Mối tình đầu

Cuối năm 1965 tôi được điều từ Đại đội 4 - Hàm Rồng lên trung đoàn viết gương chiến đấu. Sự việc xảy ra một cách bất ngờ. Ông trợ lý câu lạc bộ phải lai tôi từ trận địa Hàm Rồng về nhà thờ để trình diện. Đồng chí chủ nhiệm và phó chủ nhiệm chính trị gặp tôi hỏi chuyện ân cần về văn hóa và viết lách, tôi không tài nào trả lời cho mạch lạc. Thật ra, tôi chưa hề có phương hướng để viết truyện bao giờ. Lúc ở trận địa chỉ làm thơ cho in bích báo, có câu chuyện riêng tư nào để viết; yêu đương vẩn vơ tuổi học trò làm sao mà diễn tả được...

Thấy tôi lo lắng, phó chủ nhiệm chính trị cười:

- Thôi, cứ về lán nghỉ ngơi một hai ngày... Sau đó nộp thơ và truyện để duyệt nhé!

Tôi không tin vào tai mình nữa... Làm sao một cậu lính mới như tôi có thể làm được cái điều phi thường ấy...

*

Lán dã chiến của tôi nằm ở lũy tre cạnh Nhà thờ, đi dọc con mương là sang làng Hạc, nơi đặt ra-đa nhìn vòng của đại đội chỉ huy. Đi men dọc bờ tre là đến Bách hóa số 4, ra con đường Trường Thi bây giờ. Khó có ai nhận ra sự đổi thay của ngày nay. Nằm chán, tôi ra bách hóa mua vài thứ lặt vặt... Thuở ấy, người lính quân hàm xanh còn có giá lắm... Nhất là lính “Hàm Rồng khói lửa”... Vào cửa hàng, lên tàu xe mà có huy hiệu “Mồng năm tháng tám” thì hết ý... Tôi đã gặp được Sang, cô gái thợ dệt Đồng Minh trong dịp ấy... Tôi không hiểu làm sao từ lán của ban chính trị đi ra bách hóa lại đụng phải Sang. Em lại cười khi bắt gặp tôi đang ngơ ngác nhìn tháp nhà thờ. Tại sao tôi lại hỏi em:

- Cô ơi! Bách hóa nằm ở chỗ mô?

-...

Sang kịp nén tiếng cười, tưởng như nàng sợ làm tôi phật ý. Trong ánh mắt tôi nhận ra nàng thừa biết tôi là lính mới đến... Cái thị xã bé như cái lỗ mũi mà không biết đường...

- Đi với em... Em cũng đến đó mà!

Thật ngọt ngào biết bao. Mới ngày hôm qua ta còn ở nơi trận địa nóng bỏng bom đạn. Cái sống và cái chết từng giờ đến giành giật, giờ lại được đi bên người con gái... Một tình cảm vu vơ thoang thoảng mùi vị của đâu đó trong văn chương dấy lên trong lòng tôi... Tôi bạo dạn làm quen... Bây giờ có bao toan tính về chuyện bằng cấp, địa vị nghề nghiệp, nhưng lúc đó không gợn chút nghĩ suy về đẳng cấp. Sự trong veo của tâm hồn làm cho ta thấy rõ nghĩa vụ sống là được chiến đấu, được hy sinh vì dân tộc, vì người khác. Tâm lý ấy choán cả trái tim người lính như tôi và cả em nữa, em thấy được làm quen với người lính “Hàm Rồng khói lửa” là vinh dự.

