Mọi thứ đều ảnh hưởng vì dịch, nhưng hàng hiệu thì không

Trong đại dịch, giá hàng hiệu tăng ngất ngưởng. Hậu Covid-19, với lý do giá nhân công và nguyên liệu cao, họ lại mặc sức tăng giá.

Đại dịch Covid-19 cùng lạm phát không thể ngăn cản các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Gucci hay Cartier tăng giá và đạt được lợi nhuận cao ngất ngưởng, theo Global Times.

Năm 2021, nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi sau đại dịch. Nhưng sự chuyển mình này đi kèm với lạm phát gia tăng, giá nguyên vật liệu và năng lượng cũng đều tăng chóng mặt.

Nhưng các nhà sản xuất hàng xa xỉ chẳng mấy ảnh hưởng. Họ nhanh chóng tăng giá bán để thích ứng với nguồn cung đầu vào.

"Lợi thế của chúng tôi là sự linh hoạt về giá, tức là chúng tôi có phương tiện để ứng phó với lạm phát", Bernard Arnault, Giám đốc điều hành LVMH (tập đoàn sở hữu Louis Vuitton, Dior, Bvlgari, Céline, Givenchy, Tiffany & Co, Fendi…) nói với phóng viên.

 SKP-S, một cửa hàng mua sắm cao cấp có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc Ảnh: IC.

SKP-S, một cửa hàng mua sắm cao cấp có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc Ảnh: IC.

Đặc quyền của hàng hiệu

Các nhà phân tích của Công ty tài chính UBS ước tính rằng các thương hiệu hàng đầu như Louis Vuitton đã tăng giá cao gấp 2,5 lần so với tỷ lệ lạm phát trong 20 năm qua. Trên thực tế, "sức mạnh định giá vẫn là một trong những đặc điểm chính của ngành hàng xa xỉ", các nhà phân tích của UBS viết trong một báo cáo nghiên cứu.

Năm 2021, bất chấp đại dịch, LVMH đạt doanh thu kỷ lục 64 tỷ euro (tương đương 72 tỷ USD) và lợi nhuận ròng 12 tỷ euro.

Kering, tập đoàn sở hữu Gucci và Yves Saint Laurent, cũng vượt qua thời kỳ trước Covid-19 với lợi nhuận ròng 3,2 tỷ euro cùng doanh thu 17,6 tỷ euro vào năm 2021, theo báo cáo của họ vào 10/3.

Francois-Henri Pinault, Giám đốc điều hành của Kering, cho hay: "Cứ mỗi mùa, chúng tôi tạo ra một bộ sưu tập mới và điều chỉnh lại tất cả hạng mục giá".

Trong khi đó, cùng năm, Hermès đạt lợi nhuận ròng 2,4 tỷ euro và doanh thu 9 tỷ euro.

 Túi Chanel là sản phẩm tăng giá gây ồn ào trong thời gian gần đây. Ảnh: SZYMON BRZÓSKA/THE STYLE STALKER.

Túi Chanel là sản phẩm tăng giá gây ồn ào trong thời gian gần đây. Ảnh: SZYMON BRZÓSKA/THE STYLE STALKER.

Giám đốc Hermès Axel Dumas khẳng định thương hiệu của ông tăng giá mỗi năm một lần.

"Tất cả các sản phẩm của chúng tôi đều có biên lợi nhuận như nhau. Chúng tôi không tự nhiên mà tăng giá, tất cả là do chi phí sản xuất bị đội lên", ông nói.

Tập đoàn Richemont của Thụy Sĩ, đơn vị sở hữu Cartier, cho biết chỉ trong quý 3/2021, họ đạt doanh thu 5,6 tỷ euro, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2019.

'Có giới hạn'

Các nhà phân tích tại HSBC cho biết: “Trong một số trường hợp nhất định, khi cầu vượt quá cung, điều đó có nghĩa là người tiêu dùng chấp nhận mức giá rất cao của hàng xa xỉ. Điều này một lần nữa tạo ra biên lợi nhuận”.

Ví dụ, Rolex chủ yếu kiềm chế việc tăng giá trong suốt hai năm qua. Nhưng vào đầu năm 2022, thương hiệu đã tăng giá trung bình hơn 3% và một số mẫu tăng đến 12%.

Các nhà phân tích cho hay: "Trong thời kỳ đại dịch và gần đây, Chanel cũng cho thấy sự tăng giá mạnh mẽ của những chiếc túi mang tính biểu tượng.

 Jennie (Black Pink) tại show Chanel Fall Winter 2022 (ngày 8/3) thuộc Paris Fashion Week dưới vai trò đại sứ thương hiệu. Ảnh: Christian Lee Paris.

Jennie (Black Pink) tại show Chanel Fall Winter 2022 (ngày 8/3) thuộc Paris Fashion Week dưới vai trò đại sứ thương hiệu. Ảnh: Christian Lee Paris.

Mặc dù không phải thương hiệu xa xỉ nào cũng có thể thực hiện được con dao hai lưỡi này, nhưng chúng tôi tin rằng các hành động định giá của Chanel đã tạo ra một không gian tốt để những ‘ông lớn' như Louis Vuitton, Hermès và Gucci nâng cao điểm giá của mình".

Vào tháng 1/.2021, Công ty tư vấn tài chính Bain & Company dự báo lĩnh vực hàng xa xỉ sẽ tăng trưởng 6,0-8,0% hàng năm và mở rộng lên 360-380 tỷ euro vào năm 2025.

Tuy nhiên, Giám đốc quỹ Flournoy Arnaud Cadart cảnh báo rằng việc tăng giá quá mạnh có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến doanh số bán hàng của các thương hiệu.

"Cái gì cũng cần có giới hạn. Một chiếc túi 1.000 euro của hôm nay nhưng hôm sau đã 1.200 euro, điều này có thể khiến người tiêu dùng e ngại với sản phẩm", ông nói.

Thục Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-thu-deu-anh-huong-vi-dich-nhung-hang-hieu-thi-khong-post1302099.html