Môi trường làm việc thuận lợi tạo cơ hội cho nghệ sĩ múa tỏa sáng
Nghệ thuật múa Việt Nam những năm gần đây có nhiều bước tiến đáng kể. Không chỉ dừng ở việc dàn dựng những tiết mục, tác phẩm biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật, múa đã lên sân khấu với những vở diễn lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng; thậm chí 'cháy vé' với nhiều buổi diễn như ballet 'Hồ Thiên Nga', ballet 'Kiều'...
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam (Hội) cho rằng, nghệ thuật múa đang có nhiều “đất" diễn, môi trường làm nghề rất cởi mở, đa dạng để nghệ sĩ thể hiện, tỏa sáng.
Phóng viên (PV): Mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng năm vừa qua nghệ thuật múa Việt Nam hoạt động khá sôi nổi. Vậy có thể chờ đợi sức bật mới của nghệ thuật múa trong thời gian tới không, thưa ông?
NSND Phạm Anh Phương: Nhìn toàn cảnh của nghệ thuật múa Việt Nam năm 2020 mặc dù có dịch bệnh, các nghệ sĩ bị ảnh hưởng, nhiều show diễn, chương trình phải hủy, hoãn. Tuy nhiên, sau thời gian “giãn cách” chuyển sang “trạng thái bình thường mới” đã có nhiều sự kiện nổi bật. Đó là công diễn 4 buổi liên tục vở ballet “Kiều”-một trong những tác phẩm đoạt giải sáng tác và được Hội đầu tư dàn dựng, diễn ở cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Từ vở diễn này đã thấy các nghệ sĩ múa nỗ lực rất nhiều để vượt qua khó khăn, thử thách. Cùng với vở diễn này, vở kịch múa về đề tài chiến tranh cách mạng “Trăng treo” cũng đã được Hội đầu tư dàn dựng, biểu diễn chào mừng Đại hội Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020-2025) và Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Nổi bật hơn là Cuộc thi tài năng múa toàn quốc 2020 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, thu hút hơn 100 diễn viên, sinh viên tham gia. Đây là cuộc thi được các tài năng múa chờ đợi đã lâu; gần 200 tác phẩm mang đến khán giả không khí khá tích cực, đồng thời là con số ấn tượng thể hiện tài năng của các biên đạo, họ đã luôn bám sát nghệ thuật, sáng tạo nên những tác phẩm phù hợp, mang hơi thở cuộc sống. Nhiều tài năng trẻ mười tám, đôi mươi hứa hẹn là những “mầm xanh” của nghệ thuật múa Việt Nam sẽ phát triển. Từ cuộc thi thấy công chúng hồ hởi đón nhận, chứng tỏ nghệ thuật múa đang có sức lan tỏa rộng đến công chúng trên nhiều phương diện.
PV: Nhiệm kỳ mới, Hội có kế hoạch như thế nào để tạo nên môi trường làm nghề, sáng tạo cho các tài năng múa?
NSND Phạm Anh Phương: Sau đại hội, Hội đã ngay lập tức triển khai những kế hoạch. Cụ thể là tổ chức trại sáng tại Nha Trang, tổ chức đưa hội viên đi thâm nhập thực tế tại Kon Tum và Gia Lai, xét giải thưởng của năm... Hội xây dựng kế hoạch cụ thể của nhiệm kỳ, đưa ra thực hiện theo từng năm, bám vào trọng tâm: Đào tạo-sáng tác-biểu diễn-nghiên cứu lý luận. Sẽ tích cực đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nghệ thuật trong thẩm định, đánh giá chất lượng nghệ thuật, đặc biệt lĩnh vực sáng tác múa; đổi mới hình thức tổ chức trại sáng tác, nội dung phong phú, đa dạng hơn, bám sát hiện thực đời sống, thực hiện theo đường lối văn hóa văn nghệ, chủ trương của Đảng và Nhà nước; đồng hành với cơ quan quản lý văn hóa tiếp tục tổ chức các cuộc thi tài năng, liên hoan,... nhằm thu hút tài năng trẻ. Bên cạnh đó, hội cũng tham mưu, góp ý kiến trong việc chăm lo bồi dưỡng, chi trả lương thưởng, thù lao luyện tập và biểu diễn để giúp nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề; đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ kết hợp với nghệ thuật truyền thống để phát triển, lan tỏa sâu hơn nữa nghệ thuật múa đến công chúng.
PV: Thời gian vừa qua, sự trở về của các tài năng nghệ thuật múa Việt Nam thành danh ở nhiều nước trên thế giới tham gia vào các hoạt động, sự kiện biểu diễn, cuộc thi. Vậy hội có sự chờ đợi gì từ nguồn nhân lực nghệ sĩ này?
NSND Phạm Anh Phương: Nghệ thuật múa Việt Nam trước kia có hai loại ngôn ngữ: Cổ điển châu Âu và dân gian dân tộc. Khoảng 30 năm trở lại đây một loại hình ngôn ngữ múa mới gọi là hiện đại (đương đại) vào Việt Nam, có đóng góp rất tích cực trong việc phát triển ngôn ngữ nghệ thuật múa. Sự hòa trộn những tinh hoa, kỹ thuật của ngôn ngữ múa mới kết hợp vào hai thể loại được cho là chính thống, tạo nên một dáng vẻ, hình ảnh mới của nghệ thuật múa Việt Nam. Trong quãng thời gian đó, nhiều nghệ sĩ Việt Nam được giao lưu, học hỏi, trao đổi ở nước ngoài là cơ hội tốt. Nhiều nghệ sĩ thành danh, chiếm lĩnh những vai trò chỉ đạo, lãnh đạo ở một số đoàn nghệ thuật châu Âu và là những biên đạo tên tuổi được khán giả trong nước, quốc tế quan tâm, như Vũ Ngọc Khải, Huy Trần... Hội cũng rất quan tâm tới nguồn nhân lực này, luôn cởi mở đón chào sự tham gia của họ trong các chương trình, dự án nghệ thuật. Bởi trong những lần trở về quê hương, họ làm việc với các trường đạo tạo, nhà hát, mang những thông tin mới, kỹ thuật mới, tư duy làm nghệ thuật mới, cảm xúc về nghệ thuật múa hiện đại truyền cho thế hệ học sinh, sinh viên trẻ của Việt Nam. Trên sân khấu của châu Âu, thế giới, họ thường xuyên kết hợp giữa ngôn ngữ múa đương đại với chất liệu dân gian truyền thống thống Việt Nam trong những tác phẩm, vở diễn. Đó là một cách truyền bá văn hóa nói chung, nghệ thuật múa Việt Nam tích cực tới khán giả quốc tế.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!