Em ở đâu? - Nàng mỉm cười e thẹn - Em ở đây... Đang cùng anh đến Bách hóa số 4 mà! - Chỉ ngần nấy thôi mà dâng trào niềm cảm xúc. Bạn biết đấy, là anh học sinh làng quê, cao lắm là tiếp xúc với người con gái ở phố huyện... Nay gặp nàng giữa thị xã còn vương khói bom ban chiều. Nàng nói rồi, tên em là Sang... Ôi cái tên mới dễ chịu chứ. Tôi chưa hề quen ai có cái tên ấy cả... Em làm nghề dệt thảm bẹ ngô ở cầu Sâng... Chúng tôi đã quen nhau. Sang đến thăm tôi vài lần. Các cuộc hẹn hò thật là nghiêm trọng đối với tôi. Tôi ngây dại bởi chẳng biết nói năng cho ra hồn. Rất thích được nói chuyện cởi mở với Sang nhưng lại sợ sệt người đời đánh giá, rằng mình là anh tân binh mà đã hỏng ngay buổi đầu trong đời quân ngũ. Lại còn phải lo nộp bài cho thủ trưởng xem có viết được không. Bạn biết đấy, lúc đeo ba lô rời Đồi C4, cánh lính nhìn với vẻ lạ: - Sướng nhỉ, nó đi viết báo, trong lúc tụi mình trực chiến rét mướt đối mặt với cái chết... Nếu phải trả về đơn vị vì không có khả năng viết đã đành, nhưng với nhận xét quan hệ nhăng nhít thì còn ngẩng đầu lên làm sao được... Nhưng dù sao, sự trẻ trung và ngây thơ của cuộc sống cũng đã cứu thoát tôi.

Tôi cứ chép ra sự thổn thức gặp em:

Anh gặp em bên cầu Sâng

Cây súng trường trên vai trực chiến

Ngày mai máy bay quân thù mò đến

Có lửa đạn pháo anh và súng trường

của em hòa chiến công...

Anh và em gặp nhau ở trận tuyến

Hàm Rồng.

Lần đầu tiên cầm bút, vì phải “trả bài” cho chủ nhiệm chính trị, tôi đã nghĩ ra được câu chuyện về Sang. Cô xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp. Lên trận địa tiếp đạn, bị thương ở trận địa. Nàng đã yêu người pháo thủ là tôi... Chủ nhiệm chính trị và phó chủ nhiệm chính trị thay nhau đọc... Tôi lo lắng chờ đợi, ông trợ lý câu lạc bộ gọi tôi lên gặp lãnh đạo ban chính trị. Ông nói với tôi kiểu cười cười: - Quái quỷ thật, cậu là lính nhà quê mà lại quen được cô gái cầu Sâng rồi cơ đấy! Tôi sợ quá, nếu các ông ấy đội cho tôi cái mũ “quan hệ nam nữ” thì chết bỏ mẹ... Ngồi nghe hai ông chủ nhiệm chính trị và phó chủ nhiệm chính trị phán mà hết cả hồn. Ông chủ nhiệm quân hàm đại úy, sau này tôi mới biết cụ là lính “khố xanh khố đỏ” được giác ngộ đi theo cách mạng.

- Đồng chí phải viết đúng quan điểm lập trường... Lúc này là nhiệm vụ tập trung cho chiến đấu... Không ai cấm chuyện yêu đương, nhưng yêu đương cũng vì nhiệm vụ...

Chết bỏ bố rồi... Tôi thêm vào câu chuyện có mắm có muối chứ làm gì đã có chuyện ấy...

- Thưa thủ trưởng... Em hư cấu đấy ạ! - tôi ấp úng thanh minh. Một anh lính binh nhì mười bảy tuổi đứng trước một đại úy tóc đã bạc, làm sao có dũng khí để tranh luận... Thôi, phó thác vào sự may rủi của số phận...

