG Group và SeABank

Từ lâu, BRG Group và SeABank được xem là 'cặp đôi hoàn hảo' của gia đình doanh nhân Nguyễn Thị Nga. Dù vậy, không phải ai cũng thấy được những mắt xích liên kết cặp đôi này trên cả hai khía cạnh sở hữu chéo và mối quan hệ tín dụng tương hỗ…

Nguyễn Thị Nga nổi tiếng là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam khi không chỉ là “nữ tướng” của tập đoàn kinh tế đa ngành BRG Group mà còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HoSE: SSB) trong 11 năm trước khi nhường lại cho ông Lê Văn Tần. Việc “rút lui” của bà Nga nhằm tuân theo Luật Các tổ chức tín dụng (Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp).

Dù quyết định chọn đứng tên tại Tập đoàn BRG, song bà Nga vẫn đảm nhiệm chức vụ quan trọng tại SeABank là Phó chủ tịch thường trực.

Theo danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ cập nhật đến ngày 29/10/2024, bà Nga đang sở hữu hơn 111,5 triệu cổ phiếu SSB, tương đương 3,936% vốn SeABank. Người có liên quan bà cũng nắm hơn 310 triệu cổ phiếu, tương đương 10,954% vốn điều lệ ngân hàng. Tổng số cổ phần bà và người có liên quan nắm tương ứng 14,89% vốn SeABank.

Bên cạnh đó, con gái bà Nga - bà Lê Thu Thủy, Phó Chủ tịch SeABank, sở hữu hơn 65,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,316% vốn ngân hàng; đồng thời người có liên quan đến bà Thủy nắm 12,575% vốn.

Chồng và con trai bà Nga cũng đang sở hữu 3,658% vốn SeABank. Trong đó, ông Lê Hữu Báu, chồng bà Nga nắm giữ 1,785% vốn và ông Lê Tuấn Anh, con trai bà nắm 1,873% vốn.

Như vậy, tổng số cổ phần bà Nga và người thân cùng công ty liên quan đang trực tiếp nắm giữ tương đương 14,98% vốn SeABank.

 Đồ họa: Tùng Lâm

Đồ họa: Tùng Lâm

Ngoài cá nhân và người thân, Công ty TNHH Phát triển Đầu tư Phú Mỹ do bà Nguyễn Thị Nga đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên cũng nắm giữ hơn 141,1 triệu cổ phiếu SSB, tương ứng 4,98% vốn SeABank. Người có liên quan của đơn vị này nắm giữ 9,91% vốn ngân hàng.

Tính tới ngày 4/11/2024, vốn điều lệ của Đầu tư Phú Mỹ đạt 1.920 tỷ đồng, do bà Nga và chồng mỗi người góp 49,5% vốn.

Tuy nhiên, quyền lực của gia đình bà Nguyễn Thị Nga tại SeABank không dừng ở đó. Dữ liệu cho thấy, loạt công ty nằm trong danh sách sở hữu từ 1% vốn điều lệ của SeABank dù không có sự hiện diện chính thức của bà Nguyễn Thị Nga nhưng lịch sử hoạt động nội bộ của hệ sinh thái BRG Group và SeABank có quan hệ khá chặt chẽ.

Đầu tiên phải kể đến Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoàng Ngân, đơn vị sở hữu hơn 84,8 triệu cổ phiếu SSB, tương ứng 2,993% vốn SeABank.

Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, dù thay đổi cơ cấu thành viên thường xuyên, nhưng lịch sử hoạt động của Công ty Hoàng Ngân từng ghi dấu ấn của BRG Group khi đơn vị thành viên tập đoàn này là Công ty Cổ phần Phát triển TN (bà Nguyễn Thị Nga đại diện phần vốn góp) góp 35% vốn.

Tiếp theo là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Cường, đơn vị đang nắm giữ hơn 125,8 triệu cổ phiếu SSB, tương đương 4,438% vốn SeABank.

Cơ cấu cổ đông và lịch sử hoạt động của Bất động sản Phú Cường không phản ánh sự kết nối trực tiếp với gia đình bà Nga và BRG Group, song tổ chức này từng tham gia góp vốn vào Công ty TNHH Thung Lũng Vua - chủ đầu tư dự án dự án sân Golf Quốc tế Đảo Vua và dự án Mở rộng 18 hố golf tại Đồng Mô, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Đây là một dự án trọng điểm của BRG Group.

