Mối tình đầu của tôi
1. Mười bảy tuổi, tôi đậu Cao đẳng Sư phạm vì hồi đó học trước tuổi. Ngày nhập học, xếp hết đồ vào cái túi xách treo trước cổ xe, phía sau ba ga buộc thêm một túi bánh tráng, tôi lọc cọc đạp chiếc xe cà tàng đến khu nội trú nhận phòng.
Trên đường đi, tôi gặp “tai nạn”. Tôi, chiếc xe và túi bánh tráng văng ra đường. Lồm cồm ngồi dậy, chưa kịp đỡ chiếc xe, tôi vội chạy lại chỗ túi bánh tráng. Ủa, mới đó mà không thấy nữa. Tôi đứng mếu. Người đứng bên nói, xem tay chân có bị sao không? Nhìn sang tôi thấy một gã trai nét mặt có vẻ lo lắng, tay cầm túi bánh gọn hơ. Hắn lại đỡ chiếc xe, sắp xếp lại đồ đạc đàng hoàng rồi bảo tôi đi vào mé trong, còn hắn sẽ đi bên ngoài hộ tống. Trước khi đi còn bảo nếu thấy đau thì đem xe vô nhà người quen của hắn gửi, hắn sẽ chở ra trường giùm. Tôi lắc đầu nói không sao. Thấy hắn nhẫn nại đi bên cạnh, tôi hỏi sao biết học trường nào mà đòi chở giùm. Hắn nói, ngày xưa thi cùng phòng mà. Ôi trời, tôi làm sao nhớ nổi mấy chuyện như vậy. Kỳ thi đó, tôi chỉ nhớ mỗi cái đề. Hắn cười nói, một mình nhớ là đủ rồi, hôm đó bạn là thí sinh nổi bật nhất phòng thi, chỉ cắm cúi viết, không hề liếc mắt qua cậu bạn ngồi cùng bàn. Gần đến trường, hắn nói, không nghĩ chúng ta sẽ gặp nhau, đúng là hữu duyên.
Vào trường, hắn chỉ tôi đến phòng quản lý nội trú ghi danh, chỉ đường ra căng tin, đường đến giảng đường. Tôi hỏi sao thành thạo vậy, hắn kêu có chị họ học năm ba, trước giờ thường vào trường chơi nên rất rành. Nói xong, hắn hẹn tối tới cổng trường uống cà phê, tôi lắc đầu vì nghĩ đến lời má dặn, lo học chứ đừng yêu đương, học để mai này ra trường, đi làm phụ má thoát nghèo.
Hồi đó, nhà tôi nghèo lắm! Mơ ước có chiếc áo dài, cái áo khoác có mũ đội đầu, chiếc cặp đeo bên hông cũng khó. Mỗi lần trường có tổ chức giao lưu hoặc đi chơi xa, tôi phải mượn quần áo của nhỏ Hoa cùng phòng. Nỗi ám ảnh của tôi là sáng thứ hai hàng tuần, sinh viên sư phạm phải mặc áo dài dự buổi lễ chào cờ. Thời tôi học phổ thông, trường chưa có quy định mặc áo dài nên giờ chẳng có đồng phục cũ mà tận dụng. Thế là, má xin áo dài cũ của bà cô giáo trong xóm cho tôi.
Tôi - cô gái con nhà nghèo, còn hắn lại hội đủ các yếu tố: Đẹp trai, nhà giàu, tài hoa. Hắn học không giỏi nhưng năng khiếu rất tốt. Mỗi lần trường tổ chức văn nghệ, hắn đều chơi đàn guitar. Nhìn hắn gảy đàn, trong tôi có một cảm xúc rất lạ!
Hình như hắn cũng có tình ý với tôi. Học cùng lớp, hắn kề vai sát cánh với tôi, gần như mọi lúc. Một buổi đến giảng đường, một buổi tôi đạp xe tới thư viện đọc sách, hắn đều đồng hành, mặc dù hắn chủ yếu đến để ngủ. Cảm động nhất là một hôm, tôi từ thư viện cuốc bộ về khu nội trú, khóc sưng mắt. Hắn đứng đợi ngay cầu thang, hỏi:
- Có chuyện gì?
- Mất xe rồi! - tôi nói và bật khóc.
- Đừng khóc nữa! Tui thương!
Không “thương” bằng lời nói suông. Những ngày sau đó, hắn chở tôi từ trường về nhà và đến tận nhà đón tôi đi học. Nhà cách nhau 20km nhưng hắn tình nguyện làm tài xế, còn nói với ba mẹ tôi chiếc xe bị mất cắp là lỗi tại hắn và hứa sẽ đền. Mẹ tôi nói không sao, đợi mùa màng xong sẽ tìm mua một chiếc xe cũ cho tôi đi học.
