Mối quan hệ làm hoen ố vinh quang của quốc vương Ottoman
Một vị vua và một trong những nô lệ của ông thân mật đến mức nó được coi là một vụ bê bối. Các nhà biên niên sử phải giữ im lặng về một mối quan hệ mà theo họ là đã làm hoen ố vinh quang của quốc vương.
Vài tháng sau khi trở về từ Rhodes, Suleiman bổ nhiệm Đại Tể tướng Ibrahim, một người Hy Lạp mà ông đã quen biết rất thân từ lâu.
Con đường sự nghiệp của ông quả thật là phi thường và lãng mạn! Ông là con trai của một ngư dân vẫn chưa tròn 30 tuổi khi đạt được vị trí cao nhất trong đế chế hùng mạnh nhất thời bấy giờ, là chồng của em gái Quốc vương và gần như ngang hàng với ông.
Khi đang ở đỉnh cao danh vọng, ông lại bị hạ gục chỉ trong một đêm bởi cái bẫy do những người hầu bị câm trong cung điện Seraglio giăng ra!

Tranh vẽ Suleiman và Đại Tể tướng Ibrahim. Nguồn: Sunset again/devinart.
Người đàn ông được các nhà biên niên sử gọi là Ibrahim (Người được yêu mến) và Maktul (Kẻ bị ám sát) sinh năm 1493 tại Parga, ở một ngôi làng nhỏ trên bờ biển Adriatic đối diện với Corfu.
Sau khi bị bắt trong một cuộc đột kích, ông được một chức sắc thuộc Porte tại Caffa dâng tặng cho Suleiman. Theo một lời kể khác dễ nghe hơn, bọn cướp biển đã bắt ông và bán ông cho một góa phụ ở Manisa, người bị ấn tượng bởi trí tuệ và tài năng của chàng trai trẻ, đã dạy ông nhiều điều. Ông háo hức vì được học nói tiếng Ý, tiếng Thổ và tiếng Ba Tư cũng như tiếng mẹ đẻ Hy Lạp của mình và học chơi một loại nhạc cụ như violin rất thuần thục. Ông được học tại trường hoàng gia ở Istanbul và trở thành thị đồng cho Suleiman và sau này là Thống đốc của Manisa.
Sự hoạt bát, vẻ ngoài điển trai và dáng người vừa cao vừa gầy của hoàng tử trẻ đã sớm thu hút sự chú ý. Ông thăng cấp với tốc độ đáng kinh ngạc, vì cùng độ tuổi nên Suleiman đã sớm đề nghị kết bạn với ông.
Khi trở thành quốc vương, Suleiman đã phong Ibrahim làm Quản đốc trại chim và sau đó là Tổng Quản lộ tẩm của Quốc vương (has oda başi), một trong những chức vụ quan trọng nhất trong hệ thống phân cấp của Ottoman. Người nô lệ giữ chức vụ đó thường xuyên liên lạc với hoàng đế, canh cho ông được ngon giấc và hộ tống ông đi khắp nơi.
Một trong ba con dấu của đế chế đã được trao cho ông. Ông toàn quyền phụ trách việc cá nhân của Quốc vương cùng với hai người còn lại là Sĩ quan cấp dưới (oda başi).
Thế mới thấy một chàng trai trẻ thông minh và xán lạn đã biết tận dụng mọi cơ hội để kết thân với quốc vương của đế chế như thế nào. Khi ở xa nhau, họ gửi cho nhau những bức thư từ gian này của cung điện Seraglio đến gian khác. Họ đi dạo cùng nhau, không có người hộ tống, trong vườn thượng uyển hoặc đi thuyền có duy nhất một người cầm mái chèo trên eo biển Bosphorus hoặc Golden Horn.
Một vị vua và một trong những nô lệ của ông thân mật đến mức chưa từng thấy trước đây. Quả thực, nó được coi là một vụ bê bối đến mức các nhà biên niên sử phải giữ im lặng về một mối quan hệ mà theo quan điểm của họ là đã làm hoen ố vinh quang của quốc vương. Hầu hết bằng chứng chúng ta có đều đến từ các vị khách nước ngoài, đặc biệt là đại sứ Venice.
Chế độ nô lệ ở Đế quốc Ottoman không hoàn toàn giống như những gì chúng ta tưởng tượng, vì nô lệ của những người đàn ông quyền lực thường có cơ hội gặt hái sự giàu có và danh dự. Tuy nhiên, sự thân mật của quốc vương với Ibrahim bị dư luận cho là đã đi quá xa. Ngay cả bản thân Đại Tể tướng cũng lo lắng về tốc độ thăng hạng quyền lực nhanh chóng của mình.
Baudier, một biên niên sử thế kỷ XVII, cho chúng ta biết rằng Ibrahim đã yêu cầu quốc vương đừng thăng chức cho ông lên một vị trí quan trọng như vậy với lý lẽ rằng: vì ông đã được sống thoải mái và yên bình nên coi như ông đã được đền đáp xứng đáng cho việc phụng sự của mình. Suleiman khen ngợi sự khiêm tốn của ông, nhưng vẫn nhất quyết trao cho ông những danh hiệu cao quý nhất. Chừng nào còn trị vì, dù trong hoàn cảnh nào, Ibrahim sẽ không bao giờ bị xử tử.
Baudier nói thêm: ”Nhưng địa vị của các vị vua, cũng như bao người khác, liên tục thay đổi; và những người được yêu mến thường kiêu ngạo và vô ơn. Đây chính là nguyên nhân khiến Suleiman quên mất lời hứa của mình và Ibrahim cũng quay lưng với sự trung thành và nghĩa vụ".