- Đồng chí sẽ đi viết gương chiến đấu anh dũng của bộ đội ta... Viết thật cảm động, có gì viết nấy không được thêm bớt đâu. - Phó chủ nhiệm cười khà khà cứu tôi thoát khỏi sự lúng túng lo sợ. - Cứ làm rồi nó quen dần, còn phải sửa chữa cho thật dễ hiểu. Bộ đội bận trực chiến không có thời giờ để đọc những bài viết vô bổ... Ôi Sang em đã cứu anh rồi. Nếu không gặp được em anh biết đào đâu ra ý nghĩ để viết... Tôi được chấp nhận, là phái viên của ban chính trị đến các trận địa lấy tài liệu để viết gương. Tôi rất muốn tìm cách gặp Sang để chia tay mà không tài nào làm được... Do xúc động mà chẳng kịp hỏi địa chỉ nhà em... Tôi tự trách mình, dù sao ta vẫn là một gã nhà quê tự ti thiếu lịch thiệp, ít hiểu biết. Tại sao không giới thiệu cho đàng hoàng với các anh bạn cùng trong tổ viết gương ở lán nhà thờ? Tôi chưa giới thiệu cùng bạn đọc tổ viết gương với tôi là: Nguyễn Đình Lâm nhập ngũ năm 1963, chiến sĩ trinh sát trên cao điểm 134 (nơi đặt ăng ten đài truyền hình bây giờ) và Nguyễn Minh Đức nhập ngũ năm 1964 bị thương ở trại Lò Lợn, quê thành phố Nam Định (sau này Đức là thư ký cho một cán bộ cao cấp ở Sài Gòn). Thấy tôi có vẻ lớ ngớ trong tiếp xúc với Sang, hai vị lính cựu đã mách lối: - Tối nay có chiếu phim chắc cô em thế nào cũng đến... Sao cậu không tranh thủ mà tâm sự?

Tối hôm đấy Sang đến xem phim, em mặc bộ quần áo gụ, cắt may rất vừa vặn, tôn lên nét mặt dịu dàng dễ mến. Sang quàng một chiếc khăn mỏng. Không hiểu có phải mốt của thời ấy không... Tôi không tài nào nhớ được...

*

Tôi và Sang không xem phim, lẻn theo con đường lắt léo ra phía cầu Sâng. Thuở ấy con đường Đội Cung còn đầy bãi tha ma, chỉ có một lối mòn, đầy vắng vẻ... Sang dẫn tôi về phía cầu Sâng, nàng nói nhà nàng ở ngay trên bờ sông, có cây sung ngả mình rơi xuống dòng sông... Nơi Sang làm việc là xưởng có nhiều gian chạy dài... Đêm ở vùng ngoại vi thị xã hương đồng thổi về mát rượi. Tôi không dám cầm tay nàng, tôi không dám hỏi tuổi tác của nàng và cả gia cảnh của nàng nữa... Thời ấy, trái tim tôi đầy trong sạch. Nhìn ở đâu cũng thấy thiêng liêng, nghĩ ra điều gì thấy đúng mà chưa làm được là đau khổ dằn vặt muốn chết... Nàng mạnh dạn cầm tay tôi:

- Anh ơi! Em vào tự vệ trực chiến ở cầu Cốc có được không?

- Cầu Cốc có xa không em?

- Cứ theo con sông nhà Lê xuôi thuyền và mảng là đến liền...

- Ngày đêm em trực chiến ở đó hả?

- Vâng... Sau này có thể em đi thanh niên xung phong.

- Bao giờ thì em đi?

- Cũng còn tùy tình hình cách mạng...

Tôi không dám nói điều gì cả. Tôi thấy bâng khuâng, chắc em cũng có tâm trạng ấy. Tôi theo Sang đi dọc con đường về Nam Ngạn. Có tiếng kẻng báo động ở các trận địa rồ lên. Bom của máy bay A6A đi ăn đêm hất xuống phía đê Nam Ngạn. Súng ở các trận địa Hàm Rồng nổ đỏ rực cả nền trời... Như một phản ứng tự nhiên, phản xạ giữa cái sống và cái chết, Sang ôm chặt lấy tôi... Tôi không dám nói đó là tình yêu, có cái gì còn cao hơn thế... Nhưng tôi cũng không dám chắc đó có phải là tình yêu không, hay lúc hoạn nạn, sự đe dọa của cái chết, Sang đã bám vào tôi như một chiếc cọc của bờ đường... Thôi thì cái gì cũng được, tôi chỉ biết đó là hương vị của người con gái đầu tiên đã ngả vào bờ vai mình, trong đêm thị xã Thanh Hóa đầy bom đạn. Tôi không cắt nghĩa được sự kiện này, rồi mai này tôi không hiểu về các mối tình được người đời kể lại, có vẻ rất ly kỳ... Nhưng một điều chắc chắn, thị xã này từ thuở ấy đã có trong tôi.

