Mối quan hệ hai chiều giữa Elon Musk và Trung Quốc
Để thúc đẩy ngành xe điện trong nước, Trung Quốc cần Elon Musk. Ở chiều ngược lại, tỷ phú giàu nhất thế giới cũng muốn mở rộng hoạt động tại đất nước tỷ dân.
Khi Mỹ thắt chặt xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc vào năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đặt kỳ vọng đưa nước này trở thành trung tâm công nghiệp và đổi mới của tương lai. Yếu tố then chốt cho kế hoạch này là Elon Musk.
Theo WSJ, ông Tập coi Musk am hiểu công nghệ và trung lập về chính trị. Hãng xe điện Tesla mà Musk làm CEO được cho có thể đưa Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất ôtô năng lượng mới.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, ông Tập đã chỉnh sửa luật nhằm mở đường cho Tesla xây dựng nhà máy sản xuất xe điện ở Thượng Hải. Giới chức tại đây đã bán cho công ty những mảnh đất giá rẻ, các khoản vay lãi suất thấp và ưu đãi thuế. Ngược lại, Tesla sẽ thu hút các nhà cung ứng địa phương, thúc đẩy nền sản xuất xe điện đang tụt hậu của Trung Quốc.
Trung Quốc cho Tesla hưởng nhiều ưu ái
Theo dữ liệu của Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, hơn một nửa số xe của Tesla đang được sản xuất tại nước này. Doanh thu từ Trung Quốc giúp Tesla đạt mục tiêu lợi nhuận năm 2020, chiếm 1/4 doanh thu công ty 9 tháng đầu 2021. Trong khi đó, Elon Musk củng cố vị trí người giàu nhất thế giới.
Dù vậy, Tesla đang đối mặt với môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn tại Trung Quốc. Công ty này bị các hãng xe nội địa chỉ trích do chính sách ưu đãi từ chính phủ, chất lượng xe hứng chịu phàn nàn từ cánh tài xế và quan chức, bị cuốn vào chiến dịch kiểm soát nhóm công ty công nghệ lớn (Big Tech) từ Bắc Kinh.
Trung Quốc đang yêu cầu các công ty công nghệ nước ngoài tuân thủ chính sách nghiêm ngặt về bảo mật dữ liệu. Tesla phải lưu giữ tất cả hồ sơ khách hàng trong nước, cần cơ quan chức năng phê duyệt trước khi cập nhật một số tính năng cho xe điện tại Trung Quốc.
Trong khi đó, Musk có những động thái "lấy lòng" chính phủ Trung Quốc như đề cao luật kiểm soát dữ liệu, đăng bài xin lỗi trên Weibo sau khi bị chính phủ tố "kiêu ngạo" khi không giải quyết thỏa đáng sự cố hỏng phanh ảnh hưởng đến một người dùng nước này.
Sau khi Apple đưa chuỗi cung ứng iPhone sang Trung Quốc, nhiều công ty hợp tác với Apple đã trở thành nhà cung ứng cho các hãng smartphone lớn, doanh số hàng đầu thế giới.
Tất nhiên, không phải ai cũng thành công khi đặt chân đến đất nước tỷ dân. Vào tháng 10, Microsoft tuyên bố đóng cửa phiên bản Trung Quốc của nền tảng LinkedIn do "thách thức ngày càng lớn" từ chính phủ. Đây là mạng xã hội lớn cuối cùng của Mỹ còn hoạt động công khai tại nước này.
"Kế hoạch của Trung Quốc không phải để Tesla giành chiến thắng, mà để ngành công nghiệp trong nước trở nên cạnh tranh hơn", Bill Russo, nhà sáng lập Automobility, công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.
Dùng Tesla để phát triển ngành xe điện Trung Quốc
Các quan chức Trung Quốc đã đưa ra thương lượng ngay từ đầu. Lãnh đạo nước này thất vọng với tình hình kinh doanh của các hãng xe điện trong nước, xem Tesla như cơ hội vực dậy. Từ đó, Tesla có nhiệm vụ nội địa hóa chuỗi cung ứng và hỗ trợ các nhà sản xuất Trung Quốc, những bước đi có thể thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện trong nước.
Kế hoạch của Trung Quốc không phải để Tesla giành chiến thắng, mà để ngành công nghiệp trong nước trở nên cạnh tranh hơn
Bill Russo, nhà sáng lập hãng tư vấn Automobility
Musk cũng quan tâm đến việc mở nhà máy tại Trung Quốc, giúp Tesla bán xe với giá rẻ hơn tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vị tỷ phú không muốn liên doanh với đối tác Trung Quốc như các hãng xe nước ngoài khác.
Tháng 7/2018, Tesla ký hợp đồng xây nhà máy tại Thượng Hải. Giới chức Trung Quốc cho biết thỏa thuận sẽ tạo nhiều việc làm, đóng góp khoảng 345 triệu USD thuế mỗi năm kể từ cuối 2023. Trong một cuộc họp năm 2019, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường còn đề nghị cấp "thẻ xanh Trung Quốc" cho Elon Musk.
Trong khi Tesla hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, nhiều nhân viên tại đây phản đối kế hoạch do lo ngại nguy cơ đánh cắp tài sản trí tuệ.