Không cần tới mùa, hắn đã tặng tôi chiếc xe không quá cũ từ số tiền dành dụm sau mỗi đêm ôm đàn đi hát ở quán cà phê. Tôi không nhận, hắn buồn rười rượi. Cuối cùng tôi nói chỉ mượn chứ không lấy.
Mấy đứa bạn cùng phòng vò đầu bứt tóc, bảo không hiểu hắn thích tôi ở điểm nào. Tôi cười, có trời mới biết! Tụi bạn trêu, tranh thủ thời cơ “tổng tiến công giành chính quyền”, tôi bảo mắc học, chưa rảnh.
2. Không bỏ cuộc, sự kiên trì của hắn khiến tôi xao động.
- Sao đằng ấy không đi thực tế với các bạn?
- Má nói không có tiền.
- Nhưng tui nói... có.
- Không thích hàm ơn.
- Tui có cho không đâu, tui ghi sổ, mai mốt đi dạy trả.
- Lỡ không xin được việc thì sao?
- Thì sau này chồng mấy người tính.
- Tui xấu quắc, ai ưng mà tính?
- Yên tâm, hỏng ai ưng thì tui...
Hắn nói lấp lửng rồi nheo mắt bỏ đi. Tôi hơi rung động nhưng không để ý nhiều đến cảm xúc nơi ngực trái mà nhanh chân tìm lớp trưởng ghi danh đi thực tế Đà Lạt. Thực lòng lần này, tôi phải cảm ơn hắn đã cứu nguy nhưng tôi không thuộc tuýp phụ nữ “tầm gửi”. Nhận học bổng quí tới, tôi sẽ trả đúng, trả đủ tiền cho hắn.
Ngày xuất phát, tôi vừa bước lên xe thì hắn kéo tay vào hàng ghế trước để tránh say xe. Xe mới chạy được mười phút, tôi đã nằm bẹp. Bốn giờ chiều, chúng tôi đến Đà Lạt. Hắn mang ba lô giúp và nhờ cô bạn dìu tôi về phòng. Tôi ói tới mật xanh mật vàng nên chẳng thấy nét mặt lo âu đến khó coi của hắn mà cô bạn ghé tai nói nhỏ.
Điểm đến đầu tiên là Thiền viện Trúc Lâm. Trong khuôn viên chùa, tôi tròn mắt trước những bông hoa tuyệt đẹp.
- Giá có thể đem hết vườn hoa này về nhà!
- Ta chỉ ước có thể đem một bông hoa về nhà...
Nói đùa nhưng hắn không cười, trái lại rất nghiêm túc nhìn sâu vào mắt. Tôi hơi run nên bỏ chạy.
- Đây là chuyến đi kết thúc, hãy giả bộ dịu dàng với anh, một lần thôi! - tôi hơi đỏ mặt khi nghe hắn nói.
Vậy mà, cuối cùng, tôi vẫn để Nhân cầm tay dắt lên các bậc tam cấp và chụp hình chung. Cũng không nhớ, tôi đã gọi “anh” lúc nào nhưng khi hắn dịu dàng đeo vào tay tôi sợi chuỗi mua ở chợ đêm thì tôi biết, trái tim mình đã lỗi nhịp. Tôi run run để yên tay mình trong tay Nhân.
Đó là đêm cuối cùng của chuyến đi thực tế, chúng tôi lang thang ở chợ đêm, từ các khu bán quà lưu niệm, quần áo đến các gian hàng ăn uống. Thầy Thiện (trưởng đoàn) bảo các em cứ vui chơi thỏa thích để sau này không còn dịp gặp lại, vẫn có những điều để nhớ. Thầy vừa nói xong, tôi nghe tiếng thì thầm: Đây là lý do bằng mọi giá, anh buộc em phải đi. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp, anh sẽ theo gia đình vào thành phố định cư. Ba mẹ muốn mở rộng việc làm ăn nên...
Chỉ vậy rồi trường tan, tình cũng tan.
3. Chừng ấy đã đủ gọi là tình đầu? Tình đầu trong trẻo nhưng khắc cốt ghi tâm. Mỗi lần nhớ lại, tôi cứ cảm thấy như có một bàn tay đang nắm lấy tay mình.
Bắt đầu như chưa bắt đầu và kết thúc như chưa từng kết thúc - mối tình này chỉ có vậy.
Bây giờ, đứa nào cũng có gia đình riêng, gặp nhau xem như bạn bè. Tôi cũng chưa bao giờ nói với Nhân sợi chuỗi ngày xưa tôi vẫn còn cất giữ trong hộp đựng những món đồ quý nhất của mình./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/moi-tinh-dau-cua-toi-a82082.html