Mới: Sắp có thêm hàng loạt trường hợp bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng?
Tại Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung trường hợp không được bổ nhiệm Công chứng viên (CCV) hoặc bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng…
Theo Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, sẽ có thêm một số trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên (CCV) như người đang là cán bộ, công chức, viên chức, trừ viên chức của Phòng công chứng hoặc viên chức, công chức khác của Sở Tư pháp thuộc đối tượng điều động, luân chuyển về Phòng Công chứng sau khi được bổ nhiệm công chứng viên..., trường hợp bị miễn nhiệm CCV, trường hợp được và không được bổ nhiệm lại CCV...
Dự thảo cũng bổ sung trường hợp bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng đối với CCV bị tạm đình chỉ tư cách hội viên của Hội CCV (vì CCV có nghĩa vụ gia nhập và duy trì tư cách hội viên Hội CCV nên nếu CCV bị tạm đình chỉ tư cách hội viên Hội CCV thì phải tạm đình chỉ hành nghề công chứng).
Về quyền, nghĩa vụ của công chứng viên, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm làm rõ và nâng cao trách nhiệm của CCV, như: Có quyền chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký cá nhân, chứng thực chữ ký người dịch; nghĩa vụ từ chối công chứng trong trường hợp giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức…
Về đào tạo nghề công chứng, Dự thảo Luật quy định những đối tượng được miễn đào tạo nghề và tham gia bồi dưỡng nghề công chứng theo Điều 10 Luật Công chứng hiện hành như luật sư đã hành nghề từ đủ 5 năm trở lên; người đã làm thẩm phán, kiểm sát viên từ đủ 5 năm trở lên... sẽ phải tham gia đào tạo nghề nhưng được giảm 1/2 thời gian đào tạo nghề công chứng (khoản 3 Điều 9 dự thảo).
Thứ hai, về tập sự hành nghề công chứng, Dự thảo nêu rõ thời gian tập sự là 12 tháng để giúp cho các đối tượng tập sự đủ thời gian để trải nghiệm, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn (quy định hiện hành là 6 tháng).
Người tập sự hành nghề công chứng phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự để bảo đảm sự nghiêm túc, thực chất của việc tập sự, tránh tình trạng chỉ ghi danh tập sự; bổ sung quy định trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận mà người đạt yêu cầu kiểm tra không đề nghị bổ nhiệm CCV thì giấy chứng nhận hết hiệu lực.
Về hành nghề công chứng, để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, dự thảo Luật bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi.
Tuy vậy, dự thảo Luật cũng có điều khoản chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật Công chứng sửa đổi có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm.
Đặc biệt, Dự thảo Luật quy định rõ ràng hơn về việc bổ nhiệm CCV nhằm nâng cao chất lượng hành nghề của nhóm đối tượng này.
Theo đó, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm CCV đã được giảm xuống chỉ còn 3 loại giấy tờ gồm Đơn đề nghị bổ nhiệm, giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật và giấy chứng nhận sức khỏe (hiện hành có 7 loại giấy tờ).