Mối tình duy nhất của 2 vị vua yêu nhau trong lịch sử được tái hiện trong 'Tình sử Thăng Long'
Khắc họa mối tình của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh – hai vị vua cuối thời Lý và đầu thời Trần, vở chèo 'Tình sử Thăng Long', tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn-NSƯT Lê Tuấn đã tạo ra các lát cắt rất đời, rất tình và thấm đượm vẻ đẹp văn hóa của mảnh đất nghìn năm văn hiến, để hóa giải câu chuyện của lịch sử.
Tác phẩm vừa ra mắt khán giả Thủ đô ở những ngày đầu tiên của năm mới 2020. Đây là một năm đầy ý nghĩa với Thủ đô khi Thăng Long - Hà Nội tròn 1010 năm tuổi, dấu mốc thiêng liêng thôi thúc sáng tạo cho các văn nghệ sĩ Thủ đô. Vì vậy, “Tình sử Thăng Long” dù tái hiện một mối tình đã trải qua cả vài trăm năm nhưng với tâm huyết của ê kíp thực hiện, khi được tái hiện trên sân khấu chèo, vẫn khiến người đương thời thổn thức.
Mối tình của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh vốn nổi tiếng trong lịch sử bởi gắn với cuộc chuyển giao lịch sử giữa nhà Lý và nhà Trần một cách êm thấm, không hề gây binh kết oán. Và ở trong vở chèo này, mối tình ấy vẫn cho khán giả thấy tầm vóc lớn lao nhưng đời hơn với những nỗi niềm của 2 nhân vật chính, Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh.
Với sự sắp đặt của thái sư Trần Thủ Độ, sau thời gian làm hoàng hậu không sinh được hoàng nam nối dõi, Lý Chiêu Hoàng đã bị phế truất làm công chúa nhà Trần. Vua Trần Thái Tông bị ép lấy chị dâu, lúc đó đang mang thai 3 tháng với anh trai của vua. Với hoàn cảnh trái ngang, Lý Chiêu Hoàng sống mà như đã chết. Còn Trần Cảnh dù là một ông vua nhưng lại không được quyền lựa chọn ái thiếp của mình. Vì thế, Lý Chiêu Hoàng đã tìm đến cái chết nhưng bất thành. Còn Trần Cảnh đã tìm đến nơi cửa Phật cũng không xong vì giặc Nguyên Mông đang đe dọa bờ cõi.
Sau khi cùng binh lính nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông, ông đã trở lại kinh thành Thăng Long và tác thành hôn sự cho hoàng hậu bị phế truất với một viên tướng nhà Trần. Còn ông truyền ngôi lại cho con trai và nương nhờ cửa Phật. Với một kịch bản tốt, đạo diễn Lê Tuấn đã tạo nên một bản diễn hay của nghệ thuật chèo về mối tình giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh. Những trò diễn, mảng miếng đậm chất chèo Hà Nội được vận dụng nhuần nhị, khiến tác phẩm vừa sang trọng, vừa gần gũi.
Đặc biệt, vở diễn lần này đều được giao cho các diễn viên trẻ Nhà hát Chèo Hà Nội. Với tuổi đời và kinh nghiệm diễn xuất chưa nhiều, nhưng thế hệ kế cận của nhà hát đã làm tròn vai và thể hiện khả năng vững vàng, tiếp bước các nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Thúy Mùi, NSƯT Thu Huyền…