Mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Khi niềm tin bị xói mòn trên đất Syria
Tình hình Syria đầy phức tạp đã khiến mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bị xói mòn, hai bên thiếu niềm tin vào nhau và sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng lại.
Tình hình căng thẳng tại Syria đã khiến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mất lòng tin vào nhau. (Nguồn: AFP)
Căng thẳng tại Idlib
Một cuộc không kích nhằm vào các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27/2 vừa qua ở tỉnh Idlib (Syria) đã khiến 33 người thiệt mạng và khoảng 50 người (theo một số nguồn tin là 70 người) bị thương. Những con số này cho thấy cuộc tấn công đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu tổn thất nặng nề nhất về người trong các chiến dịch ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ lỗi cho máy bay chiến đấu của Syria và Nga, trong khi đó, Nga lại đổ lỗi cho các lực lượng của Syria. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo cho các nhà chức trách có liên quan của Nga về việc binh sĩ nước này sẽ hoạt động trong khu vực và Nga có trách nhiệm chuyển thông tin đó cho các đối tác Syria.
PpVấn đề này trở nên trầm trọng hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu trạm điều khiển không lưu của Nga, vốn kiểm soát không phận phía Bắc Syria, cho phép máy bay trực thăng của họ bay đến Idlib để sơ tán những người bị thương nhưng đã bị từ chối. Những người bị thương đã được đưa đến một bệnh viện ở Renhanli, bên kia biên giới thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga cáo buộc các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ với các nhóm phiến quân Syria vốn đối đầu với chính quyền Tổng thống Assad và hơn thế nữa còn chiếm được thị trấn trọng yếu Saraquid ở tỉnh Idlib.Thổ Nhĩ Kỳ đã trả đũa bằng việc tấn công hơn 200 mục tiêu của lực lượng Syria ở Idlib.
Sự việc này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, cho dù hai bên đã đi đến một thỏa thuận về Idlib vào năm 2018 nghiêm cấm các hành động gây hấn ở tỉnh này. Tuy nhiên, kể từ đó, hơn 1.300 thường dân trong khu vực đã thiệt mạng, cho thấy rõ ràng những lỗ hổng trong thỏa thuận và thực tế rằng tất cả các bên sẽ tiếp tục hành động theo hướng phù hợp nhất với chương trình nghị sự của riêng họ về Syria.
Điều đó đặc biệt đáng quan ngại bởi sau các hành động quân sự mà chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad thực hiện, hơn 1 triệu người tị nạn Syria đã đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm sự an toàn. Thổ Nhĩ Kỳ đã đón nhận gần 3,7 triệu người tị nạn Syria.
Ankara điều thêm khí tài đến biên giới gần Idlib. (Nguồn: Anadolu)
Mục tiêu đối cực
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có các lý do riêng để hiện diện ở Syria.
Nga ủng hộ chế độ Tổng thống Assad vì các lý do địa chiến lược và lịch sử. Cảng Tartus ở Syria, địa điểm neo đậu của một hạm đội Nga, là nơi giao nhận thiết bị quân sự của Nga vào năm 2015, khi Nga lần đầu tiên can thiệp vào cuộc nội chiến. Cảng Tartus giúp Nga tiếp cận trực tiếp Địa Trung Hải và hiện diện ở khu vực. Cảng Tartus và Latakia cũng cho phép Hạm đội Hắc Hải của Nga tiếp cận vùng biển ngoài khơi phía Đông Địa Trung Hải.
Do đó, Nga khó có thể làm được gì ngoài việc ủng hộ Tổng thống Assad, người mang lại cho họ cơ hội này, và đảm bảo rằng ông Assad vẫn nắm quyền ở Syria.