Sự xuất hiện của Tesla khiến thị trường xe điện Trung Quốc thu hút nhiều chú ý. Màn ra mắt mẫu Model 3 năm 2019 đã thuyết phục người dân rằng xe điện có thể thay thế xe chạy bằng xăng. Chúng cũng lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư vào thị trường xe điện, góp phần vực dậy các startup gặp khó khăn.
"Hiệu ứng Tesla" còn góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng, đáp ứng mục tiêu của các lãnh đạo Trung Quốc. Tesla đã cử kỹ sư đào tạo công nhân, hỗ trợ thiết kế và nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất pin, chip xử lý cho đối tác tại Trung Quốc. Đến đầu năm 2021, Tesla tuyên bố "tỷ lệ tìm nguồn cung nội địa" tại các nhà máy ở Thượng Hải đạt trên 90%, dự kiến sử dụng tất cả linh kiện trong nước để sản xuất xe từ cuối năm nay.
"Trước đây, nhiều bộ phận được sản xuất tại các nơi khác nhau rồi chuyển đến Trung Quốc... Hiện tại, chỉ cần tìm nguồn cung trong nước cho các thành phần đó sẽ mang đến khác biệt lớn về giá thành mỗi chiếc xe", Elon Musk cho biết trong buổi báo cáo tài chính tháng 7/2020.
Nhiều công ty cung ứng linh kiện xe hơi tại Trung Quốc khẳng định đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, tăng doanh số và lượng hợp đồng sau khi làm việc với Tesla.
Khó khăn của Tesla tại Trung Quốc
Nhiều hãng xe điện Trung Quốc không hài lòng về những ưu đãi mà quan chức nước này dành cho một hãng xe nước ngoài như Tesla. Một số công ty tìm cách cạnh tranh bằng cách tận dụng sự kiểm soát của chính phủ về cách xử lý dữ liệu của nhóm Big Tech.
Một số đối thủ của Tesla tại Trung Quốc gồm 360 và SAIC Motor Corp. Vào tháng 3, 2 công ty này đã đề nghị cơ quan lập pháp Trung Quốc xử lý những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến hãng xe điện nước ngoài, mục tiêu là Tesla.
Zhou Hongyi, nhà sáng lập của 360 cho rằng Trung Quốc nên áp dụng quy định giảm việc thu thập thông tin người dùng với các hãng xe của nước ngoài.
Nguồn tin nội bộ cho biết Trung Quốc hạn chế dùng xe Tesla trong căn cứ quân sự và cơ sở nhạy cảm của chính phủ. Sau những lời phàn nàn về chất lượng xe Tesla, vào tháng 5, giới chức Trung Quốc đã đề xuất các quy định nghiêm ngặt về thu thập dữ liệu xe hơi. Đến tháng 8, đề xuất được thông qua thành luật. Các thay đổi này có thể khiến Tesla khó nghiên cứu và triển khai xe tự lái tại Trung Quốc do chúng phụ thuộc vào các cảm biến thu thập nhiều dữ liệu.
Một điểm nhức nhối với các đối thủ của Tesla tại Trung Quốc là chính sách khuyến khích sản xuất nhiều xe điện. Tesla là một trong những công ty hưởng lợi từ chính sách này.
Tesla đã sử dụng khoản tiết kiệm nhờ hợp tác với chuỗi cung ứng Trung Quốc để giữ giá xe rẻ, vừa đủ giúp người mua nhận trợ cấp từ chính phủ. Vào tháng 7, Tesla tung ra mẫu xe thể thao Model Y với giá dưới 300.000 tệ (khoảng 47.000 USD) để khách hàng vẫn có thể nhận trợ cấp.
Zachary Kirkhorn, Giám đốc Tài chính Tesla cho biết nhà máy tại Thượng Hải là trung tâm xuất khẩu chính của Tesla, giúp công ty ra mắt xe Model Y tại châu Âu. Tuy nhiên, các nhà phân tích trong ngành cho biết về lâu dài, Tesla có thể đánh mất vị thế tại Trung Quốc.
Hồi đầu năm, hãng phân tích Morgan Stanley dự báo Tesla sẽ chiếm 15% thị trường xe điện hoàn toàn của Trung Quốc trong năm 2021. Tuy nhiên đến năm 2030, con số trên có thể giảm còn 7% khi các hãng xe của Trung Quốc có đủ sức hút.
Theo Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, Tesla bán được hơn 73.000 xe tại Trung Quốc từ tháng 7-9. Tuy nhiên trong cuộc khảo sát với khoảng 1.600 người dùng của Bernstein Research, Tesla đứng đầu danh sách hãng xe không nên mua.
Bản thân Musk vẫn nổi tiếng tại Trung Quốc. Các doanh nhân công nghệ Trung Quốc xem Musk là hình mẫu học tập. Một số doanh nghiệp còn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm bằng phiên âm tên tiếng Trung của ông - Ma Si Ke.
Về phía Musk, tỷ phú này vẫn giữ thái độ tôn trọng. Vào tháng 9, Musk tham gia một hội nghị của Trung Quốc nói về trung tâm dữ liệu của Tesla tại nước này. "Tại Tesla, chúng tôi rất vui khi thấy một số quy định được ban hành để tăng cường kiểm soát dữ liệu", ông cho biết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-quan-he-giua-elon-musk-va-trung-quoc-post1282096.html