Đêm ấy, Sang sợ tôi lạc ở thị xã không lần được lối về lán chỉ huy sở nên lại dẫn tôi đi theo lối tắt. Đến gần lán của tôi em nói: - Anh vào đi, không kẻo thấy về khuya mà có em thì bất tiện. Tôi cầm tay Sang mà chẳng nói nên lời. Có tiếng gắt gỏng của ai đó - giải tán phim từ lâu, cậu ấy đi đâu? - tôi như gã ăn trộm vào lán, ông trợ lý câu lạc bộ cho một câu gọn lỏn: - Cậu có còn coi kỷ luật quân đội ra gì không? Báo cáo... Báo cáo gì nữa, có mau mau thu xếp quân tư trang mà lên đường không hở... Có xe chở đạn lên: “Đại đội 1 Bái Thượng”, tôi được cử lên đó để viết về gương chiến đấu bảo vệ đập Bái Thượng. Trung đoàn tôi có trận địa ở Xuân Dương và Mã Hầm, lên đó không xa làng Bàn Thạch của tôi là mấy. May quá, tôi sẽ có dịp qua nhà và hơn nữa tránh được cơn thịnh nộ của ông trợ lý câu lạc bộ, thủ trưởng trực tiếp của tôi, mà có bõ bèn gì cái chức binh nhì, ai chả là thủ trưởng của tôi... Chỉ có Sang là cho tôi một địa vị, từ trong trái tim nàng.

*

Nửa tháng sau tôi từ Bái Thượng về Nhà thờ, mấy ông bạn trong tổ đưa một phong thư và nói: - Cô bé ấy đến tìm cậu dễ đến cả chục lần... Đọc những dòng chữ nắn nót của Sang viết mà tôi không tài nào chịu nổi: - “Em đã nghe được những lời cáu giận về việc anh chậm giờ... Em thương anh lắm... Chắc lúc anh về em đã ra đi rồi... Anh ơi! Em sẽ viết thư về, đừng quên em nhé...”. Tổ viết gương chiến đấu của tôi không tồn tại lâu. Ông lính cựu trào lên đường đi học sĩ quan. Còn tôi sau khi in xong tập bài đen ngòm mực rô-nê ô là rút khỏi ban chính trị. Tuổi quá trẻ, tôi chưa đủ sức để ưu tư về cuộc đời. Trận địa là nơi hợp với tôi hơn... ở đó cứ mỗi lần vào trận như giúp cho tôi quên đi mùi vị thơm thơm mái tóc của nàng... Không hiểu Sang có viết thư về cho tôi không, nhưng nếu viết về ban chính trị chắc không ai biết có tôi ở đó. Những lần giúp anh nuôi đi lấy gạo ở kho gạo Minh Khai, tôi đều tranh thủ đến xưởng đan bẹ ngô ở cầu Sâng tìm hỏi tin tức về Sang. Những cô gái và bà già ở xưởng đều lắc đầu:

- Ở đây không có Sang nào cả!

- Cô Sang có nốt ruồi đo đỏ ở khóe miệng! - tôi cố miêu tả vẻ đẹp của nàng...

- Ai nhỉ! Các cô nhìn nhau dò hỏi.

- Thôi chết rồi... Có phải chị Sang trực chiến ở cầu Cốc.

- Đúng rồi... Đúng Sang trực chiến, dệt cói ấy mà!