Bằng việc duy trì sự hiện diện trong khu vực, Tổng thống Putin cũng đảm bảo rằng Nga đóng một vai trò nhất định trong bất kỳ diễn biến nào ở đó. Điều này trùng khớp với mục tiêu của ông là khôi phục vị thế cường quốc vĩ đại cho Nga. Sự hiện diện của Nga ở Trung Đông cũng có thể được xem là đối trọng với sự hiện diện chính của Mỹ ở đó.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng Tổng thống Assad phải bị phế truất ít nhất từ năm 2011. Mặc dù điều đó khiến Thổ Nhĩ Kỳ mâu thuẫn với Nga ngay từ đầu, nhưng tình hình phức tạp hơn thế. Thổ Nhĩ Kỳ dường như không thay đổi suy nghĩ về việc lật đổ Tổng thống Assad hoặc bắt tay với các nước khác để làm điều này. Theo quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Assad không ngừng gây rắc rối bằng việc kích động cuộc nội chiến ở Syria và khiến Ankara phải đối mặt với hàng nghìn người tị nạn tràn qua biên giới. Mức chi phí mà Thổ Nhĩ Kỳ phải bỏ ra để lo cho họ là không hề nhỏ.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng lo ngại rằng người Kurd muốn được độc lập và đang sử dụng cuộc chiến ở Syria và tình hình chính trị mong manh ở Iraq để thúc đẩy các yêu sách của họ về vấn đề đó. Thổ Nhĩ Kỳ không mong muốn tiếp giáp với một lãnh thổ người Kurd dọc đường biên giới của mình, đặc biệt sau khi các nhóm người Kurd tuyên bố thành lập một hệ thống liên bang ở Bắc Syria trên vùng lãnh thổ mà họ chiếm được từ tay IS và đặt tên là Tây Kurdistan. Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ rằng người Kurd có thể tìm cách tách khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với các thành trì của họ ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu điều đó xảy ra, thì đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào chủ quyền của Ankara và làm đảo lộn các nguyên tắc do ông Kemal Ataturk đưa ra khi ông thành lập Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể xung đột trực tiếp tại Syria. (Nguồn: Russia Now)
Khó giải quyết bất đồng
Khi thái độ 2 bên trở nên gay gắt, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từng công khai hỏi Tổng thống Putin: “Ngài đang làm gì ở Syria vậy? Nếu ngài thiết lập một căn cứ thì cứ làm như vậy đi, nhưng tránh xa chúng tôi ra và để chúng tôi đối đầu trực tiếp với Chính quyền Syria”.
Tổng thống Erdogan thừa nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể tự mình tạo ra đủ áp lực để buộc Nga phải tạm thời dừng các chiến dịch quân sự của họ ở Syria, nói gì đến việc ngừng ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad. Do đó, Ankara đã tìm cách buộc Liên minh châu Âu (EU) gây áp lực đối với Nga.
Ông Erdogan cũng tuyên bố sẽ nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như lãnh đạo các nước Pháp, Đức và Anh về cuộc khủng hoảng ở Idlib và yêu cầu họ giúp đỡ trong việc thiết lập vùng cấm bay ở Syria. Trong một bước ngoặt đáng chú ý, ông yêu cầu Mỹ triển khai 2 khẩu đội phòng thủ tên lửa Patriot trên đường biên giới phía Nam nước này để giúp họ ngăn chặn mọi cuộc tấn công trong tương lai của quân đội Syria do Nga hậu thuẫn.
Điều trớ trêu là Tổng thống Erdogan đã đưa ra yêu cầu đó sau khi chọn Nga là bên cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ (một nước thành viên NATO) hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và từ chối lời đề nghị của Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot.
Liệu có hay không khả năng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga can dự vào cuộc xung đột để đảm bảo các mục tiêu của riêng họ ở Syria không bị xâm phạm? Câu trả lời là khó.
Ankara biết rằng họ không có khả năng tham gia vào cuộc xung đột với Nga, các lực lượng quân sự của họ được cho là không có năng lực như Nga, cho dù năng lực của Nga có thể suy yếu.
Về phần mình, Nga cũng không đủ khả năng lao vào cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có lợi thế áp đảo so với Nga ở Idlib vì có mối quan hệ gần gũi với tỉnh đó. Nga sẽ cần chuyển một số lượng lớn nhiên liệu, quân nhu và máy bay chiến đấu qua Địa Trung Hải - một viễn cảnh tốn kém và tốn thời gian kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Bosphorus - với hu vọng có thể đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Đúng là Nga có thể đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng những nguy cơ trước mắt như NATO chắc chắn sẽ đe dọa đáp trả bằng vũ khí hạt nhân, các sản phẩm năng lượng không được tiếp cận thị trường châu Âu cũng như việc châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ có các động thái nhất định để tăng cường hơn quan hệ với Mỹ, tất cả những lý do này khiến Nga không nên suy tính tới một kịch bản như vậy.
Tóm lại, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều không đủ khả năng lao vào một cuộc xung đột trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, do tình hình đã trở nên nghiêm trọng, nên mối quan hệ thân thiết cho đến nay ít nhiều không được như trước. Và vì Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin đều cố tình gây dựng hình ảnh của bản thân là những nhà lãnh đạo cứng rắn nên họ không thể lùi bước.
Hai bên có thể cố gắng đạt được một thỏa thuận sơ bộ nào đó về Idlib, nhưng niềm tin giữa hai bên đã bị xói mòn và sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng lại.