Môi trường nông thôn ở Hàm Tân: Cần chung tay bảo vệ

Cách đây chưa lâu, trong lúc người dân địa phương dẫn ra xem cây cầu gãy lan can bắc qua con suối chảy không xa khu dân cư khu phố 8, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, chúng tôi tình cờ chứng kiến nhiều thứ rác thải sinh hoạt, rác vệ sinh đồng ruộng quăng bừa bãi hai bên bờ suối. Dòng suối vẩn đục bởi các thứ ô nhiễm bên dưới trông thật nhếch nhác.

Chất thải rắn nằm ngổn ngang cạnh dòng suối khu phố 8, Tân Nghĩa.

Rác thải còn tồn đọng

Con suối nội đồng ở khu phố (KP) 8 là nhánh đổ về sông Dinh vào đầu mùa mưa nước thượng nguồn đổ về nhiều, nhưng đoạn chảy qua chiếc cầu số 4 hư hỏng như chậm lại, bởi các thứ rác chặn dòng. Ở ngay bên dưới chân cầu, các bao cát đựng rác nằm chễm chệ, mà theo giải thích của một người dân trong vùng, rằng: “Một số người dân KP 8 ở gần khu vực sản xuất chứa rác thải trong bao đem quăng phía trên đầu suối, mấy cơn mưa đầu mùa nước suối cuốn trôi các bao cát về đây!”. Cách đó không xa, nhiều chai lọ thủy tinh dán nhãn thuốc bảo vệ thực vật cũng nằm ngổn ngang bên bờ suối. “Một số người dân dùng thuốc bơm chăm sóc vườn thanh long trong khu vực, tiện thể đem chai lọ bỏ luôn cạnh bờ suối”, một người khác ở KP 8 cho hay. Những thứ chai thủy tinh nếu không được thu gom, xử lý, rác thải cứng này tồn tại mãi ngoài môi trường!

Rác thải dưới chân cầu số 4 Tân Nghĩa

Trong khi đó, nhiều đoạn hai bên đường tuyến tránh quốc lộ 55, dài gần 5 km, bề rộng nền đường 21 m, qua thị trấn Tân Nghĩa, nạn rác thải vẫn còn tồn đọng. Đoạn đường rộng mở như “bộ mặt” giao thông đối ngoại của huyện Hàm Tân. Hơn một năm qua xuất hiện rác thải các loại chất đống bên vệ đường ở ngay bảng “Cấm không được đổ rác”, gây mất mỹ quan. Theo người dân ở đây cho biết, điệp khúc rác thu gom, có khi đốt tại chỗ, rồi tái diễn rác thải trở lại, gây mất vệ sinh môi trường ở ngay tuyến đường trung tâm thị trấn. Bên cạnh, các loại rác thải nhựa như ly, ống hút, bịch ni lon vứt bừa bãi ở nhiều đoạn mương thoát nước hai bên tuyến tránh. “Một số khách vãng lai, nhóm khách phượt đi mô tô dừng nghỉ dưới bóng mát hai bên đường, uống hết nước khoáng, “cà phê mang về” tiện thể vứt xuống mương”, ông Đào Xuân Hoàng, ngụ khu phố 1, Tân Nghĩa bức xúc nói.

Hiện tại, thực trạng tỷ lệ hộ dân thị trấn Tân Nghĩa tham gia đóng góp lệ phí môi sinh chưa cao, không ít hộ ở các khu vực gần nơi sản xuất, thưa nhà tranh thủ đem các loại rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa ra chất đống ở tuyến tránh đoạn thưa vắng nhà ở, cùng một vài nơi khác trên tuyến quốc lộ 55 qua thị trấn. Ngoài ra, rác thải sinh hoạt, rác thải rắn cũng dễ bắt gặp tại các khu vực giáp ranh, xa khu dân cư, ngay cả hai bên mương thoát nước thuộc tuyến quốc lộ 55 qua 3 xã: Thắng Hải, Tân Thắng, Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân.

Hưởng ứng bảo vệ môi trường

Bởi vậy các cấp chính quyền, đoàn thể thị trấn Tân Nghĩa nói riêng, các xã khác trong huyện nói chung cần tăng cường vận động hộ dân tham gia bảo vệ môi trường chung, giữ gìn khu phố, thôn văn hóa sạch sẽ, bỏ rác đúng nơi quy định để được thu gom; hộ dân khu vực thị trấn đóng góp lệ phí môi sinh hàng tháng. Địa phương tổ chức “ra quân” dọn dẹp vệ sinh môi trường theo phát động của tỉnh, huyện. Các xã, thị trấn tăng thời lượng truyền thanh qua hệ thống loa ở các khu dân cư về công tác bảo vệ môi trường, gương tập thể, cá nhân làm tốt công tác này. Nhất là một số điều Nghị định số 45/CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường cho nhiều người nắm rõ, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường khu dân cư, nơi công cộng, đường giao thông, sông, suối.

Với khu vực rộng lớn 3 xã ven biển (Thắng Hải, Tân Thắng, Sơn Mỹ), dân số hơn 20.000 người đã được quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp, dịch vụ, du lịch, năng lượng cần sớm được UBND tỉnh đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải các loại để đảm bảo môi trường sinh thái bền vững gắn phát triển kinh tế, xã hội.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/moi-truong-nong-thon-o-ham-tan-can-chung-tay-bao-ve-110787.html