Ngoài vai trò là cổ đông của Công ty TNHH Thung Lũng Vua, Bất động sản Phú Cường cũng từng tham gia góp vốn tại Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Đức Khang - tổ chức sở hữu 3,798% vốn SeABank. Hồi tháng 11/2022, Bất động sản Phú Cường góp hơn 352 tỷ đồng để sở hữu 49,99% vốn Công ty Đức Khang.

Cùng tham gia góp vốn vào Công ty TNHH Thung Lũng Vua là Công ty TNHH Đầu tư Dịch vụ Kim Ngân - đơn vị đang sở hữu hơn 115,6 triệu cổ phiếu SSB, tương ứng 4,079 vốn điều lệ SeABank. Thành lập năm 2014 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, sau tăng lên 810 tỷ đồng, Công ty Kim Ngân hiện thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát triển Đầu tư Phúc An.

Danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ SeABank còn xuất hiện Công ty TNHH Thương mại Vượng Tiến. Tổ chức này nắm giữ hơn 91,2 triệu cổ phiếu SSB, tương ứng 3,219% vốn điều lệ SeABank; đồng thời người có liên quan nắm 0,564% vốn ngân hàng.

Lịch sử hoạt động của Công ty Vượng Tiến từng xuất hiện nhân vật quan trọng là bà Vũ Thị Ngọc Quỳnh ở vai trò giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật và nắm giữ 28% vốn điều lệ. Bà Quỳnh vốn không phải gương mặt xa lạ khi nhiều năm đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban kiểm soát tại Ngân hàng SeABank.

Một pháp nhân khác đang sở hữu hơn 80,7 triệu cổ phiếu SSB, tương ứng 2,849% vốn ngân hàng in đậm dấu ấn “người SeABank” là Công ty TNHH Đầu tư Tài chính và Thương mại Vạn Lộc. Dữ liệu cho thấy đơn vị này từng do ông Lê Văn Tần - Chủ tịch HĐQT SeABank điều hành.

Ngoài các pháp nhân trên, còn có thể kể đến Công ty Cổ phần Khách sạn Du lịch Sông Nhuệ - đang nắm hơn 111,6 triệu cổ phiếu SSB, tương ứng 3,938% vốn SeABank. Đơn vị này được thành lập năm 2007, hiện do bà Ngô Thúy Loan làm người đại diện theo pháp luật.

Mặc dù không ghi dấu trực tiếp của các lãnh đạo SeABank hay pháp nhân liên quan BRG Group, song dữ liệu của VietTimes cho thấy Công ty Sông Nhuệ từng dùng dự án Công trình hỗn hợp dịch vụ văn phòng và nhà ở tại 4.1 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (BRG Diamond Residence) làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại SeABank. Điều này cho thấy công ty này có mối quan hệ mật thiết với BRG Group.

Tựu trung lại, nếu tính một cách cơ học, số cổ phần của nhóm công ty liên quan trực tiếp, gián tiếp và người có liên quan của gia đình bà Nguyễn Thị Nga và BRG Group lên tới 40,294% vốn SeABank.

Sự gắn kết về mặt sở hữu giữa BRG Group và SeABank là cơ sở để hai tổ chức này thiết lập mối quan hệ chặt chẽ về tín dụng. Dữ liệu của VietTimes cho thấy SeABank đang có mối quan hệ tín dụng với nhiều đơn vị trong hệ sinh thái BRG, bao gồm cả những đơn vị sở hữu và không sở hữu ngân hàng này.

Chẳng hạn, bộ đôi Công ty Phú Cường và Công ty Kim Ngân đều sử dụng phần vốn góp tại Công ty TNHH Thung Lũng Vua để làm tài sản bảo đảm cho các khoản tín dụng tại SeABank.

Nói thêm về Công ty TNHH Thung Lũng Vua, đơn vị này thành lập năm 2001, trước đây có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, từng do Công ty Cổ phần sân golf BRG nắm 17%, Công ty Phú Cường nắm 36,3% và Công ty Cổ phần du lịch Việt Nam TP.HCM nắm 46,7%. Sau đó, Sân Gôn BRG đã chuyển nhượng phần vốn góp cho Công ty Kim Ngân.

