Môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh

Từ thực tiễn cuộc sống đặt ra yêu cầu trong những năm tới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện 'đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế, lần thứ hai', tạo lực đẩy gia tốc mới, những đột phá mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện, bền vững và xây dựng xã hội phát triển hài hòa.

Đối với TP Hồ Chí Minh, năm 2019 là năm thứ hai thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều dự án nhà ở bị đóng băng và môi trường kinh doanh vẫn chưa thật sự bảo đảm tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh. Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, xen kẹt đất nhà nước quản lý tương tự nhau, nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại không được phê duyệt, cho nên chưa bảo đảm tính công bằng. Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Hơn nữa, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm khoảng 50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp, dẫn đến giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận. Các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng. Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập. Các ngân hàng thương mại đứng trước rủi ro trong việc thu hồi nợ. Thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn như hiện nay là do: Hệ thống pháp luật (công tác lập pháp, lập quy), chưa thật sự bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ. Phương thức xây dựng các luật phổ biến theo kiểu "luật khung; luật ống". Khâu yếu nhất vẫn là, công tác thực thi pháp luật của các bộ, ngành và các địa phương. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục hành chính nhìn chung vẫn còn rườm rà, bất cập. Trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế; tệ nạn nhũng nhiễu chưa được khắc phục…

Những nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc, khó khăn nêu trên đều có chung điểm xuất phát từ những hạn chế, vướng mắc về thể chế pháp luật, cơ chế chính sách thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Do thị trường bất động sản có độ trễ, cho nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục.

Thời gian tới, chúng tôi đề nghị Nhà nước, Quốc hội, trước hết là Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, đi đôi với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đối thoại của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Ðề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về các vấn đề: Ðất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, dân sự để bảo đảm tính hệ thống, tính đồng bộ và tính liên thông. Cụ thể, đề nghị Quốc hội xem xét ban hành mới Luật Ðất đai vào năm 2021.

Chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị trong năm 2020, bảo đảm tính hệ thống, tính đồng bộ và tính liên thông. Ðề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung "Chương trình mục tiêu nhà ở xã hội" vào Ðiều 7 Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28-8-2015 về "Ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020", để Chính phủ có căn cứ pháp luật, có nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 hiện nay đang bị ách tắc.

Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt để sớm tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc của thị trường bất động sản, để thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại. Ðề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra; để các chủ đầu tư chấp hành, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có). Ðồng thời, cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản.

Tại TP Hồ Chí Minh, từ tháng 10-2015 đến hết năm 2018 có 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra. Tháng 3-2019, lãnh đạo thành phố và cơ quan có thẩm quyền của Trung ương quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại, nhưng trên thực tế hầu hết các dự án này vẫn chưa hoạt động. Năm 2019 không có dự án nhà ở xã hội (mới), chỉ có ba dự án nhà ở xã hội (cũ) với 2.281 căn hộ hoàn thành xây dựng.

Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43337002-moi-truong-kinh-doanh-minh-bach-cong-bang-canh-tranh.html