Tôi hồi hộp chờ đợi...

Mắt họ nhìn nhau, dường như chờ đợi ai đó nói ra thay họ. Một chị lớn tuổi hơn, mặt sứt sẹo, cũng có thể do chứng đậu mùa để lại. Chị không dám nhìn vào mặt người khác, dường như chị sợ nếu nhìn lây sang họ sự xấu xí của mình.

- Chú là gì với cô Sang?

- Dạ... Em là người quen của Sang, dạo đóng quân ở cạnh lán Nhà thờ...

- Gia đình cô ấy ở chỗ cây sung bơi ra sông ấy... Nhưng bị bom không còn ai cả.

- Thế còn Sang thì sao hả chị?

- Cô ấy... Thật tình chúng tôi không hề biết giờ ở đâu...

Năm tháng trôi đi: Hàm Rồng, cầu Sâng, cầu Cốc, Nam Ngạn, Thọ Hạc... Những cái tên ấy không lúc nào nguôi trong tôi. Nhưng vì cuộc mưu sinh tôi như trăm ngàn người lính sau chiến tranh không thể neo đậu lại đây, phải ra đi làm lại cuộc đời. Tôi không dám cả quyết, rằng lúc nào Sang cũng ở trong tim mình. Với bao lý do bao biện, chiến tranh biết làm sao được... và... Nhưng cuộc đời lại kéo tôi về, như vòng tròn của số phận, tôi được chia suất đất ở phường Nam Ngạn, tôi là cư dân của thành phố này. Ngày ngày tôi phóng xe qua cầu Sâng. Bóng dáng của cây sung già ngả mình xuống dòng sông. Cây ơi! Sao ngươi như một lực sĩ, bơi cùng thời gian, còn ta đã về già, ta không tài nào tìm được bóng dáng của cố nhân.

Một lời của ai đó tôi nghe được trong thinh không, hay tiếng hát từ con thuyền đang chở chum vại từ bến Lò Chum ra đi:

Hỡi người ơi... ta đi cùng người trong gió trăng

Có biết sông xưa chừ đã nên bằng

Câu hò giã bạn còn in chiều cầu Cốc

Cố nhân có còn soi bóng cầu Sâng...

Tôi cố tìm trong bóng dáng người đời, may ra bắt gặp được Sang. Rồi vào cái ngày thị xã lên thành phố, người từ trăm nẻo về vui mừng sự kiện lịch sử này. Tôi phóng xe từ sân vận động thành phố về nhà trong niềm châng vâng thật khó tả. Như bao lần, qua cầu Sâng một thói quen đầy ám thị, tôi đưa mắt nhìn cây sung già đang bơi trên dòng nước. Trời ơi! Một thiếu phụ đang cắp đôi nạng, bên cạnh là thiếu nữ chừng đôi mươi. Nàng đang nói điều gì đó, nghiêm trọng lắm cùng cô gái... Có thật đó là Sang không, hay tôi bị hoang tưởng? Tôi khẽ rón rén đến nơi mẹ con người thiếu phụ. Tôi rất sợ làm nàng giật mình, như giấc chiêm bao tan đi cùng thời gian. Tôi cứ gọi, dù không phải là Sang chăng nữa, cũng thỏa lòng mong nhớ bấy lâu của mình:

- Sang ơi! Sang...

- Anh... Nàng buông tay mặc cho đôi nạng rơi xuống...

- Mẹ!... Cô gái vội đỡ lấy Sang... Tôi cũng kịp đỡ lấy Sang, đúng hơn tôi ôm nàng trong lòng, tôi rất sợ mất nàng một lần nữa...

Sang nói cho tôi nghe rất nhiều, kể từ ngày ấy... Sang nói cho tôi nghe... Nhưng mà, tôi không thể kể cho ai nghe được. Thành phố này đã có trong tôi từ lâu rồi, từ gặp gỡ lần đầu.

Truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/moi-tinh-dau/135153.htm