Bản thân SeABank cũng là đơn vị cấp vốn cho Công ty TNHH Thung Lũng Vua. Ghi nhận trong quá trình hoạt động của đơn vị này từng phát sinh nhiều hợp đồng tín dụng với nhà băng này. Gần đây nhất, ngày 1/11/2024, công ty ký hợp đồng giao dịch bảo đảm với SeABank chi nhánh Sở Giao dịch, tài sản bảo đảm liên quan đến dự án sân Golf quốc tế Đảo Vua và dự án mở rộng 18 hố golf tại Đồng Mô.

Hay Công ty Hoàng Ngân vào ngày 6/7/2023 phát sinh giao dịch bảo đảm với SeABank chi nhánh Sở Giao dịch, tài sản bảo đảm liên quan đến dự án Đầu tư xây dựng công trình 198 Trần Quang Khải tại số 198 Phố Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

 Nhiều doanh nghiệp liên quan BRG được SeABank cấp vốn và thu xếp phát hành nhiều lô trái phiếu. Đồ họa: Tùng Lâm

Nhiều doanh nghiệp liên quan BRG được SeABank cấp vốn và thu xếp phát hành nhiều lô trái phiếu. Đồ họa: Tùng Lâm

Ngoài những pháp nhân đang trực tiếp nắm vốn SeABank kể trên thì nhà băng này còn đóng vai trò cấp vốn và thu xếp phát hành trái phiếu cho nhiều doanh nghiệp khác thuộc hệ sinh thái BRG. Đáng nói nhất là bộ đôi gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Vui chơi Giải trí Thể Thao Hà Nội (HSIC) và Công ty Cổ phần Phát triển Golf Thiên Đường (PGCC) đang phát triển 2 dự án sân golf lớn tại phía Bắc.

Đầu tiên là HSIC, đơn vị này thành lập năm 2008, từng do bà Nguyễn Hồng Hải làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật. Vị doanh nhân này còn được biết đến với vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Asean (thuộc BRG Group).

Năm 2019, dưới sự thu xếp của Chứng khoán Asean, HSIC đã phát hành nhiều lô trái phiếu, một trong những trái chủ là Công ty Phú Cường (đã nhắc ở trên). Sau đó, công ty đã lần lượt mua lại trước hạn số trái phiếu phát hành và đưa dư nợ trái phiếu về 0 vào thời điểm cuối năm 2023.

Tìm hiểu của VietTimes cho thấy SeABank có vai trò cấp tín dụng quan trọng với HSIC trong quá trình hoạt động. Ví dụ, hồi tháng 10 năm nay, HSIC ký hợp đồng giao dịch bảo đảm với SeABank chi nhánh Sở Giao dịch, tài sản bảo đảm liên quan đến Dự án Khu vui chơi giải trí – Khu biệt thự để bán và cho thuê (Khu I – thuộc Khu du lịch sinh thái văn hóa nghỉ ngơi cuối tuần khu vực Đền Sóc tại huyện Sóc Sơn) tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Hay PGCC, chủ đầu tư của dự án sân golf 36 lỗ và khu phụ trợ tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đơn vị này thành lập vào năm 2016 với vốn điều lệ 549 tỷ đồng, trong đó có 2 cổ đông sáng lập quen thuộc là Công ty Phú Cường (45%) và Công ty Kim Ngân (26%).

Dữ liệu cho thấy từ năm 2023 đến nay, SeABank là bên cấp tín dụng cho PGCC. Chẳng hạn, ngày 11/11/2024, đơn vị này ký hợp đồng giao dịch bảo đảm với SeABank chi nhánh Sở giao dịch, tài sản bảo đảm liên quan đến Dự án sân golf 36 hố và khu phụ trợ tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Như vậy, có thể thấy, giữa BRG Group và SeABank có mối quan hệ rất sâu sắc, phản ánh quyền lực bao trùm của bà Nguyễn Thị Nga và gia đình. Điều này giải thích cho sự gắn kết về mặt tín dụng giữa BRG Group và SeABank.

Trong bối cảnh hệ sinh thái của Tập đoàn BRG ngày càng phình to, trong đó có nhiều lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, để đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động bền vững, rất cần có cơ chế kiểm soát của cơ quan chức năng trong việc giám sát các hoạt động quan hệ tín dụng “nội bộ” giữa SeABank và BRG Group.

Nhật Minh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/moi-quan-he-dac-biet-trong-he-sinh-thai-brg-group-va-seabank-post180176.html